Định vị nào cho cổ phần Vietcombank

Định vị nào cho cổ phần Vietcombank

Sau khi Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức đưa toàn bộ thông tin ra thị trường phục vụ cho đợt phát hành cổ phần lần đầu (IPO) sắp tới, các thông tin này ngay lập tức được giới đầu tư "mổ xẻ" với mục tiêu đơn giản là tìm giá trị thực của "đại gia" này.

Giá của tương lai

Giá khởi điểm của Vietcombank là 100.000 đồng/cổ phần đã được quyết định, nhà đầu tư tham gia đấu giá sẽ phải đặt trên mức này nếu muốn mua được, nhưng trên là bao nhiêu khi trong mắt của giới phân tích chứng khoán hiện nay, đang có một quan điểm đồng nhất là cổ phần Vietcombank sẽ là món hàng đầu tư dài hạn hấp dẫn.

Việc định vị đó cho thấy một điều rằng, mặc dù Vietcombank vẫn còn một số vấn đề mang tính đặc thù của một doanh nghiệp nhà nước, nhưng đã có những nền tảng cơ bản để đảm bảo khả năng tăng trưởng tốt trong tương lai.

Cách đây hai năm, khi Vietcombank phát hành trái phiếu tăng vốn (trái chủ được quyền mua cổ phần Vietcombank khi cổ phần hóa), các nhà đầu tư tổ chức tham gia khá đông, nhưng nếu để tâm một chút thì có thể thấy, các định chế tài chính tại Việt Nam chiếm áp đảo trong số đó. Và một chi tiết khá thú vị tại phiên đấu thầu trái phiếu, đó là có một ngân hàng cổ phần hàng đầu tại Việt Nam dẫn một "đội quân" gồm 6 đơn vị thành viên do một Phó chủ tịch dẫn đầu tham gia. Sở dĩ phải có cả một "đội quân" như vậy là bởi mỗi pháp nhân chỉ được mua tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu, ngân hàng cổ phần này đã thể hiện quyết tâm thâu tóm được càng nhiều càng tốt số trái phiếu được phát hành.

Quyết tâm là như vậy, nhưng chỉ 2 trong số 6 thành viên đó trúng thầu bởi có những đối thủ cạnh tranh khác còn "máu lửa" hơn khi sẵn sàng nhận mức lãi suất 0% để mua được trái phiếu.

Đối với một nhà đầu tư bình thường thì cái tên Vietcombank chưa hẳn đã là một cái gì quá "khủng khiếp" và có thể chỉ là một cơ hội đầu tư đáng quan tâm mà thôi, nhưng trong giới tài chính thì lãnh đạo các ngân hàng, công ty tài chính… phải dành một sự "trân trọng" nhất định khi bình luận về Vietcombank. Sự quan tâm của các định chế tài chính tới cổ phần của Vietcombank ngay từ phút ban đầu như trên đã chứng tỏ phần nào điều đó.

Sự phát triển của một ngân hàng gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế chung, chính vì thế, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra thì các ngân hàng là nơi hứng chịu đầu tiên. Một ngân hàng có vốn lớn mới có khả năng chịu đựng được những khủng hoảng đó, lịch sử ngân hàng thế giới với những ngân hàng cả trăm năm tuổi đã chứng minh điều đó. Tại Việt Nam , Vietcombank đứng thứ hai thị trường xét về chỉ tiêu này với tổng tích sản trên 10 tỷ USD, con số không nhỏ so với quy mô của cả nền kinh tế.

Nhưng quan trọng hơn, trong hoạt động của một ngân hàng thương mại, có những lĩnh vực Vietcombank giữ vai trò mà nhiều ngân hàng khác phải kiêng dè. Một điều được mặc nhiên từ lâu đó là tỷ giá Vietcombank công bố hàng ngày được coi là tỷ giá chuẩn của mọi doanh nghiệp có hoạt động ngoại tệ, vị thế này có được một phần vì truyền thống nhưng quan trọng hơn, trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ Vietcombank chiếm thị phần lớn nhất. Riêng lợi nhuận từ kinh doanh ngoại tệ năm 2006 đã mang về cho ngân hàng này 274 tỷ đồng, ngang bằng lợi nhuận của cả một ngân hàng cổ phần cỡ khá tại Việt Nam.

Xuất nhập khẩu hay hoạt động bảo lãnh cũng vậy, chuyện doanh nghiệp nhập khẩu hàng "bị" đối tác bán hàng ở nước ngoài yêu cầu phải mở L/C và bảo lãnh qua Vietcombank là chuyện không hiếm.

Nếu như trong lĩnh vực ngoại tệ, uy tín và thị phần cho phép Vietcombank giữ vị trí của một market maker (nhà tạo lập thị trường) thì lĩnh vực thẻ thanh toán dù mới nhưng tình hình cũng không khác. Không chỉ là ngân hàng đầu tiên mang thẻ thanh toán vào Việt Nam, tính tới tháng 12/2006, Vietcombank chiếm 33% thị phần phát hành thẻ, gồm cả thẻ quốc tế và thẻ ghi nợ. Nếu xét về thói quen tiêu dùng thì các sản phẩm thẻ của Vietcombank đang chiếm ưu thế trên thị trường, cho dù lĩnh vực phát hành thẻ tại Việt Nam không chỉ có các ngân hàng nội địa mà có cả các ngân hàng rất lớn của nước ngoài.

 

Định giá trên nền quá khứ

Những thành công đó nhờ khá nhiều vào sự tiên phong ứng dụng phương thức quản lý tiên tiến tại Việt Nam từ khá lâu. Khi thị trường ngoại tệ vẫn còn đóng kín thì Vietcombank đã sớm thành lập hai phòng giao dịch ngoại tệ, tương tự là tạo lập hệ thống quản lý tập trung nguồn vốn khi hầu hết ngân hàng khác rơi vào tình trạng quản lý phân tán trên nhiều chi nhánh khác nhau…

Phải thừa nhận, nhiều lĩnh vực thế mạnh của Vietcombank, đặc biệt liên quan tới ngoại tệ và xuất nhập khẩu, có được là nhờ vào lịch sử với hoạt động đặc thù của một ngân hàng chuyên doanh trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại từ cách đây 45 năm.

Bề dày này còn tạo nên một thương hiệu Vietcombank mà chưa thấy ai định giá là bao nhiêu. Chỉ biết rằng, nhiều ngân hàng tại Việt Nam hiện nay đổ ra hàng chục tỷ đồng mỗi năm để làm thương hiệu, với mong muốn tên tuổi của mình được đọng lại trong lòng khách hàng, nhưng để được nhiều người ghi nhớ như Vietcombank chắc vẫn cần một thời gian không ngắn.

Lịch sử có thể giúp tạo ra những nền móng tốt đẹp nhưng mặt trái của nó cũng là những vấn đề cần quan tâm. Lãnh đạo Vietcombank thừa nhận, cơ chế quản trị doanh nghiệp là vấn đề lớn nhất mà Vietcombank phải xử lý sau cổ phần hóa.

Hiện Vietcombank có nhiều lợi thế để phát triển, chất lượng tài sản không hề thua kém các ngân hàng cổ phần tốt nhất hiện nay, công nghệ được đầu tư rất sớm khi cách đây hơn 5 năm, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tuyên bố online toàn bộ hệ thống. Đây là cơ sở để Vietcombank tung ra hàng loạt sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, việc dẫn đầu lĩnh vực thẻ thanh toán cũng là kết quả của hệ thống công nghệ được đầu tư rất sớm này.

Cũng theo lãnh đạo Vietcombank, những thế mạnh đó hoàn toàn có thể bị triệt tiêu nếu cơ chế quản trị điều hành không có sự thay đổi trong môi trường mới. Một điều đơn giản có thể trông thấy, đó là cơ chế đãi ngộ cứng nhắc đang rút đi rất nhiều "chất xám" của Vietcombank, vốn vẫn thường tự hào có đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, hệ thống quản trị điều hành, quản trị nguồn vốn, quản trị rủi ro… dù đã được hiện đại hóa theo đề án của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2001 nhưng vẫn chưa thể đủ để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là cơ chế quản trị theo mô hình tập đoàn. Điều này cũng được kỳ vọng thay đổi với một cơ chế quản lý cổ phần năng động hơn, với sự tham gia của những đối tác chiến lược tầm cỡ quốc tế.

 

Cho một sức bật mới

Với lực cản lớn giống như nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, nhưng nếu nhìn vào bản công bố thông tin Vietcombank vừa được công bố, tính đến tháng 12/2006, Vietcombank có mức lợi nhuận trước thuế lên tới 3.888 tỷ đồng, vượt xa so với mức 1.206 tỷ đồng của ngân hàng đứng thứ hai. Điều này cho phép Vietcombank giữ được tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu 25,86%, mức mơ ước của nhiều ngân hàng hiện tại.

Đối với các nhà đầu tư, kỳ vọng vào sự phát triển trong tương lai của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng nhiều tới mức giá được trả cho cổ phiếu đó. Trường hợp của Vietcombank cũng vậy, việc cổ phần hóa đang kỳ vọng mang lại một sức bật mới, với cơ chế quản trị điều hành linh hoạt hơn. Cơ sở cho sự kỳ vọng là có, nhưng cao hay thấp thì mỗi nhà đầu tư phải tự cân nhắc khi đấu giá Vietcombank vào cuối tháng 12/2007 này.