Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng, một phần do sự suy yếu của các đối thủ cạnh tranh

Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng, một phần do sự suy yếu của các đối thủ cạnh tranh

Định vị lại thương hiệu lúa gạo Việt Nam

(ĐTCK-online) Để gạo Việt Nam xuất hiện rộng rãi và ổn định trong thực đơn của người dân thế giới, tất cả các bên liên quan cần chú trọng phát triển các thương hiệu gạo Việt nhiều hơn.

Trận lũ lụt lịch sử và chính sách thu mua gạo mới của Chính phủ Thái Lan có thể đe dọa ngôi vị số một về xuất khẩu gạo của quốc gia này thời gian tới. Đứng ở vị trí thứ 2, Việt Nam có thể gián tiếp được hưởng lợi, thế nhưng chúng ta vẫn chịu thua Thái Lan trong việc xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế. Đó là ý kiến của các chuyên gia trong cuộc hội thảo "Việt Nam - Con đường phát triển lúa gạo chất lượng cao" tổ chức trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam lần 2 diễn ra từ ngày 8-11/11.

 

Cơ hội vàng cho gạo Việt Nam

Bắt đầu từ đầu tháng 10/2011, Chính phủ Thái Lan thực hiện chương trình thu mua gạo từ nông dân với mức giá hỗ trợ. Chính sách mới nâng mức giá thu mua gạo trắng tối thiểu lên 485 USD/tấn, cao hơn 50% với mức giá trước đó và tương đương với mức giá trên thị trường tại nước này vào đầu mùa hè.

Tham gia Festival lúa gạo Việt Nam, ông Chookiat Ophaswongse- Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nêu nhiều khó khăn mà quốc gia này đang phải đối mặt. Đại diện của Thái Lan cho biết, do ảnh hưởng bởi hai yếu tố tiêu cực nói trên, năm 2012, sản lượng xuất khẩu gạo của quốc gia này sẽ còn 8 triệu tấn, giảm 2,5 triệu tấn so với năm nay. Từ tháng 11/2011 tới 1/2012, dự kiến, sản lượng xuất khẩu của Thái Lan sẽ giảm xuống còn 500.000 tấn/tháng, tương đương giảm 50% so với trước đó. Ông Chookiat Ophaswongse tiết lộ, do giá tăng cao, xuất khẩu gạo nước này đang đối mặt với tình hình ảm đạm vì mới có rất ít hợp đồng được ký cho năm tới.

Trái ngược khó khăn của quốc gia láng giềng, gạo Việt Nam được nhận định đối diện với vận hội mới. Năm 2011, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục phá mức kỷ lục của năm trước cả về giá và sản lượng. Tính đến cuối tháng 10/2011, các doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 6,4 triệu tấn gạo, thu về 3,3 tỷ USD (tăng 11,6% về lượng và 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010). Theo Trung tâm tin học thống kê, Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2011 ước đạt 7,5 triệu tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 3,7 tỷ USD. Năm 2012, sản lượng lúa của Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 41 triệu tấn. Các chuyên gia dự báo sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể cán mốc 10 triệu tấn giai đoạn 2015 - 2016. Năm tới, 2-3 triệu tấn sản lượng gạo xuất khẩu thiếu hụt của Thái Lan có thể được bù đắp bởi Việt Nam và Ấn Độ, hai quốc gia đứng kế tiếp Thái Lan.

 

Những thách thức

Bất chấp các thuận lợi, nhiều chuyên gia tham gia Hội thảo đưa ra đánh giá thận trọng về khả năng Việt Nam vượt mặt quốc gia láng giềng. Các chuyên gia chỉ ra rằng, dù lúa gạo Việt Nam có năng suất cao nhất thế giới, có nơi tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt tới 7-11 tấn/héc-ta nhưng tổn thất trong và sau thu hoạch lên tới gần 14%, cao hơn nhiều so với Ấn Độ (6%). Ước tính thiệt hại hàng năm lên tới 500 triệu USD từ quy trình thu hoạch thủ công và công nghệ xay xát lạc hậu.

Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chính sách xuất khẩu gạo Việt Nam đang kẹt giữa một bên là chính sách bảo hộ khiến giá lúa cao của Thái Lan và một bên là chính sách giá thấp của Ấn Độ: Quốc gia Nam Á này vừa cho phép bán ra 2 triệu tấn gạo không khống chế mức giá sàn ở mức khoảng 470-480 USD/tấn, thấp hơn so với giá gạo của Việt Nam khoảng 100 USD/tấn... Theo ông Huệ, trong điều kiện này, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tính toán để làm sao cân đối trước sức ép giá thấp của Ấn Độ và duy trì lợi thế từ Thái Lan.

Các chuyên gia tham gia Hội thảo đánh giá, mặc dù là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, chiếm khoảng 1/5 lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn thua gạo Thái Lan trong việc xây dựng thương hiệu, cũng như đưa sản phẩm có thương hiệu đến tay người tiêu dùng quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không có các giống lúa nổi tiếng như Jasmine, Homali… của Thái Lan. Một số sản phẩm lúa gạo có tiếng trong nước thì quy mô sản xuất quá nhỏ không đủ để đưa thành sản phẩm thương mại quy mô toàn cầu. Một số giống lúa đặc sản của Việt Nam sau cải tiến được nhân rộng thì nhanh chóng thoái hóa sau vài năm gieo trồng, cho chất lượng không ổn định.

Đại diện của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thẳng thắn đánh giá, sự bứt phá về sản lượng xuất khẩu của gạo Việt Nam thời gian qua đến từ nhiều yếu tố: sự suy yếu của các đối thủ cạnh tranh và sự cải thiện của công nghệ chế biến sau thu hoạch chứ không hẳn vì gạo Việt Nam được quốc tế ưa chuộng hơn.

Vì vậy, để gạo Việt Nam xuất hiện rộng rãi và ổn định trong thực đơn của người dân thế giới, tất cả các bên liên quan, từ Chính phủ, doanh nghiệp cho đến mỗi người nông dân cần chú trọng phát triển các thương hiệu gạo Việt nhiều hơn.