Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO

“Định mức” đã giới hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO cho rằng, thực hiện một chính sách ưu đãi hỗ trợ tài chính từ Nhà nước nhưng lại thông qua hầu bao và nguyên lý quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại là không phù hợp.

Nếu triển khai việc kích cầu tín dụng bằng hình thức ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0%/năm, rồi sau đó các đơn vị này sẽ nhận phần lãi suất hỗ trợ của Nhà nước thông qua Ngân hàng Nhà nước, ông có bình luận gì?

Theo tôi, đây là phương án không khả thi và nhiều rắc rối. Không khả thi ở chỗ, mỗi ngân hàng thương mại đều có mục đích hàng đầu là kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận, bảo đảm an toàn, do đó, nhiệm vụ thực thi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ là thứ yếu. Ngay cả trong phần thứ yếu đó, nhiều trường hợp cần hỗ trợ lãi suất chính sách lại không phù hợp với cấu trúc xây dựng cơ sở khách hàng của một số ngân hàng.

Ví dụ, nhiều ngân hàng hiện nay tập trung vào mảng tiêu dùng cá nhân, còn mảng doanh nghiệp triển khai vừa chừng, thậm chí siết rất chặt. Nếu bây giờ nới lỏng theo phương thức hỗ trợ lãi suất 0%/năm để giải ngân vốn cho doanh nghiệp thì các ngân hàng sẽ rất rụt rè.

Tiếp nhận chính sách đã khó, chưa kể đến nhìn lại quá khứ, việc hỗ trợ lãi suất đã từng được triển khai vào giai đoạn 2008 - 2010. Trong khoảng thời gian đó, các ngân hàng rất ngại khi gặp phải trường hợp doanh nghiệp trong diện hỗ trợ. Vì khi tiếp nhận đồng vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách, ngân hàng sẽ phải đối diện với các đợt thanh tra về sau để xác định xem việc giải ngân có đúng đối tượng hay không.

Điều kiện để hỗ trợ theo chính sách mà Nhà nước đưa ra thường yêu cầu chọn doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ, sử dụng vốn đúng mục đích. Nghe thì dễ nhưng thực hiện khó, nếu như khoản nợ được hỗ trợ chẳng may thành nợ xấu thì ngân hàng gần như sẽ bị coi là vi phạm điều kiện hỗ trợ.

Rất khó để cụ thể hoá các điều kiện cũng như xác định chính xác đúng hay sai, dẫn đến có những vụ việc ngân hàng không chỉ đối mặt với thanh tra, mà còn dính líu đến xử lý hình sự. Trong khi đó, nếu không cho vay, ngân hàng gặp không ít phiền phức, bởi doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn, gây sức ép trên các phương tiện truyền thông.

Thực tế, trong đợt hỗ trợ lãi suất trước đây, chỉ có những ngân hàng thương mại có vốn nhà nước tham gia hưởng ứng, còn các ngân hàng thương mại cổ phần rất rụt rè. Do đó, nếu bây giờ thực hiện kích cầu tín dụng bằng lãi suất cho vay, hệ thống ngân hàng nhiều khả năng sẽ gặp lại bối cảnh trước đây.

Theo ông, đối với các ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động là mục tiêu sống còn?

Đúng vậy, đặt giả thiết, sau đợt tiêm chủng vắc-xin phòng dịch Covid-19 quy mô lớn tại Việt Nam, các doanh nghiệp có mong muốn phục hồi hoạt động, ngân hàng sẽ lựa chọn doanh nghiệp có khả năng trong việc hoàn trả vốn vay, có phương án kinh doanh tốt… Theo đó, hỗ trợ như thế nào sẽ thuộc quyết định từ ngân hàng, chứ không thực hiện đại trà như trước.

Đây là vấn đề được rút từ bài học của những năm 2008 - 2010. Doanh nghiệp dù đáp ứng đủ các điều kiện mà Nhà nước đưa ra, nhưng ngân hàng xác định doanh nghiệp có rủi ro thì các yếu tố chính sách của Nhà nước cũng sẽ không theo kịp được chính sách về rủi ro trong nội bộ ngân hàng. Theo đó, ngân hàng sẽ từ chối cho doanh nghiệp vay, chứ chưa nói đến câu chuyện lãi suất 0%/năm.

Giả sử hệ thống ngân hàng buộc phải tham gia hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, ông có khuyến nghị gì?

Ngân hàng phải cân nhắc các yếu tố rủi ro: thứ nhất, rủi ro bất cập về chính sách cho vay và kết cấu của ngân hàng; thứ hai, rủi ro về việc thanh tra, kiểm tra dẫn đến hệ luỵ phải hoàn trả ngân sách nhà nước, rồi tiền phạt, thậm chí là quy trách nhiệm cán bộ, nhân viên ngân hàng; thứ ba, nếu cứ áp dụng đại trà theo chính sách mà không phù hợp với quản lý rủi ro tín dụng của ngân hàng sẽ dẫn đến nợ xấu.

Liên quan đến việc có nên ban hành thêm văn bản hoặc quy định để bảo vệ ngân hàng, thực tế cho thấy là rất khó triển khai, trừ khi ngân hàng được uỷ thác cho vay, rủi ro chuyển tiếp cho ngân hàng chỉ ở khâu xác định đối tượng. Nếu ngân hàng bỏ đồng vốn của mình ra để thực hiện chính sách của Nhà nước thì rất khó bảo vệ mình trong mọi tình huống.

Tôi cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp cần theo hướng khoanh vùng lĩnh vực, ngành nghề, sau đó lựa chọn những ngân hàng phù hợp với kết cấu kinh doanh của họ để triển khai. Tuy vậy, hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại cổ phần sẽ phải chấp nhận ở trong chừng mực, trừ ngân hàng 100% vốn nhà nước mới có thể thực hiện những chính sách này.

“Định mức” của hệ thống ngân hàng cũng có giới hạn, Nhà nước nên đưa ra các tiêu chí hỗ trợ doanh nghiệp khác như thuế…

Tin bài liên quan