Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp tư nhân Việt cần nhiều nỗ lực hỗ trợ thực chất và toàn diện để giải thoát khỏi những gánh nặng và vươn lên cất cánh.
Nặng gánh thuế phí, thanh kiểm tra
Công bố gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, doanh nghiệp Việt đã và đang phải đóng góp tới 40,8% tổng lợi nhuận cho cơ quan nhà nước thông qua các loại thuế, lệ phí. Mặc dù Quốc hội và Chính phủ đã có yêu cầu các cơ quan quản lý và các địa phương cần tiến hành rà soát lại các lại thuế, phí để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, song theo kết quả khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tình trạng thuế phí đè nặng doanh nghiệp vẫn chưa hề giảm.
Khảo sát của VCCI cũng chỉ ra một thực tế mà nhiều doanh nghiệp rất quan ngại là chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, các loại phí không chính thức trong việc thực hiện các quy trình thủ tục và tiếp nhận kiểm tra hành chính và thanh tra tỷ lệ thuận với quy mô của doanh nghiệp.
Tính riêng 781 doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn trong năm 2014, tổng tài sản đã lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng, trong đó các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm 90%; vốn chủ sở hữu là 1.233.000 tỷ đồng, trong đó các tập đoàn nhà nước chiếm 65%, tổng công ty nhà nước chiếm 25,2%, khối công ty mẹ con chiếm 2,3%.
Nói về gánh nặng này, ông Phan Bá Sang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vĩnh Phúc cho rằng, không thể không nhắc tới mối tương quan mật thiết với hoạt động thanh tra, kiểm tra và đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành. Theo ông Sang, các doanh nghiệp thường xuyên phải than phiền về tần suất thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, việc kiểm tra, thanh tra chủ yếu là tìm lỗi để phạt, thay vì hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp tuân thủ.
“Đơn cử, chỉ với vấn đề môi trường, tính trung bình, doanh nghiệp phải tiếp đến 5 đoàn kiểm tra trong 1 năm. Còn tính chung, có doanh nghiệp phải tiếp tới 26 đoàn thanh, kiểm tra trong 1 năm, tức là trung bình hơn 2 đoàn/tháng, khiến doanh nghiệp không còn thời gian để tập trung sản xuất - kinh doanh”, ông Sang nói và cho biết thêm, cùng với vấn nạn thanh kiểm tra, các chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải bỏ ra có xu hướng tăng mạnh, “thủ tục một cửa tuy đã triển khai, song vẫn cần nhiều chìa”, khiến doanh nghiệp phải khó khăn tốn kém thời gian, công sức và chi phí.
Thiếu nguồn lực, bị khu vực nhà nước lấn áp
Xu thế bị chèn lấn trong phân bổ và tiếp cận các nguồn lực sản xuất (vốn, đất đai) của khối doanh nghiệp tư nhân đến từ áp lực nợ công và khu vực nhà nước cũng được CIEM chỉ rõ trong Báo cáo Kinh tế 2015 và triển vọng kinh tế 2016, công bố hồi đầu năm nay.
Theo đó, tổng nợ phải trả của Việt Nam trong năm 2016 dự kiến khoảng 110.000 tỷ đồng, trong đó riêng quý I là khoảng 55.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu mới là khoảng 76.000 tỷ đồng. Với kế hoạch trả nợ này, CIEM nhận định, số tiền huy động từ trái phiếu chính phủ thực dùng cho đầu tư không còn nhiều, khiến cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ càng hẹp hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân.
“Huy động trái phiếu chính phủ làm giảm cơ hội được tiếp cận các khoản vốn vay giá rẻ với lãi suất thấp để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh của khối doanh nghiệp tư nhân”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét và cho rằng, sự bất bình đẳng trong cơ chế phân bổ, tiếp cận nguồn lực giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân khiến khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa không có nguồn lực để duy trì và phát triển.
Sự lấn át của khu vực nhà nước đối với kinh tế tư nhân được chứng minh tại kết quả nghiên cứu mới nhất của CIEM và Ngân hàng Thế giới về sở hữu vốn nhà nước và tài sản công trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Theo kết quả nghiên cứu của CIEM, Nhà nước đang đổ một lượng vốn lớn vào các doanh nghiệp nhà nước.
Tính riêng 781 doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn trong năm 2014, tổng tài sản đã lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng, trong đó các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm 90%; vốn chủ sở hữu là 1.233.000 tỷ đồng, trong đó các tập đoàn nhà nước chiếm 65%, tổng công ty nhà nước chiếm 25,2%, khối công ty mẹ con chiếm 2,3%.
Nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có trên 50% sở hữu Nhà nước trở lên thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản lên đến 5.408.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 257 tỷ USD. Theo ông Cung, đây mới chỉ là con số tính theo giá trị sổ sách tài sản hiện tại. Nếu tính cả giá trị quyền sử dụng đất thì tài sản của khu vực doanh nghiệp nhà nước còn cao hơn rất nhiều, bởi đất đai là tài sản có giá trị rất lớn tại Việt Nam.
Tính toán của Ngân hàng Thế giới cho thấy, GDP của toàn Việt Nam hiện đạt mức trung bình khoảng 200 tỷ USD/năm, trong khi đó giá trị tài sản công, trong đó một phần lớn đang nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước, có quy mô lớn hơn khoảng 4 lần tổng giá trị GDP, tức là xấp xỉ 800 tỷ USD. Các chuyên gia của WB cho rằng, chỉ cần tăng được 1% từ việc sử dụng hiệu quả khối tài sản khổng lồ này thì Việt Nam đã có thêm 8 tỷ USD. Tương ứng với đó là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, thậm chí có thể đạt tới mức kỷ lục là 13%, tức là gấp đôi so với tốc độ tăng GDP trung bình hiện nay.
Vấn đề đặt ra ở đây là, trong khi sở hữu khối tài sản khổng lồ hàng triệu tỷ đồng này, song việc quản lý sử dụng và giám sát của chủ sở hữu nhà nước rất kém hiệu quả, để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân luôn trong tình trạng đói vốn, thiếu nguồn lực để đầu tư phát triển.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nêu quan điểm, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước có giảm trong thời gian gần đây sau khi cổ phần hóa, song thực tế, tỷ lệ sở hữu tài sản của nhà nước vẫn rất lớn so với khu vực tư nhân. Dòng vốn đầu tư vẫn đổ mạnh vào khu vực nhà nước khiến vốn tín dụng cho tư nhân bị thu hẹp, giá vốn vay tăng cao, lãi suất vốn đã cao vẫn tiếp tục tăng lên, cộng với những áp lực cạnh tranh rất rõ từ việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN thông qua làn sóng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ngày càng mạnh của các tập đoàn nước ngoài đối với các doanh nghiệp Việt Nam, mà xu hướng rõ nhất gần đây là trong lĩnh vực phân phối bán lẻ.
“Tất cả các yếu tố này gộp lại đang chèn ép, bóp nghẹt khu vực tư nhân. Doanh nghiệp trong nước đang yếu đi, thể hiện động lực và xu thế phát triển kinh tế thiếu bền vững. Đó là điều rất đáng lo ngại”, ông Tuyển cảnh báo.
Đẩy mạnh cải cách để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển
Nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch WB phụ trách Đông Á và Châu Á – Thái Bình Dương khẳng định, khu vực tư nhân phải phát triển mạnh mẽ, dẫn đầu trong nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là ưu tiên cải cách hàng đầu cần đạt được trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam giai đoạn từ nay tới năm 2035 và vai trò then chốt, tiên phong của kinh tế tư nhân trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng đã được khẳng định rõ trong Báo cáo Việt Nam 2035.
Theo bà Kwakwa, để thực hiện được mục tiêu trên, cần đẩy mạnh cải cách thế chế, xóa bỏ các rào cản để giảm bớt các gánh nặng cho khu vực này.
“Kinh tế tư nhân đóng vai trò mạnh mẽ, nhưng thách thức hiện hữu là số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang hình thành và phát triển, song hoạt động rất mong manh trong bối cảnh hội nhập và cần phải được hỗ trợ. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải phát huy vai trò của mình, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân dẫn dắt nền kinh tế thị trường, phân định rõ giới hạn Nhà nước và thị trường, đặc biệt Nhà nước cần phải thay đổi để hướng đến kinh tế thị trường, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, vai trò kiến tạo hỗ trợ. Các mục tiêu cần được triển khai bằng chương trình hành động cụ thể, xóa bỏ những rào cản, vướng mắc và gánh nặng do doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động sản xuất - kinh doanh”, bà Kwakwa khuyến nghị.