Tuần qua, UBCK đã có thông điệp trấn an nhà đầu tư trước cơn bão giá cổ phiếu - Ảnh: Hoài Nam

Tuần qua, UBCK đã có thông điệp trấn an nhà đầu tư trước cơn bão giá cổ phiếu - Ảnh: Hoài Nam

Định lượng dòng vốn nóng, khả thi không?

(ĐTCK) Điều làm cho nhà đầu tư lo ngại nhất ở thời điểm này là khi TTCK giảm điểm sâu, nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng, còn dòng vốn trong nước, hay nói rõ hơn là vốn nóng, đang bị rút ra do tác động của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Thị trường cần bao nhiêu thời gian để sắp xếp lại và trở về trạng thái cân bằng?

Bên lề một cuộc gặp gỡ mới đây, ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư VinaCapital chia sẻ, đang có làn sóng nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi thị trường mới nổi (BRIC). Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi làn sóng đó khi mỗi ngày, dòng vốn đang rút ra khỏi 2 quỹ ETF ngoại. Vậy chuyện gì đang xảy ra? Khi giá dầu giảm mạnh, Mỹ - thị trường tiêu dùng lớn nhất - sẽ tăng trưởng rất nhanh do giá cả hàng hóa rẻ hơn và thu nhập của người dân cao hơn xét một cách tương đối. Chính vì thế nhà đầu tư toàn cầu đang đổ tiền về Mỹ.

“Nhưng tại Việt Nam, nhà đầu tư trung và dài hạn như chúng tôi vẫn mua vào, vì nếu xem xét kỹ thì giá dầu giảm không ảnh hưởng quá nhiều đến cổ phiếu dầu khí. Như PVD vẫn tốt, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 10- 15% vẫn còn ở đó. VNM sẽ được hưởng lợi bởi giá nguyên liệu đang đi xuống …”, ông Andy Ho nói.

Khi làn sóng rút vốn về Mỹ kết thúc thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ định giá lại giá cả ở thị trường rủi ro hơn và vốn sẽ lại chảy ngược lại như quy luật vẫn thường diễn ra. 

Ẩn số với dòng vốn trong nước vẫn là tác động của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Có một thực tế là mặc dù lãi suất đã giảm xuống thấp, nhưng ngân hàng vẫn khó khăn trong hoạt động cho vay. Vì thế một phần tiền từ ngân hàng đã chảy sang kênh chứng khoán trong nhiều tháng qua. Vốn margin của các công ty chứng khoán lớn hiện nay đều là vốn tự có, vốn vay ngân hàng chiếm tỷ trọng nhỏ. Vì vậy, dòng vốn nóng từ ngân hàng đa số không vào thị trường qua CTCK. Nó vào thị trường qua các giao dịch thỏa thuận song phương giữa khách hàng với các cá nhân hoặc thông các công ty không phải là công ty chứng khoán. Thanh khoản của TTCK tốt là một trong những yếu tố hấp dẫn dòng tiền này và đảm bảo cho sự an toàn của dòng chảy vốn.

Điều nhà đầu tư muốn biết là nguồn vốn từ ngân hàng cụ thể ra sao, nhưng hiện Ngân hàng Nhà nước chưa công bố, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì không giám sát hết được. Câu hỏi ngỏ này vẫn còn đó, ai cũng biết khối lượng tiền từ ngân hàng chảy sang chứng khoán là không nhỏ, nhưng chưa cơ quan nào đưa ra con số định lượng. Trong bối cảnh này, NHNN thực hiện một giải pháp là cho các ngân hàng thời gian để rút vốn nóng về, trước khi các hoạt động thanh tra, kiểm tra diễn ra.

Chính vì không có con số định lượng, nên nhà đầu tư rất khó phân tích được tác động của Thông tư 36 tới TTCK. Giám đốc đầu tư một công ty chứng khoán bình luận gọn: “Thông tư 36 làm giảm thanh khoản của TTCK rất nhiêu”.

Điều này có nghĩa là gì? Nhà đầu tư trải qua nhiều bài học của thị trường nên đã khôn ngoan, trưởng thành hơn. Dòng vốn nóng không dùng cho đầu tư dài hạn mà dùng để giao dịch kiếm lời ngắn hạn trong phiên, trong tuần.

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân dùng vốn nóng, mà các tổ chức đầu tư, tự doanh của công ty cũng đã và có thể sử dụng. Nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân đều sẵn sàng giao dịch - bán khi giá cổ phiếu tăng cảm nhận không còn hẫp dẫn và chờ đợi để mua lại khi cổ phiếu khi giá xuống thấp. Đó chính là lý do vì sao, thị trường cứ xôn xao quỹ này, quỹ kia bán ra trong khi các quỹ luôn khẳng định, mình là nhà đầu tư trung và dài hạn trên thị trường. Nhà đầu tư trung và dài hạn, có lẽ không nên hiểu là mua cổ phiếu và cứ nắm giữ dài dài, mà là tiền của quỹ là để đầu tư ở Việt Nam. Hôm nay quỹ có thể bán ra, ngay mai tiền lại dùng được để mua, chứ không phải chuyển qua thị trường khác.

Các nhà tạo lập quỹ mở cũng có thể thực hiện nghiệp vụ bán khống cổ phiếu trong danh mục của quỹ sau đó đổi chứng chỉ quỹ lấy cổ phiếu để trả lại. Các hoạt động giao dịch ngắn hạn như trên đang bị thu hẹp lại dưới tác động của Thông tư 36.

Trong khi đó, nguồn tiền tự có của nhà đầu tư trong tài khoản không dễ dàng tham gia thị trường ở thời điểm khi cả dòng vốn ngắn hạn của nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đang bị rút ra.

Thị trường cần thời gian để sắp xếp lại. Đây đó, một số tổng giám đốc CTCK nêu kiến nghị cần giãn thời gian áp dụng Thông tư 36 là hợp lý, bởi nó giúp nhà đầu tư có thêm thời gian để sắp xếp nguồn tiền, giảm áp lực cho thị trường trong ngắn hạn, nhưng điều có nghĩa nhà đầu tư sẽ phải chờ đợi lâu hơn để rủi ro của Thông tư 36 không còn.

Tuần qua, UBCK, các Sở GDCK đã có thông điệp trấn an nhà đầu tư trước cơn bão giảm giá chứng khoán. Tuy nhiên, chỉ 1 phiên tăng, thị trường lại rơi vào trạng thái giảm, trong nỗi lo bao trùm dòng vốn nóng đang rút dần khỏi chứng khoán, nhưng không ai biết dòng vốn này lớn bao nhiêu. Nhà đầu tư vì thế, cần thông tin rõ ràng, định lượng tác động của Thông tư 36 đến TTCK từ nhà quản lý, hơn là thông điệp trấn an không kèm số liệu.

Tin bài liên quan