Thống nhất đầu mối quản lý, giám sát
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động được 2 năm trong điều kiện mô hình tổ chức bộ máy phải thiết lập từ đầu, nhiều thay đổi trong quy định về lĩnh vực chứng khoán, tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán có nhiều biến động. Mặc dù vậy, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam vẫn luôn nỗ lực trong việc thực hiện thay đổi, hoàn thiện và đóng góp vào sự thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Việt Nam |
Ngay từ khi được thành lập, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam luôn xác định công tác xây dựng cơ chế chính sách mà cụ thể là các quy chế nghiệp vụ tổ chức giao dịch thị trường chứng khoán là nhiệm vụ then chốt cần triển khai thực hiện. Đến nay, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã xây dựng, ban hành 11 quy chế nghiệp vụ và 6 quy định, quy trình nghiệp vụ theo thẩm quyền.
Các quy chế, quy trình nghiệp vụ đều đảm bảo thống nhất, đồng bộ hóa giữa các Sở, cập nhật thay đổi các quy định, bước đầu khắc phục được các hạn chế, tồn tại phát sinh, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán, mang tính bao quát toàn diện các hoạt động về tổ chức giao dịch trên thị trường chứng khoán (về các mảng thị trường niêm yết, đăng ký giao dịch; tổ chức giao dịch; công bố thông tin; giám sát giao dịch; quản lý thành viên, quản lý hạ tầng công nghệ thông tin kết nối giữa các công ty chứng khoán với các sở giao dịch chứng khoán...).
Đối với các hoạt động nghiệp vụ, thể hiện sắc nét nhất là việc chuyển chức năng quản lý thành viên từ các công ty con sang Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Đến nay, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã hoàn thành việc tiếp nhận 100 thành viên từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội làm thành viên của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (74 công ty chứng khoán và 26 ngân hàng thương mại). Từ khi đi vào hoạt động, công tác quản lý, giám sát thành viên được tập trung một đầu mối tại Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Việc quản lý giám sát thành viên được thực hiện xuyên suốt, thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký thành viên, quản lý giám sát thành viên, xử lý vi phạm, kiểm tra; thực hiện công bố thông tin một đầu mối.
Một điểm nổi bật nữa trong năm 2023 là Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã ra mắt thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ vận hành bởi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội từ ngày 19/7/2023.
Đối với công tác giám sát thị trường, trong thời gian qua, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam thực hiện quyết liệt việc đánh giá hiện trạng, triển khai xây dựng mô hình tổng thể về tổ chức giám sát thị trường giữa Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con. Đồng thời, ban hành chỉ tiêu báo cáo giám sát giao dịch chứng khoán đối với các công ty chứng khoán thành viên, thực hiện tổng hợp, giám sát các giao dịch bất thường tại các công ty chứng khoán thành viên (đơn vị giám sát tuyến đầu).
Bên cạnh việc chú trọng các công tác chuyên môn, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cũng tăng cường các chương trình hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hình ảnh và quảng bá cho thị trường chứng khoán Việt Nam trên thị trường chứng khoán quốc tế nhằm góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Một số tổ chức nước ngoài mà Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã tham gia làm thành viên: Liên đoàn Các sở giao dịch chứng khoán châu Á và châu Đại Dương (AOSEF), Diễn đàn Thị trường trái phiếu ASEAN (ABMF), Liên kết các sở giao dịch chứng khoán ASEAN (ASEAN Linkage) và Liên đoàn Các sở giao dịch chứng khoán Thế giới (WFE).
Theo kế hoạch, trong năm 2024, Sở GDCK Việt Nam sẽ ra mắt một số sản phẩm mới, trong đó có sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN100 |
Góp phần phát triển bền vững thị trường
Để đạt được mục tiêu xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững, trong thời gian tới, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ ưu tiên triển khai một số công tác trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát các quy chế nghiệp vụ đã ban hành, kịp thời sửa đổi bổ sung hoặc ban hành các văn bản mới để đáp ứng yêu cầu quản lý vận hành thị trường. Đồng thời, trình Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển Sở giai đoạn 2023 - 2027, tầm nhìn đến năm 2030.
Thứ hai, đảm bảo hệ thống giao dịch chứng khoán luôn vận hành liên tục, an toàn, thông suốt; thực hiện củng cố hệ thống công nghệ thông tin hiện tại đi kèm với việc tiếp tục hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin trong thời gian tới.
Thứ ba, đối với công tác đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ dần ra mắt các sản phẩm mới theo lộ trình, phù hợp với nhu cầu của thị trường cũng như trình độ của nhà đầu tư. Trước mắt, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã nghiên cứu và đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận để triển khai một sản phẩm phái sinh mới trong năm 2024 là Hợp đồng tương lai chỉ số VN100.
Thứ tư, tăng cường công tác giám sát công bố thông tin, giám sát giao dịch ở tất cả các tuyến (công ty chứng khoán thành viên, Sở Giao dịch chứng khoán) để kịp thời phát hiện các giao dịch bất thường, giao dịch nghi vấn báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đảm bảo thiết lập và duy trì cơ chế minh bạch, công bằng trong giao dịch chứng khoán.
Thứ năm, để nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, việc quản trị công ty và phát triển bền vững luôn đóng vai trò hết sức quan trọng. Do đó, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các công ty con cũng như phối hợp với các bên liên quan tổ chức các chương trình đánh giá chất lượng quản trị công ty, công bố thông tin và tôn vinh các doanh nghiệp thực hiện tốt các công tác này. Bên cạnh đó, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo, tuyên truyền về quản trị công ty, phát triển bền vững cho các doanh nghiệp để mang các thông lệ tốt trên thế giới trở nên gần gũi với doanh nghiệp Việt Nam hơn.
Riêng đối với công tác đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán, trong năm 2024, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ sớm ra mắt Hợp đồng tương lai chỉ số VN100. Sản phẩm này được nghiên cứu để nhằm đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường phái sinh, tránh tập trung vào một sản phẩm duy nhất trên thị trường; đồng thời đáp ứng các khuyến nghị của Tổ chức Quốc tế về Ủy ban Chứng khoán (IOSCO).
Theo nghiên cứu của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, tài sản cơ sở là chỉ số VN100 sẽ có các ưu điểm về tính đại diện theo chỉ tiêu vốn hóa, tính thanh khoản, đồng thời giảm thiểu biến động của các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn do đã tăng thêm số lượng cổ phiếu trong rổ chỉ số.
Sau thời gian nghiên cứu, hình thành sản phẩm, dự thảo mẫu hợp đồng tương lai, hiện nay, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để trình Bộ Tài chính phê duyệt để đưa sản phẩm mới vào thị trường. Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam hy vọng rằng việc đưa sản phẩm mới VN100 đi vào vận hành sẽ đa dạng hóa và tăng thêm sự hấp dẫn cho thị trường trong thời gian tới.