Việc cho phép xác thực khách hàng điện tử sẽ giúp mở rộng dịch vụ số của ngân hàng.
Theo ghi nhận trên thị trường, đã có những ngân hàng đi đầu trong việc triển khai nền tảng số với những bước đi có thể coi là đột phá, ví dụ như đối tượng hướng tới tập trung riêng là khách hàng trẻ, sử dụng công nghệ hàng ngày; những chương trình quà tặng như vali, áo mưa, ấm chén... đã được thay thế bằng chương trình quảng cáo thông qua những người nổi tiếng trên Facebook…
Về vấn đề này, chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Claude Spiese, chuyên gia tư vấn công nghệ số của Grant Thornton cho biết, đối tượng khách hàng trẻ hiện chưa có nhiều tiền, nhưng khi đã quen dùng và ưa thích sản phẩm số sẽ khiến họ không có nhu cầu quay về sử dụng các sản phẩm truyền thống.
Và tầm nhìn, chiến lược dài hạn của các ngân hàng thường sẽ là 5-10 năm tới, khi những khách hàng trẻ này có nhiều tiền hơn, chứ không phải là ngắn hạn.
“Tuy vậy, phân khúc thị trường thì chưa bao giờ có sự tuyệt đối, có sự giao thoa nhất định và những khách hàng trung niên đâu đó vẫn 'lạc' vào ngân hàng số, nên các ngân hàng vẫn đảm bảo được hoạt động trong ngắn hạn và dài hạn”, ông Claude Spiese nói.
Ðiểm đáng chú ý là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2014, trong đó sửa đổi lớn nhất liên quan đến việc cho phép ngân hàng thương mại (NHTM) được quyết định gặp hoặc không gặp trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ (còn được hiểu là xác thực khách hàng điện tử - eKYC).
“Ðây là điều không chỉ các NHTM, mà còn cả hệ thống tài chính đã mong chờ trong nhiều năm qua nhằm đạt được bước đột phá trong chuyển đổi số và phát triển tài chính toàn diện”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định.
Theo TS. Lực, eKYC mang lại nhiều lợi ích cho các NHTM khi cho phép tiết kiệm thời gian, tiền bạc (đầu tư vào cơ sở vật chất và nguồn nhân lực), hạn chế các rủi ro liên quan đến gian lận của khách hàng mà giao dịch viên khó phát hiện được (như làm giả chứng minh thư, căn cước…).
Một nghiên cứu của McKinsey (2019) cho thấy, việc cho phép áp dụng e-KYC có thể giúp giảm 90% chi phí đăng ký khách hàng.
Không những vậy, eKYC còn mở rộng đối tượng khách hàng, từ đó giúp gia tăng nguồn thu và đa dạng hóa hoạt động cho ngân hàng, phù hợp xu thế mới trong bối cảnh thực hiện Quyết định 986/2018/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, thông qua theo dõi lịch sử giao dịch, ngân hàng còn có thể đánh giá hành vi của khách hàng trong quan hệ thanh toán, tín dụng…
Mặc dù vậy, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ e-KYC, theo TS. Lực, chính là người dân. Khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, thuận tiện, linh hoạt, nhanh chóng.
Cũng giống như việc khách hàng đang chuyển dần từ mua bán truyền thống sang mua bán online khi chỉ việc thao tác trên thiết bị thông minh là có thể mua được hàng hóa, thì nay khách hàng cũng có thể có được những trải nghiệm như vậy với dịch vụ ngân hàng.
Ðiều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Bên cạnh đó, eKYC góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân. Theo TS. Lực, trên thực tế, tại Việt Nam, khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống còn khá hạn chế, đặc biệt với người dân ở vùng nông thôn, một trong những nguyên nhân khiến người dân chưa tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng là do e ngại thủ tục rườm rà.
Tuy nhiên, khi eKYC được áp dụng thì những trở ngại, khó khăn đó sẽ được xóa nhòa, nhất là trong bối cảnh tại Việt Nam có tới 55% người dân sử dụng điện thoại đã có điện thoại thông minh (theo E-marketing - năm 2019) và Bộ Thông tin - Truyền thông đang có kế hoạch phổ cập 100% người dân sử dụng điện thoại di động.
Tại buổi họp báo Thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020, ông Phạm Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, một trong những định hướng quan trọng của cơ quan này trong thời gian tới là: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động thanh toán, tăng cường hợp tác ngân hàng - Fintech để tạo sự phát triển năng động, bứt phá trong hoạt động ngân hàng, gia tăng lợi ích và sự hài lòng của khách hàng".
“Các ngân hàng không nên triển khai các sản phẩm số chỉ bởi theo xu hướng hay nhằm cạnh tranh với các ngân hàng đối thủ mà quên điểm mấu chốt là đặt khách hàng vào trung tâm”, ông Claude Spiese nhấn mạnh.