Định hình số hóa giao dịch bất động sản

Định hình số hóa giao dịch bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tác động từ Covid-19 đang đẩy các doanh nghiệp địa ốc tiến nhanh hơn tới việc làm quen với môi trường số hóa các hoạt động kinh doanh và giao dịch bất động sản.

Làm chủ công nghệ là làm chủ thị trường

Vinhomes là một trong những doanh nghiệp mới nhất chính thức áp dụng mô hình O2O (Online to Offline) vào kinh doanh bất động sản thứ cấp. Có thể hiểu, Vinhomes sẽ tạo nên một cây cầu kết nối chủ sở hữu có nhu cầu sang nhượng các sản phẩm bất động sản tại các dự án của Vinhomes và khách mua. Với mô hình này, người mua có thể giao dịch trên cả 2 phương thức: Trực tuyến trên trang thương mại điện tử và trực tiếp thông qua đội ngũ tư vấn viên của Vinhomes.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Vinhomes cho biết, mô hình kinh doanh bất động sản trực tuyến mới sẽ giúp giải quyết tâm lý “ngại” tìm khách khi có nhu cầu sang nhượng. Thông thường, phần lớn người có nhu cầu chuyển nhượng căn hộ phải trực tiếp thực hiện rao bán trên các chuyên trang dịch vụ bất động sản, nhưng trong nhiều trường hợp, kết quả nhận lại không phải là thông tin người cần mua, mà là “bom” tin nhắn, điện thoại..., khiến người bán vừa tốn thời gian, vừa mệt mỏi.

Với việc giao lại cho bên thứ 3, những khó khăn trên sẽ được giải quyết, nhất là khi đối tượng được ủy thác chính là chủ đầu tư. Điều này đồng nghĩa, Vinhomes sẽ giúp giải quyết vấn đề lớn về nguồn khách mua và cả đoạn trường giao dịch phức tạp, tốn kém thời gian giữa người mua, người bán.

Thị trường bất động sản lâu nay đã quá quen thuộc với cụm từ “cá lớn nuốt cá bé”, nhưng trong cuộc đua chuyển đổi số, “nhanh” và “chậm” mới là yếu tố quyết định sự thành bại.

Vinhomes không phải là doanh nghiệp đầu tiên tính tới việc số các hoạt động kinh doanh bất động sản. Với cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người dùng Internet cao (64 triệu người, chiếm khoảng 66% dân số) và đặc biệt là quy mô lên tới 21 tỷ USD của thị trường bất động sản, các công nghệ bất động sản (proptech) có nhiều điều kiện lý tưởng để phát triển ở Việt Nam và một trong những doanh nghiệp sớm áp dụng proptech là Sunshine Group.

Vào thời điểm cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2020, trong bối cảnh giãn cách xã hội, nhưng Sunshine Group vẫn ghi nhận gần 500 giao dịch thành công. Nhiều khách hàng của chủ đầu tư này lựa chọn phương thức mua nhà qua ứng dụng (App) để tránh phải gặp gỡ trực tiếp, giảm nguy cơ lây bệnh. Ngoài bất động sản, ứng dụng Sunshine App của Sunshine Group còn tích hợp tính năng dành cho đối tượng quan tâm tới đầu tư tài chính hay giáo dục.

Một trong các tính năng gây chú ý của Sunshine App là cho phép “mua chung” bất động sản khi khách hàng có thể tham gia đầu tư với số vốn từ 100 triệu đồng. Theo Sunshine Group, giải pháp này có thể mang lại cho khách hàng mức lợi nhuận 14-15%/năm.

“Công nghệ là một “cuộc chơi” thực, nơi các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng có thể tận dụng để tạo dấu ấn trên thị trường”, ông Lê Nhỏ, Phó tổng giám đốc Sunshine Group nhấn mạnh.

Thị trường proptech Việt Nam trở nên sôi động hơn khi có thêm Cen Land gia nhập. Mới đây, doanh nghiệp này đã công bố hoàn tất “thương vụ bạc tỷ” mua lại 100% Cen Homes - nền tảng proptech do chính người Việt phát triển.

Kể từ khi ra mắt tháng 5/2019, Cen Homes đã ghi nhận những con số ấn tượng. Tính đến cuối năm 2020, nền tảng này có 377.592 người dùng, số phiên giao dịch đạt 478.613 phiên. Website Cenhomes.vn đạt trung bình 250.000 lượt truy cập/tháng; app Cen Homes đạt trên 24.000 lượt tải. Hiện Cen Homes đang giới thiệu khoảng 500 dự án trên toàn quốc, mỗi tháng trung bình có khoảng 3.000 tin đăng mua bán/cho thuê bất động sản và thực hiện thành công khoảng 800 giao dịch.

Ông Phạm Lâm, nhà sáng lập Hệ sinh thái số Houze chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán trong một sự kiện về proptech diễn ra hồi đầu năm 2021 cho biết, các công nghệ mới đang tác động tích cực đến công việc hàng ngày của các nhà kinh doanh bất động sản, trong đó có nhiều doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh 2020 tích cực dù thị trường gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Điều này cho thấy, mức độ thành công của các doanh nghiệp bất động sản đang phần nào thể hiện qua tốc độ số hóa hệ sinh thái kinh doanh.

Vấn đề là “nhanh” hay “chậm”

Thị trường bất động sản lâu nay đã quá quen thuộc với cụm từ “cá lớn nuốt cá bé”, nhưng trong cuộc đua chuyển đổi số, “nhanh” và “chậm” mới là yếu tố quyết định sự thành bại. Là một trong những nhà nghiên cứu có nhiều năm kinh nghiệm với mảng chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, bất động sản cũng không là ngoại lệ và phải chuyển đổi số nếu muốn bước sang giai đoạn phát triển mới.

Tuy nhiên, so với ngân hàng cũng như một số lĩnh vực khác, dường như tốc độ chuyển đổi số trong ngành bất động sản ở Việt Nam tương đối chậm, thậm chí không ít doanh nghiệp còn chưa định hình thế nào là chuyển đổi số.

Thực tế, các đơn vị kinh doanh bất động sản chỉ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh trong khoảng 2 năm trở lại đây nhằm tăng cường sự kết nối giữa chủ đầu tư lẫn khách hàng trên nền tảng online. Tuy nhiên, việc số hóa mới chỉ dừng ở một phần hoạt động hoặc một số quy trình cốt yếu, chứ chưa toàn diện.

Ghi nhận thực tế của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, một bộ phận lớn doanh nghiệp bất động sản vẫn chủ yếu sử dụng cách tiếp cận khách hàng truyền thống như telesale, phát tờ rơi, gửi email... vốn không có nhiều hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực và làm phiền khách hàng.

Là một trong những doanh nghiệp môi giới bất động sản hàng đầu cả nước, song ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc từng thừa nhận rằng, Công ty chưa bước qua ranh giới giữa kinh doanh bất động sản truyền thống và mô hình 4.0, cho dù đã tính tới việc này từ nhiều năm trước.

Hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản có nhiều điều kiện thuận lợi để bước qua “lằn ranh” này, nhưng nhiều trường hợp chưa hiểu rõ hoàn toàn về chuyển đổi số và điều này có thể làm sụp đổ hoàn toàn những cố gắng của doanh nghiệp. Không phải tất cả mọi vấn đề của doanh nghiệp đều cần phải được số hóa. Tâm lý nóng vội, muốn áp dụng đồng loạt nhiều xu hướng công nghệ thường là cách nhanh nhất dẫn đến thất bại bởi doanh nghiệp không có đủ nguồn lực và thời gian để giải quyết những vấn đề cốt lõi nhất.

Trong báo cáo về tác động của công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) đối với thị trường bất động sản Việt Nam trong thập kỷ qua, Công ty JLL cho biết, sức ảnh hưởng đang ngày càng lớn. Cụ thể, Big Data đang thay đổi cách vận hành của ngành bất động sản Việt Nam từ trong ra ngoài, theo chiều hướng tích hợp đa năng. Quá trình mua hoặc thuê bất động sản sẽ không còn bắt đầu bằng chuỗi ngày lặn lội khảo sát mặt bằng và thực địa, thay vào đó là tiếp cận kho dữ liệu khổng lồ để tập trung vào mục tiêu cốt lõi.

“Công nghệ số là lời giải của nhiều sự thay đổi và hình thành ngày một rõ nét trong cuộc sống con người, trong các hoạt động kinh tế, bao gồm cả kinh doanh bất động sản”, ông Phạm Lâm nhấn mạnh.

Tin bài liên quan