Có ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán năm 2018 diễn biến lạc nhịp với tăng trưởng kinh tế cũng như các chỉ tiêu vĩ mô tích cực khác, khi chỉ số chứng khoán tăng trưởng âm. Ông có cho là như vậy?
Năm 2018, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, GDP theo Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là đạt tốc độ tăng trưởng 6,8%, còn Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo đạt 6,9 - 7%. Trong bối cảnh diễn biến kinh tế vĩ mô tích cực như vậy, thị trường chứng khoán lại có sự giảm tốc, khi chỉ số VN-Index giảm điểm so với đầu năm, nhất là cuối năm giảm tương đối mạnh so với mốc thị trường đạt đỉnh vào ngày 9/4/2018.
Ông Trần Văn Dũng.
Tuy nhiên, điều này không thể hiện diễn biến trên thị trường chứng khoán có sự lạc nhịp với nền kinh tế, thậm chí diễn biến này hợp lý và dễ hiểu.
Lý do là thông thường, phản ứng của thị trường chứng khoán đi trước những diễn biến của nền kinh tế cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Có nghĩa là đà tăng trưởng tích cực của nền kinh tế 2018 đã phản ánh vào diễn biến của thị trường chứng khoán từ năm 2017 tới đầu năm 2018.
Ngoài ra, xét trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, chi phí vốn đầu tư tăng, thanh khoản cũng như điểm số trên thị trường chứng khoán suy giảm là bình thường.
Sự suy giảm chỉ số chứng khoán trong năm 2018 có kéo theo sự sút kém về chất lượng phát triển của thị trường hay không, thưa ông?
Năm 2018 chứng kiến những dấu ấn lịch sử trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index đạt đỉnh trên 1.200 điểm sau 18 năm thị trường vận hành. Sau giai đoạn chỉ số lên nhanh, xuống nhanh trong nửa đầu năm 2018 thì sự ổn định của thị trường nửa cuối năm trong bối cảnh nhiều dự báo đưa ra là sẽ giảm sâu cũng là một dấu ấn lịch sử.
Trong bối cảnh kinh tế và thị trường chứng khoán thế giới chịu nhiều tác động không tích cực do Fed tăng lãi suất, cũng như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều chuyên gia nước ngoài đã dự báo dòng vốn ngoại sẽ rút dần khỏi Việt Nam.
Thực tế, điều này đã không diễn ra, bất chấp Việt Nam chịu sức ép từ nhiều phía, trong đó có việc vốn ngoại rút ròng khá mạnh ở 6 thị trường lân cận.
Tại Trung Quốc, những tháng đầu năm 2018, vốn ngoại vào ròng khoảng 29 tỷ USD, nhưng sau khi Fed tăng lãi suất lần 3 thì dòng vốn này rút ra mạnh và xu hướng rút vốn tiếp diễn cho đến trước khi Fed tăng lãi suất lần 4 mới đây, với tổng lượng vốn rút ra khoảng 27 - 28 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, đáng mừng là thị trường chứng khoán Việt Nam đi ngược chiều, khi ghi nhận lượng vốn vào ròng khoảng 2,8 tỷ USD, so với 2,9 tỷ USD trong năm 2017.
Một diễn biến đáng chú ý nữa là lượng tiền mặt trong tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài trong 5 - 6 tháng gần đây luôn đạt trên 1 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với các năm trước. Điều đó cho thấy họ đang chờ cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm qua cũng ghi nhận có những thời điểm thanh khoản của thị trường cao kỷ lục, khi đạt tới 8.000 - 9.000 tỷ đồng/phiên vào tháng 4 - 5. Tuy chịu tác động bất lợi từ nhiều phía, nhưng kết thúc năm 2018, thanh khoản của thị trường vẫn duy trì khá tích cực.
Đặc biệt, ở thời điểm thị trường cơ sở biến động mạnh, đã có những ý kiến trái chiều về vai trò của thị trường chứng khoán phái sinh, thậm chí đã có những ý kiến cực đoan là nên siết hoạt động của mảng thị mới trường này.
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Bộ Tài chính, kết thúc năm 2018, thị trường chứng khoán phái sinh ghi nhận bước phát triển tích cực. Quan trọng hơn là chứng khoán phái sinh đã trở thành công cụ phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư.
Những điều này chứng tỏ năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục củng cố xu hướng phát triển tích cực, tích lũy thêm những giá trị nền tảng, để tiếp sức cho thị trường duy trì đà phát triển lành mạnh trong thời gian tới.
Theo góc nhìn của ông, cơ hội nào cho thị trường chứng khoán trong năm 2019?
Xét về các yếu tố nội tại, kinh tế vĩ mô trong nước vẫn tiếp tục ổn định và vận động theo chiều hướng tích cực. Cùng với tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, việc Chính phủ quyết tâm tạo ra những bước tiến rõ nét về thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn trong năm 2019 đang được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội phát triển mới cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Tâm lý của khối nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tích cực, xét trong mối tương quan so sánh với nhiều thị trường lân cận như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore… Cơ hội kiếm lời trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá hấp dẫn so với nhiều thị trường trong khu vực. Không chỉ dòng vốn gián tiếp, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục có những tín hiệu tốt.
Vậy, đâu là thách thức?
Tuy các yếu tố trong nước thuận lợi là cơ bản, nhưng cần cẩn trọng với các tác động từ kinh tế và thị trường chứng khoán thế giới. Ngoài mối quan ngại về những tác động của Fed tiếp tục tăng lãi suất, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung vẫn tiềm ẩn những tác động tiêu cực không chỉ lên kinh tế và thương mại toàn cầu, mà cả về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới. Việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến cho chi phí vốn gia tăng, dẫn đến nguy cơ tiếp tục thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi…
Chốt lại, năm 2019, thị trường Việt Nam có cơ hội để tiếp tục phát triển bền vững, lành mạnh, nên sẽ giúp thị trường phát triển về chiều sâu. Tuy nhiên, việc trông đợi một kịch bản thị trường vận động có yếu tố đột biến là khó xảy ra.
Đâu là những giải pháp điều hành lớn mà UBCK tập trung trong năm 2019, thưa ông?
Năm 2019, UBCK sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn, để tiếp sức cho thị trường phát triển theo chiều hướng lành mạnh, đi vào chiều sâu.
Theo đó, UBCK khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua. Để các nội dung cải cách của luật sớm đi vào cuộc sống, UBCK bám sát tiến độ hoàn tất dự thảo nghị định hướng dẫn luật và dự thảo nghị định sửa đổi về xử lý vi phạm hành chính.
Hoạt động tái cấu trúc thị trường tiếp tục được thúc đẩy; trong đó, dồn sức chuẩn bị các điều kiện để thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Tiếp tục cơ cấu lại hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo hướng tăng chất lượng, giảm số lượng. Với những công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đã ngừng hoạt động trên thực tế mà chưa rút giấy phép hoạt động, thì năm 2019 sẽ xử lý dứt điểm.
UBCK cũng sẽ thúc đẩy triển khai sản phẩm mới; trong đó, ưu tiên “trả nợ” hai sản phẩm là Chứng quyền có đảm bảo và Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Trong quý I/2019, nếu điều kiện thuận lợi sẽ triển khai hai sản phẩm này. Nếu bối cảnh chưa cho phép, thì sẽ có một sản phẩm được triển khai vào đầu quý II/2019. Dự kiến, quý IV/2019, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ cho ra mắt một bộ chỉ số mới đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cũng trong năm 2019, khi gói thầu 04 về hạ tầng công nghệ thông tin cho toàn thị trường hoàn tất, UBCK sẽ nghiên cứu triển khai thêm các sản phẩm, nghiệp vụ mới như: bán chứng khoán chờ về, mua bán chứng khoán trong ngày.
Trên cơ sở bước tiến tích cực trong năm 2018, UBCK sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tiếp nối nỗ lực để sớm thành công trong nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, nhằm thu hút có hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.