Công cụ hỗ trợ quan trọng
Định hạng tín nhiệm cho trái phiếu (bond rating) là việc các tổ chức xếp hạng đưa ra “đánh giá” của mình về khả năng thanh toán nợ và “sức khỏe” tài chính của các nhà phát hành các công cụ nợ... Việc xếp hạng tín nhiệm không chỉ cho thấy sự đáng tin cậy của công ty phát hành trái phiếu (hoặc các công cụ nợ khác) mà còn là công cụ cho thấy nhà phát hành có cần những hình thức bảo đảm khác như là sự bảo lãnh bởi bên thứ 3 hay các khoản ký quỹ đi kèm với trái phiếu.
Tuy nhiên, nhìn lại lần khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 xảy ra, rất nhiều ngân hàng, định chế tài chính lớn sụp đổ nhanh chính vì định hạng tín nhiệm tụt nhanh khiến chi phí huy động vốn của các tổ chức này tăng cao, thậm chí các nhà đầu tư không dám mạo hiểm ngay cả khi lợi suất đầu tư rất hấp dẫn. Hoặc trong nhiều trường hợp những trái phiếu này mất tính thanh khoản vì tụt hạng quá sâu, làm mất niềm tin của nhà đầu tư. Điều này làm cho cả thị trường sợ rằng việc tiếp tục tin tưởng hoàn toàn vào định hạng tín nhiệm quốc tế như vậy sẽ khiến các định chế tài chính rất dễ bị tổn thương, từ đó làm cho tình hình trầm trọng thêm.
Nhưng, sau khi phần nào vượt qua được điểm đáy, thị trường toàn cầu đã nhận thấy, rõ ràng việc định hạng tín nhiệm của các tổ chức độc lập có giá trị nhất định và rất cần những công ty độc lập, có uy tín như vậy đánh giá để thị trường có cái nhìn khách quan, minh bạch, chính xác hơn.
Đối với thị trường Việt Nam, hiện nay dù đã có một số các tổ chức cung cấp bước đầu dịch vụ này, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định. Đây cũng là điều dễ hiểu vì đặc thù nền kinh tế Việt Nam đang ở vào giai đoạn phát triển, xếp hạng tín nhiệm là một lĩnh vực khá mới mẻ. Nếu không có những công ty định hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá thì thị trường cũng không có nhiều cơ hội khác vì dù có ít nhất vài tổ chức ở Việt Nam được cho là cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm như Trung tâm khoa học thẩm định tín nhiệm DN (CRC), Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm DN Việt Nam (CRV), Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và Xếp hạng DN Việt Nam (C&R), Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report)… nhưng thông tin, báo cáo của những công ty này là vấn đề còn nhiều tranh luận.
Cụ thể, theo chính báo cáo của C&R, dịch vụ mà cung cấp giống như là của cơ quan thông tin tín dụng hơn là công ty xếp hạng tín dụng. Cơ quan này cung cấp thông tin về hồ sơ công ty (tên, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh, lịch sử hoạt động…) và xếp hạng riêng nhưng tiêu chuẩn để xếp hạng không được thị trường đánh giá cao. CRC có dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhưng việc đi vào hoạt động vẫn còn khá mong manh.
VPBank được Moody’s đánh giá xếp hạng ở mức triển vọng ổn định
TCTD Việt Nam có cần đánh giá tín nhiệm?
Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều TCTD trong nước được các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá xếp hạng tín nhiệm của mình. Ví dụ như năm ngoái, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s hạ triển vọng Sacombank và Techcombank từ “ổn định” xuống “tiêu cực”. Hay VPBank được Moody’s đánh giá xếp hạng ở mức triển vọng ổn định. Gần đây nhất, đầu năm 2014, hãng xếp hạng quốc tế Fitch Ratings đã nâng triển vọng tín nhiệm của VietinBank từ “Ổn định” lên “Tích cực”. Đồng thời, xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn của VietinBank cũng được Fitch duy trì ở mức “B”...
Tuy nhiên, hiện số lượng các TCTD Việt Nam thuê định hạng tín nhiệm rất hạn chế do nhiều nguyên nhân. Cụ thể là điều kiện đặc thù và trình độ phát triển của nền kinh tế nước ta đang ở vào giai đoạn phát triển để từng bước hội nhập, các quy định pháp luật đang được xây dựng hoàn thiện để tiệm cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; bên cạnh đó, chi phí thuê các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nước ngoài ở mức khá cao cũng là một điều khiến các TCTD phải cân nhắc. Ngoài ra, bản chất hệ thống đánh giá tín nhiệm của các hãng quốc tế là đi kèm với một hệ thống kế toán, phân loại tài sản mang tiêu chuẩn toàn cầu. Trong khi đó, ngân hàng Việt Nam có hệ thống kế toán, phân loại nợ… riêng trên cơ sở đặc thù của Việt Nam
“Do đó, cũng có những khó khăn là các ngân hàng Việt Nam đang áp dụng những tiêu chuẩn Việt Nam rồi phân loại nợ của Việt Nam nay mời một công ty định hạng tín nhiệm nước ngoài vào liệu họ có hiểu hệ thống, tiêu chuẩn của Việt Nam không? Để rồi chưa mang lại lợi ích gì còn làm cho tình hình rối thêm bởi với những báo cáo khác nhau trên cơ sở những tiêu chí không giống nhau sẽ có những con số khác nhau…”, một kiểm toán viên phân tích.
Cũng có trường hợp ngân hàng lớn muốn vươn hoạt động kinh doanh ra tầm quốc tế nên cần có một hồ sơ tốt trong đó bao gồm phần nhận xét của các tổ chức xếp hạng quốc tế. Nhưng thực tế cho thấy, một số ngân hàng hay các định chế tài chính khi kêu gọi đầu tư nước ngoài vào cũng không cần phải nhờ đánh giá tín nhiệm quốc tế mà minh bạch trực tiếp với nhà đầu tư. Do vậy, việc thuê đánh giá tín nhiệm quốc tế chưa chắc giúp ích cho những thương vụ này. Trao đổi thông tin trực tiếp mang lại hai mục đích: thứ nhất, chia sẻ thông tin cho đối tượng cần chia sẻ và thứ hai, mang lại lợi ích thiết thực.
“Thông tư 02 có hiệu lực vào ngày 1/6/2014 sẽ là tiền lệ rất tốt để dần dần đưa tiếp cận về chuẩn mực của Việt Nam tiệm cận với thế giới. Hay NHNN đang hoàn thiện để ban hành thông tư thay thế Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010, quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Một trong những điểm mới của thông tư này là yêu cầu cổ đông, chủ sở hữu phải góp bổ sung vốn nếu giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm thấp hơn mức vốn pháp định cho thấy, NHNN đã thấy rõ việc cần phải làm để tiếp cận thế giới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng TMCP nêu quan điểm: “NHNN đã định hướng vấn đề tái cơ cấu trong đó có việc giảm số lượng các ngân hàng và hướng đến mục tiêu hình thành những TCTD mang tầm cỡ khu vực; bên cạnh đó, việc từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo hướng phù hợp với các thông lệ quốc tế sẽ hỗ trợ mạnh việc tuân theo các chuẩn mực quản trị rủi ro, phân loại nợ và chuẩn Basel II về vốn. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để các ngân hàng tự tin mời các công ty định giá tín nhiệm quốc tế vào nhằm tiếp cận với thị trường nước ngoài”.
“Tôi tin, trong vòng vài năm tới, với những biến chuyển về mặt thể chế trong quản trị rủi ro, thanh khoản, Basel II… việc các công ty định hạng quốc tế tham gia xếp hạng các TCTD Việt Nam sẽ có những biến chuyển rõ rệt”, vị lãnh đạo trên cho biết.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo, các ngân hàng cổ phần đại chúng dứt khoát phải niêm yết trên TTCK, giao dịch công khai minh bạch để hạn chế, khắc phục sở hữu chéo. Như vậy, các TCTD Việt Nam sẽ được niêm yết trên TTCK trong nước và tiến tới có thể là thế giới nên việc sớm hội nhập, áp dụng những thông lệ quốc tế cũng như thuê các công ty định hạng tín nhiệm quốc tế sẽ là những bước triển khai nên làm trong thời gian tới.
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới. Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới” |