Quy tắc định giá hợp đồng tương lai ra sao và nhà đầu tư cần làm gì để đặt mua và bán hợp đồng tương lai một cách hợp lý nhất? Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu bài viết của Công ty Chứng khoán HSC, với mong muốn giải đáp được những thắc mắc này của độc giả, của các nhà đầu tư khi thị trường phái sinh bắt đầu khai mở.
Đi tìm giá trị hợp lý của hợp đồng tương lai
Giá của một hợp đồng tương lai được xác định dựa trên cung và cầu thực tế của các giao dịch xảy ra trên thị trường đối với hợp đồng đó. Người mua và người bán sẽ đặt lệnh và lệnh sẽ được khớp thông qua đấu giá liên tục trên Sở giao dịch.
Tuy nhiên, khách hàng cần lưu ý không nên đặt giá quá xa so với giá trị hợp lý của hợp đồng, vì khi đó giá giao dịch thường được kéo về giá trị hợp lý do hoạt động của các nhà mua bán chênh lệch giá (arbitrageur).
Nguyên tắc hoạt động của các nhà mua bán chênh lệch giá trong thị trường là lựa chọn hai cặp tài sản có tương quan với nhau và đồng thời cùng một lúc đặt lệnh bán tài sản có giá cao và mua tài sản có giá thấp để thu về lợi nhuận chênh lệch giá.
Giá trị hợp lý của một hợp đồng tương lai được xác định dựa trên giá cơ sở theo nguyên tắc cân bằng chi phí:
Giá trị hợp lý của một hợp đồng tương lai = Giá hiện tại (Spot Price) + Chi phí lưu kho (Cost of Carry)
Cụ thể, tại thời điểm t, người bán nếu giao hàng ngay thì sẽ được giá St (Spot price – giá hiện tại). Nếu người bán giữ hàng đến thời điểm T trong tương lai để giao hàng cho người mua thì phải chịu thêm chi phí giữ hàng C từ thời điểm t đến thời điểm T (Cost of Carry – Chi phí lưu kho). Do đó, người bán nên ký hợp đồng giao hàng xung quanh giá trị hợp lý Ft như sau: Ft = St + C(t, T).
Đối với hợp đồng tương lai chỉ số, giá hiện tại của tài sản cơ sở là chỉ số của hợp đồng (Spot Index) và chi phí lưu kho (Cost of Carry) bao gồm lãi vay (Interest) trừ đi các khoản cổ tức (Dividend) phát sinh trong thời gian còn lại của hợp đồng.
Nguyên nhân là để mua được một rổ cổ phiếu tương đương, gồm các cổ phiếu cấu thành trong chỉ số theo tỷ lệ tương ứng, khách hàng sẽ phải bỏ ra một số tiền ban đầu và do đó phải chịu một khoản chi phí lãi vay trên số tiền bỏ ra. Bên cạnh đó, các cổ phiếu trong danh mục chỉ số có thể chi trả cổ tức và tạo ra thu nhập cho người đang nắm giữ. Dòng cổ tức này có thể bù đắp phần nào chi phí lãi vay đã phát sinh.
Như vậy, giá trị hợp lý của hợp đồng tương lai cổ phiếu (Fair value of Index Futures) = Giá hiện tại (Spot Index) + Lãi vay (Interest) – Các khoản cổ tức (Dividend) phát sinh trong thời gian còn lại của hợp đồng.
Để dễ hiểu hơn, ta lấy ví dụ minh họa là hợp đồng tương lai cổ phiếu VNM, giao hàng bằng cổ phiếu VNM vào thời điểm đáo hạn. Trong trường hợp này, cơ hội arbitrage xảy ra khi giá tương lai của hợp đồng này chênh lệch nhiều so với giá trị hợp lý của nó. Giả sử, giá cổ phiếu VNM đang là 150.000 đồng/cổ phiếu, lãi suất đi vay là 8%/năm, tỷ lệ cổ tức là 4%/năm, giá trị hợp lý của hợp đồng tương lai cổ phiếu VNM đáo hạn sau một tháng là 150.500 đồng/cổ phiếu, được xác định như sau:
Giá trị hợp lý = 150.000 + 150,000 x 8% x 1/12 – 150.000 x 4% x 1/12 = 150.500 đồng
Tuy nhiên, giá hợp đồng tương lai cổ phiếu VNM đang giao dịch là 152.000đ, cao hơn giá trị hợp lý.
Khi đó, một người mua bán chênh lệch giá có thể thực hiện như sau: Vay tiền để mua 1 cổ phiếu VNM tại giá 150.000 đồng. Đồng thời, bán 1 hợp đồng tương lai giao 1 cổ phiếu VNM tại giá 152.000 đồng.
Sau một tháng, người này lấy cổ phiếu VNM đang có để giao hàng và nhận số tiền thanh toán về là 152.000 đồng, đồng thời người này cũng phải trả lãi vay là 150.000 x 8% x 1/12 = 1.000 đồng và nhận cổ tức về tương đương là 150.000 x 4% x 1/12 = 500 đồng. Trong các tính toán này, giả định không có chi phí giao dịch ở cả hai thị trường.
Lợi nhuận thu được từ các giao dịch này vào ngày thanh toán là:
152.000 – (150.000 + 1.000) + 500 = 1.500 đồng/cổ phiếu
Đây là khoản lợi nhuận không rủi ro và người mua bán chênh lệch giá sẽ tiếp tục thực hiện việc mua cổ phiếu và bán hợp đồng tương lai, khiến cho giá cổ phiếu tăng lên và giá hợp đồng tương lai giảm xuống, cho đến khi chênh lệch giữa giá giao dịch hợp đồng tương lai và giá trị hợp lý của hợp đồng này không còn đáng kể.
Tóm lại, khách hàng khi giao dịch trên thị trường hợp đồng tương lai chỉ số cần lưu ý đến giá hiện tại của chỉ số cơ sở và xác định khoảng giá trị hợp lý cho hợp đồng tương lai dựa trên mức giá này và các thông số về lãi suất và tỷ suất cổ tức của chỉ số để đặt giá mua hoặc giá bán hợp lý.
Yếu tố nào tác động đến giá hợp đồng tương lai?
Giá của hợp đồng tương lai có mối liên hệ chặt chẽ với giá tài sản cơ sở thông qua cơ chế tính toán chi phí lưu trữ và hoạt động mua bán chênh lệch giá của các thành viên thị trường khi các bên này thực hiện giao dịch mua/bán để kiếm lời từ chênh lệch giá giữa hai thị trường.
Theo đó, tất cả các sự kiện doanh nghiệp làm thay đổi chỉ số cơ sở cũng sẽ có cùng tác động đến các hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là chỉ số đó.
Để biết được ảnh hưởng của các sự kiện doanh nghiệp lên chỉ số VN30, khách hàng cần biết phương thức tính toán ra giá trị chỉ số VN30 và cách thức chỉ số này điều chỉnh khi có sự kiện doanh nghiệp.
Ví dụ, một cổ phiếu thành phần trong VN30 (ví dụ VNM) thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ làm giảm giá tham chiếu của cổ phiếu đó vào ngày giao dịch không hưởng quyền, theo đó sẽ gián tiếp làm giảm chỉ số cơ sở và giảm giá hợp đồng tương lai.
Tuy nhiên, trường hợp cổ phiếu thành phần thực hiện chia tách (ví dụ chia cổ tức bằng cổ phiếu) thì chỉ số cơ sở không thay đổi nên sự kiện này cũng không có tác động gì lên giá hợp đồng tương lai chỉ số.
Nhà đầu tư cần lưu ý gì khi giao dịch hợp đồng tương lai
Đầu tiên, khách hàng cần lưu ý về thời gian giao dịch vì thị trường tương lai có thời gian mở cửa sớm hơn 15 phút so với thị trường cơ sở.
Đây cũng là khoảng thời gian để các bên mua bán dự báo xu hướng giá mở cửa của thị trường cơ sở và đặt lệnh dựa trên dự báo đó, và do đó, giá giao dịch của hợp đồng có thể biến động khá mạnh trong khung thời gian này. Ngoài ra, do chi phí giao dịch thấp và việc ra vào thị trường dễ dàng hơn khi giao dịch hợp đồng tương lai nên thị trường tương lai thường có mức độ nhạy cao hơn đối với các thông tin kinh tế vĩ mô.
Do đó trong những ngày có các thông tin quan trọng được công bố (ví dụ như tốc độ tăng trưởng GDP, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp), giá các hợp đồng tương lai có thể biến động rất mạnh tùy vào dự báo của các bên tham gia thị trường, nhất là trước thời điểm công bố thông tin chính thức.
Thứ hai, khách hàng cũng cần lưu ý đến ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng (hiện tại quy định là ngày thứ năm thứ ba của tháng đáo hạn).
Vì càng gần đến ngày này, phần lớn các vị thế đang mở của hợp đồng này sẽ được đóng để chuyển sang giao dịch hợp đồng tháng kế tiếp.
Do đó, thanh khoản của hợp đồng tương lai khi càng gần đến ngày đáo hạn sẽ càng giảm và cũng phần nào ảnh hưởng đến chi phí giao dịch, cụ thể là chênh lệch giữa giá chào mua cao nhất/giá chào bán thấp nhất có thể tăng lên.
Có thể nói, sự ra đời của thị trường phái sinh sẽ thúc đẩy và hỗ trợ cho thị trường cơ sở cùng phát triển, vì hoạt động giao dịch tìm kiếm chênh lệch giá sẽ thúc đẩy các thành viên thị trường tham gia giao dịch tại cả hai thị trường (cơ sở và phái sinh) khi có cơ hội. Một thị trường tương lai có thanh khoản cao đòi hỏi một thị trường cơ sở có đủ thanh khoản và chỉ số cơ sở đáng tin cậy, nhằm giảm thiểu khả năng chỉ số bị thao túng giá trên thị trường cơ sở.
Ngoài ra, các sản phẩm phái sinh như hợp đồng tương lai hoặc hợp đồng quyền chọn cũng là một công cụ phòng vệ/rào rủi ro hiệu quả cho các nhà đầu tư dài hạn, đặc biệt trong các điều kiện thị trường bất lợi (ví dụ như chỉ số biến động mạnh hoặc thị trường đi xuống trong một thời gian dài).
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư có thể sử dụng sản phẩm phái sinh kết hợp với chứng khoán cơ sở hiện có (cổ phiếu) để thực hiện được các chiến lược giao dịch khác nhau trong nhiều điều kiện thị trường. Do đó, việc ra đời của thị trường tương lai được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường cơ sở hơn so với trước đây.