Định giá hấp dẫn, nhóm ngành nào vào "tầm ngắm" của nhà đầu tư tổ chức

Định giá hấp dẫn, nhóm ngành nào vào "tầm ngắm" của nhà đầu tư tổ chức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index vẫn trong xu hướng giảm điểm, nhiều cổ phiếu tốt rơi vào tình trạng bán mạnh do tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, định giá thị trường đã ở mức hấp dẫn và gọi tên những nhóm cổ phiếu tiềm năng.

Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 9 với chủ đề: Hành động trong mắt bão do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức chiều 23/6, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận xét, chỉ số P/E toàn thị trường vào ngày 22/6 là khoảng 13 lần. Trong khi đó, P/E trung bình 5 năm gần đây khoảng 16,5 lần, còn 10 năm gần đây ở mức 15 lần, nên mức P/E hiện tại là thấp.

Bên cạnh đó, ông Hiển cho biết, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp được dự báo ở mức 15%, do đó P/E forward sẽ khoảng 11,7 lần. So với các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia có P/E forward khoảng 15 - 16 lần, thì hệ số P/E forward 11,7 lần của Việt Nam là ở mức thấp và khá hấp dẫn.

Đánh giá về nhóm cổ phiếu ít chịu tác động từ lạm phát và có thể hồi phục sau đại dịch, ông Hiển chỉ ra nhóm phòng thủ như cổ phiếu điện, nước sẽ tương đối an toàn. Thời gian qua, nhóm cổ phiếu này đã tăng trưởng khá mạnh. Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, nhà đầu tư cần nhìn vào thực chất doanh nghiệp và định giá doanh nghiệp trên thị trường đã thực sự hấp dẫn.

“Chúng ta cần tránh mua theo trào lưu mà không quan tâm đến yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Nếu không quan tâm, nhà đầu tư vẫn có thể thua lỗ dù đầu tư vào nhóm phòng thủ”, ông Hiển nhấn mạnh.

Với tư cách là nhà đầu tư tổ chức, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) nhìn nhận, nhà đầu tư có thể giải ngân tại vùng này ở những cổ phiếu được định giá hợp lý.

VESAF yêu thích và giải ngân tỷ trọng lớn vào một số ngành được hưởng lợi, đặc biệt là mảng liên quan đến FDI và xuất khẩu. Bởi bức tranh lợi nhuận của những doanh nghiệp này ít biến động hơn, sức chống chọi tốt hơn và nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi trong điều kiện vĩ mô hiện thời.

Đầu tiên là nhóm bất động sản khu công nghiệp. Dù thế giới có biến động, nhưng nhu cầu chuyển dịch sản xuất vẫn sẽ tiếp tục, kể cả khi bị chậm lại do nhiều yếu tố. Đối với nhóm dầu khí, bên cạnh việc giá dầu tăng cao, có thể kể đến mặt đầu tư của Việt Nam, những mỏ khí mới sẽ đi vào hoạt động và là nền tảng tốt cho các doanh nghiệp dầu khí thời gian tới.

Điều này cũng tương tự với nhóm xuất khẩu. Nguồn cung toàn cầu đang rất thiếu do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, nên những doanh nghiệp xuất khẩu vẫn sẽ tốt trong những tháng cuối năm, như nhóm dệt may hay thủy sản - những doanh nghiệp có thể quản lý tốt nguồn nguyên vật liệu. Ngoài ra, nhóm kho bãi, logistics sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư công và hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Trong chương trình, rất nhiều nhà đầu tư đã dành sự quan tâm dành cho nhóm cổ phiếu dược. Ông Ngô Thế Hiển đánh giá, trong ngành dược có nhiều doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng. Điều này xuất phát từ các nhu cầu về y tế ngày càng tăng khi thu nhập người dân tăng, nhất là dân số đang qua giai đoạn dân số vàng nên người dân quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn.

Tuy nhiên, ông Hiển lưu ý, để tìm kiếm được 1 doanh nghiệp tốt nhằm mục đích đầu tư, chúng ta cần sàng lọc kỹ. Với những doanh nghiệp tốt trên sàn, hiện tại họ đều có cổ đông chiến lược nắm giữ lượng lớn cổ phiếu, thanh khoản trên thị trường khó để nđt có thể mua với số lượng cp lớn là khó.

“Nhà đầu tư có thể đầu tư vào ngành này, nhưng cần tầm nhìn lâu dài và lựa chọn được cổ phiếu nền tảng tốt”, ông Hiển dành lời khuyên.

Liên quan đến cổ phiếu dược, một nhà đầu tư đã đặt câu hỏi trong chương trình: “Tôi rất thích cổ phiếu TRA (CTCP Traphaco) trong nhóm dược, xin hỏi bà Phương, nếu quỹ nước ngoài mua tới 150.000 đồng/CP này từ vài năm trước thì nay chúng tôi cứ cầm đầu tư lâu dài được chứ, khi doanh nghiệp vẫn đang tăng trưởng tốt? Quỹ sẽ nhìn vào những yếu tố nào để giữ hay bán cổ phiếu của doanh nghiệp?”

Giải đáp câu hỏi này, bà Phương cho rằng, nếu như có tầm nhìn dài hạn, không chỉ cổ phiếu TRA có yếu tố cơ bản rất tốt, ngay cả những cổ phiếu khác khi tầm nhìn 5,10 năm đều có mức tăng trưởng tốt. Ví dụ, HPG là cổ phiếu có tính chu kỳ rất cao, nhưng nếu nhìn vào yếu tố lợi nhuận doanh nghiệp bây giờ so với doanh nghiệp 10 năm trước thì họ là một doanh nghiệp hoàn toàn khác.

“Vậy nên khi quỹ đầu tư và nắm giữ chọn lọc sẽ phân làm nhiều nhóm cổ phiếu, tuỳ vào khẩu vị mà nắm giữ dài hạn hay trong chu kỳ ngắn. Riêng tôi thích những doanh nghiệp có sự đều đặn và tăng trưởng bền vững hơn”, bà Phương nêu quan điểm.

Tin bài liên quan