Hai phiên giảm mạnh đầu tuần và 2 phiên liên tiếp gần đây, cổ phiếu TSC, FIT giảm sàn. Ông Bùi Xuân Trung, Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư F.I.T cho rằng, đây là diễn biến bất thường của thị trường, bởi mọi hoạt động của Công ty vẫn đang diễn ra đúng kế hoạch, và giá trị vốn hóa này nhỏ hơn cả số dư tiền tài sản tương đương tiền của Công ty mẹ và con.
Thưa ông, cổ phiếu FIT của công ty mẹ và TSC của công ty con là CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ đã giảm giá rất mạnh trong tuần qua. Tình hình kinh doanh của Công ty có điều gì bất thường không thưa ông?
Tôi khẳng định là mọi hoạt động của Công ty mẹ và các công ty con trong hệ thống vẫn diễn ra bình thường, đúng với kế hoạch mà Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc đã đặt ra. Về việc giá cổ phiếu FIT, TSC giảm sâu, tôi khẳng định là không có yếu tố đến từ doanh nghiệp.
Hai ngày qua, khi giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, nhân viên của tôi cũng gọi điện hỏi thông tin thị trường, thì chúng tôi có ghi nhận một số thông tin, nhưng đâu là nguyên nhân thực sự tác động lên giá thì tôi không có căn cứ để khẳng định. Một số môi giới lớn có trao đổi lại là, những nhà đầu tư thích nắm giữ lượng cổ phiếu lớn để lướt sóng hiện nay gặp khó với các cổ phiếu có giá dưới 10.000 đồng, do bước giá 10 đồng quá nhỏ, nên có xu hướng bán ra.
Tuy nhiên, nhân viên cũng trao đổi lại với tôi việc xuất hiện thông tin trên diễn đàn nói TSC sắp phá sản… Đó là thông tin thất thiệt, và tôi hy vọng cổ đông không bán ra vì những thông tin sai lệch đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tin đồn, và nếu cần thiết sẽ mời cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.
Vậy ông có lời khuyên nào dành cho nhà đầu tư, ví dụ mua vào?
Không, tôi không khuyên nhà đầu tư mua vào, bởi đó là việc làm không đúng. Tôi chỉ muốn nhà đầu tư xem xét kỹ thông tin trước khi ra quyết định.
Ở mức giá hiện tại, vốn hóa của TSC là chưa tới 500 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu nhà đầu tư nhìn 1 chút sẽ thấy, TSC hầu như không có vay nợ. Báo cáo tài chính tại ngày 30/6/2016, TSC có hơn 640 tỷ đồng là khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn không có rủi ro, chưa kể số dư tiền và tương đương tiền, các doanh nghiệp lợi thế rất lớn, có thương hiệu như Nước khoáng Khánh Hòa (Vikoda), Westfood... Nếu bạn là người không tin tất cả, thì tính riêng số dư các tài sản có tính lỏng cao nhất trong hệ thống phân loại tài sản này đã vượt xa con số vốn hóa. Trong khi đó, TSC sở hữu nhiều doanh nghiệp trực thuộc có giá trị, đang hoạt động tốt.
Với công ty mẹ F.I.T, mức định giá này thậm chí còn vô lý hơn nữa. Vốn hóa thị trường tính đến cuối phiên giao dịch ngày 15/9/2016 là gần 940 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/016, Công ty mẹ có khoản 108 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường, xấp xỉ 700 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, 201 tỷ đồng hợp tác đầu tư có khoản tài sản đảm bảo các khoản này bằng 333% giá trị vốn góp của Công ty. Trong khi đó, cùng thời điểm trên F.I.T chỉ có 322 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Ngoài các khoản này, Công ty có đầu tư vào TSC và DCL, các tài sản khác, với 2 khoản đầu tư vào TSC, DCL hiện nay đang có vốn hóa tương ứng là 282 tỷ đồng và 600 tỷ đồng.
Tất nhiên, nếu phải bán, F.I.T sẽ không bao giờ bán TSC hay DCL ở mức giá này, nhưng con số cộng đơn giản để thấy là, ngay cả khi định giá TSC quá sai lệch và không tính đến yếu tố lợi thế tại DCL, các tài sản khác, thì bán nhanh tài sản của FIT cũng đã thu về số tiền gần gấp đôi vốn hóa hiện tại.
Nhưng lợi nhuận 6 tháng đầu năm của TSC, F.I.T đều sụt giảm. Theo ông vì sao lại có tình trạng này?
F.I.T đã trải qua hơn 2 năm của quá trình tái cấu trúc toàn diện, chuyển đổi từ mô hình đầu tư – dịch vụ tài chính sang đầu tư chi phối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, ngành hàng cơ bản như thực phẩm, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, hóa mỹ phẩm, và giờ đây thêm cả nước uống, sắp tới sẽ có bất động sản.
Bạn có thể hình dung đơn giản như thế này về bước đi của Tập đoàn. Chúng tôi lựa chọn các doanh nghiệp tốt về cơ bản, nhưng chưa tận dụng hết lợi thế, năng lực tài chính kém… để mua chi phối và tái cấu trúc. Giai đoạn đầu của quá trình này, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ có xu hướng bật mạnh nhờ những rà soát về quy trình, cắt giảm chi phí, bán các tài sản không phát huy hiệu quả kinh doanh, và ưu tiên cho đầu tư nhân sự chất lượng. Nhưng sau đó, các doanh nghiệp này không thể đứng im tại chỗ được, vì với những doanh nghiệp có đặc điểm như chúng tôi lựa chọn tại thời điểm tái cấu trúc, quy mô hoạt động thường không lớn. Vì thế, sau giai đoạn ổn định về nền tảng tài chính, nhân sự, hệ thống kinh doanh sẽ là giai đoạn mở rộng hoạt động.
Đối với mảng ngành hàng tiêu dùng, việc mở rộng thị trường, tung các nhãn hàng mới… đều làm tăng chi phí lớn, nhưng lại chưa mang lại doanh thu lớn ngay lập tức. Điều này là bình thường, và chúng tôi phải chấp nhận. Không có sự lựa chọn khác, nếu doanh nghiệp muốn phát triển.
Tất nhiên, câu chuyện này sẽ không đúng với tất cả các mảng kinh doanh khác thuộc F.I.T. Với mảng dược và vật tư ngành dược, hiện nay chúng tôi cũng đã bắt tay vào giai đoạn đầu tư mới, nhưng sẽ không làm sụt giảm lợi nhuận, vì đặc thù khách hàng, bán hàng khác. Chúng tôi chọn đi đường dài để phát triển, và mong rằng, cổ đông, nhà đầu tư hãy nhìn nhận những nỗ lực của Ban lãnh đạo Công ty một cách công bằng, không bán rẻ tài sản của chính mình.