Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giải thích cho việc tăng thêm thời gian thảo luận là “do tính chất quan trọng của dự thảo Luật, để đáp ứng yêu cầu của một số đại biểu mong muốn được tiếp tục thảo luận, góp thêm ý kiến”.
Vấn đề thu hồi đất và giá đền bù vốn được tranh luận nhiều tại buổi thảo luận đầu tháng, nay tiếp tục được các đại biểu góp ý.
Tại buổi thảo luận toàn thể ngày 6/11, nhiều đại biểu đồng tình với quy định Nhà nước thu hồi đất phục vụ mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, song còn nhiều băn khoăn với việc thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Tại buổi thảo luận thêm ngày 22/11, các đại biểu đã cân nhắc và cơ bản các ý kiến nhất trí Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù vẫn cho rằng thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng đã bao hàm cả cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cân nhắc đến vai trò chi phối trong thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, đại biểu Lê Trọng Sang (TP. HCM) đồng ý với quy định tại Điều 62.
Về lo ngại khiếu kiện nếu duy trì thu hồi đất cho các dự án kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Trọng Sang cho rằng, nếu bỏ quy định này đi thì khiếu kiện vẫn không chấm dứt, bởi khi đó, hình thành 2 giá: giá đất do Nhà nước ấn định và giá do chủ đầu tư thương lượng. Như vậy, khiếu kiện là không tránh khỏi.
“Quan trọng là cơ quan quản lý hoàn thành việc cấp sổ đỏ sẽ tác động đến sự đồng thuận của người dân và thực hiện minh bạch trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư”, đại biểu Sang nói.
Tuy nhiên, quy định cụ thể về các trường hợp thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều đại biểu đề nghị thu hẹp diện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng: “Vấn đề quan trọng là phải xác định rõ ràng và hợp lý những trường hợp thu hồi đất nào được coi là có mục đích phát triển kinh tế - xã hội, để tránh bị lạm dụng cho lợi ích riêng, lợi ích nhóm”.
Đại biểu Nghĩa nhấn mạnh các trường hợp rất dễ bị lợi dụng khi thu hồi đất (như quy định tại điểm e, g, Khoản 1, Điều 62) để phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế… và khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp; dự án khai thác khoáng sản; khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung…
Đối với các dự án thuộc loại này, có đại biểu đề nghị quy định rõ trong Luật hoặc giao Chính phủ quy định quy mô dân số bị ảnh hưởng nhà ở, quy mô chiếm đất và tổng mức đầu tư của dự án nhằm hạn chế tối đa sự lạm dụng thu hồi đất cũng như thắc mắc khiếu kiện đất đai.
Đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An) đề nghị xác định rõ tiêu chí cho loại dự án được gọi là dự án kinh tế - xã hội có quy mô lớn và quan trọng, để khi áp dụng trong thực tiễn không bị vướng mắc và không mâu thuẫn với tiếp thu, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, "Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội có quy mô lớn và quan trọng của đất nước, hạn chế được việc thu hồi đất tràn lan”.
Bên cạnh đó, các đại biểu nhận xét rằng, việc thu hồi đất để làm gì, người dân ít quan tâm bằng việc họ có được đảm bảo lợi ích thỏa đáng hay không, bao gồm cả lợi ích trước mắt và lợi ích sinh kế lâu dài. Do đó, để người dân thực sự yên tâm, khi định giá đất để tính giá bồi thường thì nên để một tổ chức định giá độc lập thực hiện, khuyến khích việc sử dụng rộng rãi các tổ chức dịch vụ có chức năng tư vấn, định giá đất tham gia vào hoạt động xác định giá.
Khiếu kiện sẽ không tránh khỏi nếu vẫn tồn tại 2 hình thức định giá đất: Nhà nước ấn định và chủ đầu tư thương lượng