VN-Index đang ổn định trên ngưỡng 900 điểm. Theo ông, liệu chỉ số có khả năng trở lại mức đỉnh cũ 1.200 điểm trong những tháng cuối năm?
Thống kê trong lịch sử thị trường cho thấy, VN-Index được dẫn dắt bởi các yếu tố cơ bản, nhất là lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng.
Với ước tính lợi nhuận của khối doanh nghiệp niêm yết dự báo tăng 20% trong năm nay và 18% trong năm 2019, định giá VN-Index sẽ còn hấp dẫn hơn.
Tôi cho rằng, P/E hiện tại rất hấp dẫn so với lịch sử của VN-Index, chưa kể nếu so với các chỉ số trong khu vực, P/E trailing của TTCK Việt Nam hiện tại là 17,1 lần, tương đương các nước trong khu vực, nhưng nếu loại trừ cổ phiếu VIC, VRE, VHM thì chỉ còn 13,4 lần.
Dự báo lợi nhuận khối doanh nghiệp niêm yết năm nay tăng 20% liệu có “khiêm tốn” hay không, khi mà 6 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng hơn 30%?
Nhìn về năm ngoái, quý III và quý IV/2017, lợi nhuận của các doanh nghiệp có nền tảng khá cao. Trong hai quý đầu năm 2018, lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, trong đó có sự đóng góp đáng kể của khối ngân hàng.
Chỉ riêng quý II năm nay, lợi nhuận khối ngân hàng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi suất có xu hướng tăng thì tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) sẽ được cải thiện. Doanh thu từ thu nhập dịch vụ trong 6 tháng đầu năm cải thiện so với năm ngoái và những năm trước.
Ngoài ra, thu nhập khác từ nợ đã xử lý, thị trường bất động sản hồi phục thì khoản thu hồi nợ sẽ lớn. Dựa vào các yếu tố trên, tôi cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay sẽ cao.
Trong đợt điều chỉnh vừa qua của thị trường, nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm giá mạnh, hiện ở mức hấp dẫn, nếu không muốn nói là rẻ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là tín dụng tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm giảm tốc, nợ xấu tiêu dùng tăng.
Ở khía cạnh khác, đà giảm trong thời gian qua của của thị trường chủ yếu là do yếu tố tâm lý, với các quan ngại về chiến tranh thương mai, tỷ giá tăng.
Riêng chiến tranh thương mại, nhiều nhà đầu tư không biết tác động cụ thể như thế nào và mức độ tác động không chắc chắn nên hành động đầu tiên của nhà đầu tư khi thấy tình hình có vẻ căng thẳng là bán cổ phiếu ra trước rồi tính sau.
Tâm lý này có thể sẽ kéo dài 1 - 2 quý, khi nào lắng xuống thì dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường.
Theo ông, TTCK sẽ có diễn biến thế nào trong quý III/2018 cũng như nửa cuối năm?
VN-Index nhiều khả năng tích lũy trong vùng 900 - 1.000 điểm trong quý III trước khi quay lại đỉnh cũ trong quý IV. Tuy nhiên, khoảng thời gian quý III, thị trường thường thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Do đó, VN-Index có thể tích lũy trong vài tháng tới, có thể lâu hơn. Việt Nam là thị trường cận biên nên có mức độ biến động lớn.
Nhận định thời điểm nào thì chỉ số trở lại đỉnh cũ rất khó, nhưng nhìn chung, xu hướng hiện tại là tích lũy và khả năng hồi phục trong thời gian tới khá cao.
Một số ý kiến nhận định, VN-Index có thể giảm về 800 điểm, thậm chí 600 điểm. Đây có thể là góc nhìn phân tích kỹ thuật.
Ông Hoàng Huy, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS).
Về mặt cơ bản, tôi cho rằng, thị trường đang được định giá hấp dẫn, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng khi giá đã giảm 40% so với đỉnh.
Trong khi đó, xét yếu tố kỹ thuật, thời gian qua, thị trường xuống 900 điểm, sau đó đi ngang và không giảm thêm.
Kết hợp yếu tố cơ bản và kỹ thuật, tôi nhận định, trong thời gian tới, khi chiến tranh thương mại nguội đi và tỷ giá ổn định trở lại, TTCK sẽ thu hút dòng tiền. Trong bối cảnh thị trường tích lũy, từ nay đến cuối năm là thời gian đáng để giải ngân.
Ngoài yếu tố định giá hấp dẫn, yếu tố nào sẽ hỗ trợ thị trường?
Yếu tố lợi nhuận doanh nghiệp là then chốt. Khi định giá dựa trên yếu tố cơ bản doanh nghiệp hấp dẫn, một cách tự nhiên, dòng tiền sẽ quay trở lại.
Tất nhiên, yếu tố rủi ro về chiến tranh thương mại, dòng vốn ngoại rút ra khỏi thị trường mới nổi là có, nhưng về cơ bản, mức định giá VN-Index đang khá rẻ. Khi kết quả kinh doanh quý IV được công bố, mức định giá dự kiến còn rẻ hơn.
Một yếu tố hỗ trợ khác là dòng vốn giao dịch ký quỹ (margin). Margin đã giảm trong thời gian qua, khi nhà đầu tư thấy định giá rẻ thì dòng vốn này sẽ quay lại.
Ông dự báo như thế nào về yếu tố tỷ giá, lãi suất cuối năm?
Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED sẽ có 2 đợt tăng lãi suất trong tháng 9 và tháng 12 tới. Yếu tố này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu thời điểm hiện tại. Do đó, tác động nếu có sẽ không đáng kể.
Cuối năm 2015, dòng vốn ngoại rút ra rất mạnh. Sang năm 2016, có giai đoạn, nước ngoài rút vốn mạnh, nhưng sau đó vài tháng, họ quay lại mạnh mẽ. Nếu trong những tháng cuối năm 2018, tỷ giá không biến động quá mạnh, tôi kỳ vọng khối ngoại sẽ quay lại TTCK Việt Nam.
Vốn ngoại sẽ quay lại với điều kiện tỷ giá USD/VND tăng không quá cao so với các nước khác, những nước mà đồng nội tệ để thị trường tự điều tiết. Tôi cho rằng, VND mất giá trong khoảng 2 - 3% là không quá cao.
Tỷ giá của Việt Nam ảnh hưởng bởi Nhân dân tệ nhiều hơn là USD. Sau đợt giảm giá mạnh, Nhân dân tệ đã giảm 2 - 3% so với VND. Theo nhiều chuyên gia, Nhân dân tệ sẽ không giảm sâu trong năm nay.
Dự báo này là đúng thì VND sẽ không mất giá mạnh, nhất là trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô của Việt Nam ổn định và dự trữ ngoại hối được tăng cường.
Theo ông, nhóm ngành nào sẽ thu hút dòng tiền trong những tháng cuối năm?
Nhóm ngành ngân hàng, điện, dầu khí, cảng biển và bất động sản khu công nghiệp có triển vọng tích cực.
Trong đó, ngân hàng tiếp tục là động lực chính về tăng trưởng lợi nhuận. Với nhóm bất động sản, những doanh nghiệp triển khai dự án giai đoạn 2015 - 2016 thì nay là thời điểm tập trung ghi nhận doanh thu, lợi nhuận.