Ảnh: www.bartonhillsettlement.org.uk

Ảnh: www.bartonhillsettlement.org.uk

Định giá ban lãnh đạo doanh nghiệp

(ĐTCK-online) Nên chăng chúng ta cần "định giá" cả ban lãnh đạo DN?" là câu hỏi gây ấn tượng được đưa ra bởi đại diện Công ty Chứng khoán Thăng Long tại hội thảo Nâng cao hiệu quả phát hành cổ phần lần đầu của DN tổ chức mới đây.

Theo vị đại diện này, vừa qua, việc cổ phần hóa các DN trong lĩnh vực tài chính dường như thu hút sự quan tâm nhiều hơn từ phía nhà đầu tư. Vậy đâu là nguyên nhân tạo nên sự hấp dẫn cho cổ phiếu của DN ngành này: DN làm ăn tốt, cổ phiếu có tính thanh khoản hay do chính đội ngũ lãnh đạo?

Một thực tế là nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, nhất là các quỹ đầu tư mạo hiểm đặt tiêu chí chọn lựa đầu tư số 1 là chất lượng ban lãnh đạo DN, chứ không phải tiêu chí về ngành hay tài chính.

 

Năng lực biến không thành có

Th.s Mai Anh Tám, Giám đốc CTCP Bá Hiến Viglacera cho rằng: "Nếu chỉ nhìn nhận giá trị DN theo giá trị sổ sách thì không ổn. Tại Bá Hiến Viglacera, nhiều tài sản đã khấu hao hết, nhưng thực tế vẫn có thể mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Với Ban giám đốc - những người sẵn sàng mua lại các DN phá sản và gây dựng chúng phát triển, nên không thể nói những DN được gây dựng lại không có giá trị. Trong tình huống này, chúng ta không thể định giá một DN đơn thuần dựa vào giá trị tài sản".

Nhiều ý kiến khác cũng tỏ ra đồng tình với quan điểm của ông Tám rằng, thực tế, định giá DNNN khi thực hiện cổ phần hóa thường đưa ra mức giá thấp, trong khi các DN của khối tư nhân trong quá trình định giá lại thường đưa ra mức giá cao hơn. Điều gì làm nên sự khác biệt này? Dù không thể hiện bằng lời, nhưng nhiều nhà đầu tư cũng hiểu: việc định giá DN  chịu ảnh hưởng không nhỏ từ giá trị vô hình của ban lãnh đạo. Warrent Buffet - người giàu thứ 2 thế giới từng cho rằng, một trong những nguyên tắc cơ bản khi lựa chọn đầu tư của ông là chọn… ban lãnh đạo.

Tại Việt Nam , lấy FPT và BVSC làm ví dụ. Cả 2 công ty này đều hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ chất lượng cao, nên giá trị tài sản lớn nhất chính là con người, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, chứ không phải khối tài sản mà hai công ty đang sở hữu. Thử hình dung nếu Giám đốc 2 DN này ra đi thì sao? Liệu giá cổ phiếu của 2 DN có còn được đánh giá cao như hiện tại? Chắc chắn sẽ không có nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này.

Người Việt Nam có câu: "Một người lo bằng một kho người làm" để diễn tả vai trò quan trọng của người lãnh đạo với sự sống - còn; phát triển hay suy vong của một DN. Chính vì vậy, việc tìm hiểu năng lực của Ban lãnh đạo là một trong những yếu tố có tính quyết định đến sự thành công của khoản đầu tư.

 

Tạo dựng thành quả đã khó, giữ thành quả còn khó hơn

Bên cạnh những vị lãnh đạo tài ba có thể đưa DN chinh phục các đỉnh cao mới thì cũng không ít vị đã dẫn dắt con thuyền DN vào nơi "sóng to gió cả". Bất kỳ một chiến lược kinh doanh, quyết định điều hành nào cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiến - lùi của DN. Tiến đã khó, nhưng giữ đà tiến và duy trì được hình ảnh một DN năng động, hiệu quả còn khó hơn nhiều. Tại Việt Nam cũng không hiếm trường hợp ban lãnh đạo DN sau nhiều năm nỗ lực đã đưa DN bước lên một tầm cao mới: lên sàn chứng khoán, nhưng chỉ cần mắc một vài lỗi nhỏ là có thể làm tổn hại đến hình ảnh DN, đến uy tín của chính mình.

Trở lại với trường hợp phát hành thêm cổ phần tăng vốn điều lệ của CTCP Sông Đà 9. Sau 3 lần phát hành, những cổ đông của Công ty này đã không khỏi xót xa khi tiền của mình "đi về đâu không rõ". Với việc nhất trí thông qua phương án phát hành tăng vốn điều lệ tại Đại hội đồng cổ đông họp ngày 30/3/2007, không mấy nhà đầu tư có thể nghĩ rằng, việc trao cho HĐQT quyền lựa chọn thời điểm phát hành lại chính là hành động bật đèn xanh cho "tiền ra đi". Sau 3 lần phát hành, nhà đầu tư thiệt đơn thiệt kép, vì phải chịu mức điều chỉnh giảm giá cho cả lượng cổ phần không được hưởng quyền. Giá cổ phiếu SD9 giảm tương đối mạnh trong thời gian qua vì bị ảnh hưởng của cách làm này. Thực trạng Công ty vẫn thế, nếu không nói là đang phát triển, nhưng niềm tin (hay ở khía cạnh khác có thể coi là giá trị ban điều hành) đã suy giảm khi cổ đông không thấy quyền lợi của mình được bảo vệ. Sự kiện SD9 là một kinh nghiệm cho lớp cổ đông tại Việt Nam khi biểu quyết và trao quyền cho HĐQT bằng những cụm từ: "HĐQT lập phương án phát hành chi tiết, xác định thời điểm phát hành, giá phát hành, chọn nhà bảo lãnh và thực hiện các công việc liên quan để hoàn thành việc phát hành".

Định giá ban lãnh đạo DN là một vấn đề vừa nhạy cảm, vừa tế nhị và đến nay vẫn là một gợi ý ngỏ tại Việt Nam . Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những DN có ban lãnh đạo tốt sẽ có cơ hội bứt phá tốt hơn hẳn các DN có cùng nền tảng vật chất, nhưng năng lực lãnh đạo kém.