Các hành vi thao túng giá cổ phiếu nếu không có biện pháp xử lý mạnh tay thì sẽ để lại nhiều hệ lụy cho thị trường

Các hành vi thao túng giá cổ phiếu nếu không có biện pháp xử lý mạnh tay thì sẽ để lại nhiều hệ lụy cho thị trường

Đỉnh điểm vi phạm trên thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Mặc dù chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã có những tình tiết tăng nặng, song dường như vẫn chưa đủ sức răn đe khi mà số vụ vi phạm vẫn không ngừng tăng.

Theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, từ đầu năm 2018 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ra quyết định xử phạt đối với 62 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán của các tổ chức và cá nhân. Con số này chiếm hơn 30% tổng số hành vi vi phạm trong năm 2017.

Thống kê còn cho thấy, số lượng hành vi vi phạm không những không thuyên giảm, thậm chí còn tăng 30% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, nếu như thời điểm cùng kỳ 2017 số lượng vi phạm nghiêng về các tổ chức, thì đầu năm nay, số lượng vi phạm cá nhân tăng đột biến với hơn 30 cá nhân bị xử phạt, hầu hết với lý do không công bố dự kiến giao dịch và kết quả giao dịch theo đúng thời gian quy định.

Đáng chú ý, có 2 trường hợp bị phạt do có hành vi tạo cung cầu giả, bằng cách sử dụng nhiều tài khoản giao dịch khác nhau. Trong đó, mức phạt cao nhất là 550 triệu đồng đối với ông Đức Minh Đạo khi có hành vi thao túng giá cổ phiếu SGO của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn.

Theo văn bản hợp nhất số 01/VBHN/BTC hợp nhất Nghị định số 145/2016/NĐ-CP và Nghị định số 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2016, đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì mức phạt tiền tối đa là 2 tỷ đồng và cá nhân là 1 tỷ đồng. Mức phạt này trên thực tế không “thấm” gì so với mức lãi nhận được hoặc lỗ tránh được từ đà tăng hoặc giảm cổ phiếu mà bản thân cổ đông nội bộ hoặc có liên quan nắm rõ.

Đầu tháng 4 vừa qua, UBCK đã ra quyết định xử phạt bà Bùi Thị Thu Huyền (trú tại phường Hoàng Diệu, TP.Thái Bình) với số tiền 45 triệu đồng. Bà Huyền, người được ủy quyền công bố thông tin của CTCP Damsan (ADS), đã có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu ADS. Cụ thể, trong thời gian từ 1/9/2016 đến 17/4/2017, bà Huyền đã đồng thời mua 1,61 triệu cổ phiếu ADS và bán 1,64 triệu cổ phiếu ADS.

Trong khoảng thời gian này, cổ phiếu ADS tăng liên tục từ mức 12.000 đồng/CP lên 17.000 đồng/CP, thậm chí có thời điểm đạt trên 19.000 đồng/CP. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm mua và bán cổ phiếu ADS đối với trường hợp của bà Huyền cụ thể ra sao vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng.

Giả sử với diễn biến giá trên, nếu mua vào đúng đáy và bán ra đúng đỉnh, bà Huyền có thể ghi nhận mức lãi lên đến hơn 7 tỷ đồng. Như vậy, rõ ràng mức phạt 45 triệu đồng đối với bà Huyền chẳng bõ bèn gì so với số lợi nhuận thu về.

Hay như trường hợp của ông Nguyễn Chí Linh, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và xây dựng VNECO 9 (VE9) đã bán hơn 1,7 triệu cổ phiếu VE9 tại thời điểm giá cổ phiếu này trong đà tăng mạnh, dao động quanh vùng 7.000-7.800 đồng/CP. Giao dịch được thực hiện trong thời gian từ 15/8/2017 đến ngày 22/8/2017, nhưng đến 5/9/2017, ông Linh mới báo cáo kết quả giao dịch với Sở GDCK Hà Nội (HNX).

Sau khi giao dịch thành công đúng 1 tháng, ông Linh cũng thôi giữ chức vụ Chủ tịch VE9. Thời điểm ông Linh bán ra cổ phiếu và báo cáo giao dịch được thực hiện trước lúc cổ phiếu VE9 giảm mạnh về mức 4.000 đồng/CP. Có thể thấy, động thái "thoát hàng" này đã giúp ông Linh tránh khoản lỗ hơn 5 tỷ đồng trước đà giảm cổ phiếu, con số quá lớn so với mức phạt 27,5 triệu đồng mà vị này phải nhận.

Được biết, trước khi thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT VE9, ông Linh cũng là Chủ tịch của Công ty TNHH Nhật Linh - LiOA, chủ thương hiệu ổn áp LiOA. Sự kiện Chủ tịch LiOA thoái vốn tại VE9 cũng làm "nóng" thị trường thời gian đó.

Trong động thái mới nhất, ông Linh thông báo đã mua vào 713.000 cổ phiếu VE9, tương đương 5,69% vốn của VE9, qua đó trở thành cổ đông lớn của Công ty kể từ ngày 9/3/2018. Tại thời điểm này, giá cổ phiếu VE9 đã tăng lên 9.000 đồng/CP.

Thực tế, để xử lý một trường hợp vi phạm trên thị trường chứng khoán là một quá trình dài và nếu để chứng minh có dấu hiệu hình sự thì tốn nhiều thời gian hơn. Như trường hợp của CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM), phải sau hơn 2 năm đấu tranh của cổ đông và sự vào cuộc của Bộ Công an mới chứng minh được dấu hiệu tội phạm hình sự của một số cá nhân và lãnh đạo MTM.

Thủ đoạn “lừa đảo” chiếm đoạt tiền của cổ đông như tại MTM tuy không phổ biến, song những hành vi thao túng giá cổ phiếu đang ngày càng nhiều và ngày một tinh vi hơn. Nếu không có biện pháp hoặc chế tài mạnh tay hơn nữa thì vi phạm và xử phạt vi phạm sẽ chẳng khác gì "bắt cóc bỏ đĩa".            

Tin bài liên quan