Digiworld, nhà phân phối sỉ hàng đầu
Thành lập năm 2003, với vốn điều lệ ban đầu là 2 tỷ đồng, tới nay, Digiworld có quy mô vốn điều lệ lên tới 263 tỷ đồng. Nhờ Ban điều hành nhanh nhạy, nhiệt huyết, am hiểu sâu sắc lĩnh vực công nghệ thông tin, Digiworld đã xác lập được vị thế nằm trong Top 3 nhà phân phối cấp 1 thiết bị công nghệ thông tin tại Việt Nam. Được biết, Digiworld nằm trong nhóm dẫn đầu trong lĩnh vực phân phối máy tính xách tay (chiếm 24% thị phần cả nước) và đối với lĩnh vực phân phối điện thoại di động thì chiếm khoảng 8% thị phần.
Digiworld hiện có hệ thống phân phối lớn, trải dài khắp cả nước. Trong vài năm gần đây, số lượng đại lý của Digiworld có sự tăng trưởng đáng kể. Nếu như cuối năm 2013, Công ty có khoảng 2.000 đại lý thì đến cuối năm 2014 đã tăng lên 5.500 đại lý. Tính đến tháng 6/2015, theo thống kê của GFK, Digiworld có 6.000 đại lý, chiếm 60% đại lý phân phối thiết bị công nghệ thông tin trên toàn quốc và sở hữu 3 trung tâm bảo hành ủy quyền DGCare, 4 trung tâm kinh doanh cùng chuỗi hệ thống quản lý – cung ứng hàng hóa DGSupply Chain với tổng diện tích 7.000 m2.
Đáng chú ý, hiện số lượng nhà phân phối sỉ trong lĩnh vực điện tử khá khiêm tốn (có thể kể đến như PSD, FPT, Siêu Thanh, TIE), cạnh tranh trong ngành thấp, vì vậy, cơ hội phát triển cho những doanh nghiệp đầu tư bài bản và có lợi thế về kênh phân phối như Digiworld là rất lớn.
Nhờ thương hiệu uy tín, cộng thêm lợi thế về hệ thống phân phối, Digiworld được nhiều nhà cung cấp nổi tiếng thế giới lựa chọn để cấp quyền phân phối chính thức sản phẩm tại thị trường Việt Nam với mức chiết khấu tốt và ổn định hơn so với các đối thủ trong ngành. Đồng thời, Digiworld cũng được cập nhật thông tin về kế hoạch sản phẩm mới từ 3-6 tháng trước khi tung ra thị trường, giúp Công ty chủ động hơn trong việc hoạch định chiến lược bán hàng.
Hiện Digiworld đang phân phối sản phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như: Acer, Asus, HP, Dell, Toshiba, Samsung, Gateway, Genius, Logitech, Belkin, APC, Lenovo, Fuji Xerox, Nokia, Alcatel, Lenovo, Ricoh, Wiko, Xiaomi… Từ cuối năm 2014 đến nay, Digiworld đã trở thành nhà phân phối độc quyền thêm ba dòng sản phẩm mới gồm Wiko từ Pháp, Xiaomi từ Trung Quốc và Obi từ Mỹ.
Digiworld có nhiều khách hàng lớn như CTCP Thế giới di động, Viễn Thông A, Phong Vũ, Nguyễn Kim, CTCP Thế giới số Trần Anh, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT… Trong năm 2014 - 2015, Digiworld đã ký nhiều hợp đồng giá trị lớn với những khách hàng này.
Mô hình quản trị hàng tồn kho hiệu quả
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ thì bài toán quản trị hàng tồn kho luôn là một trong những yếu tố đảm bảo sự thành công của doanh nghiệp. Hiểu rõ điều đó, Digiworld đã từng bước cải thiện quy trình hoạt động của mình thông qua việc ứng dụng hệ thống quản lý tích hợp ERP – SAP, đảm bảo theo dõi, cập nhật liên tục tình hình kinh doanh, tồn kho sản phẩm…, làm cơ sở để Ban Tổng giám đốc ra những quyết định kinh doanh chính xác. Digiworld cũng là doanh nghiệp phân phối đầu tiên áp dụng ERP từ năm 2010.
Thông qua phân tích các dữ liệu được thống kê từ hệ thống phần mềm ERP và SAP, Công ty quản lý dữ liệu hàng tồn kho của từng đại lý một cách nhanh chóng và chính xác, ước tính được nhu cầu đơn hàng hàng tháng của từng đại lý và lên kế hoạch chi tiết nhập sản phẩm phù hợp với nhu cầu, giúp hạn chế tối thiểu tình trạng hàng tồn kho, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của biến động giá sản phẩm từ nhà cung cấp. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động không chỉ cho Digiworld mà cả đại lý của Công ty.
Do vậy, dù lượng hàng tồn kho của Digiworld khá lớn, nhưng vòng quay hàng tồn kho và tài sản nhanh so với các doanh nghiệp khác. Hệ thống này góp phần giúp Digiworld trở thành nhà phân phối có năng lực quản lý tài chính tốt nhất trong ngành, với tỷ lệ nợ xấu dưới 0,05% trong 5 năm qua.
Ngoài ra, hệ thống có kết nối với báo cáo của GFK giúp Digiworld có thể nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ, thị hiếu trên toàn thế giới, cân nhắc với thị trường Việt Nam và ra quyết định nhập mặt hàng mới. Các sản phẩm mới được nhập xoay vòng, sản phẩm nào không phù hợp với thị trường nội địa sẽ được thay thế bằng các sản phẩm mới khác. Theo đó, giúp Công ty vẫn cập nhật liên tục sản phẩm mà vẫn tiết kiệm được chi phí.
Tiềm năng tăng trưởng lớn
Năm 2014, Digiwolrd đạt 4.876 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế gần 128 tỷ đồng, tăng lần lượt gần 60% và 149% so với năm 2013. Sở dĩ lợi nhuận 2014 tăng mạnh là nhờ trong năm, Digiworld phát triển thêm lĩnh vực phân phối điện thoại di động thuộc phân khúc bình dân với hai dòng sản phẩm chủ đạo là Nokia và Wiko.
Cụ thể, doanh thu thuần của mảng điện thoại di động tăng 150,77% so với năm 2013 và đạt 2.451 tỷ đồng. Hai lĩnh vực truyền thống là máy tính xách tay và thiết bị văn phòng trong năm 2014 cũng có mức tăng trưởng khá cao, lần lượt là 13,53% và 33,57%.
Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng đối với dòng sản phẩm điện thoại thông minh, nhưng tỷ lệ thuê bao 3G vẫn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 30% trên tổng dân số tính đến cuối năm 2014. Điều này cho thấy, dư địa thị trường cho dòng điện thoại thông minh vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Trong đó, phân khúc điện thoại bình dân vẫn được sự đón nhận của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là ở thị trường nông thôn do mức thu nhập bình quân đầu người tương đối thấp và sức mua còn hạn chế.
Theo đó, Digiworld chuyển hướng hoạt động kinh doanh vào mảng phân phối điện thoại di động, đặc biệt ở phân khúc bình dân. Trong cơ cấu doanh thu, Ban lãnh đạo Công ty dự kiến, điện thoại di động sẽ chiếm khoảng 65-70%, mảng kinh doanh laptop khoảng 30-35% và khoảng 5% còn lại sẽ là máy móc, thiết bị văn phòng.
Các chỉ tiêu cụ thể năm 2015, Digiworld đặt kế hoạch dựa trên hai kịch bản thị trường thuận lợi và không thuận lợi, tương ứng với mức tăng trưởng doanh thu 50% và 23%. Nếu thị trường thuận lợi, doanh thu của Công ty trong năm nay ước đạt 7.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 178 tỷ đồng, tăng tương ứng 50% và 39%. Ngược lại, nếu bối cảnh thị trường không thuận lợi, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sẽ tương ứng là 6.000 tỷ đồng và 160 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 25%; đồng thời, duy trì mức cổ tức 40%.
Điểm nổi bật trong kế hoạch kinh doanh 2015 là Digiworld trở thành nhà phân phối độc quyền điện thoại Obi. Đây là nhãn hiệu điện thoại thông minh của John Sculley, cựu Tổng giám đốc của Apple.
Dự kiến, điện thoại Obi sẽ ra mắt vào quý III năm nay tại Mỹ và 1 tháng sau đó, dòng sản phẩm này sẽ có mặt tại Việt Nam do Digiworld là đối tác phân phối chính. Việc trở thành nhà phân phối độc quyền thêm hai dòng sản phẩm Xiaomi, Obi dự kiến sẽ mang lại doanh thu tốt cho Công ty.
Sang năm 2016, theo Digiworld, tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần lẫn lợi nhuận sau thuế bắt đầu chững lại, bởi Công ty sẽ tập trung tìm hiểu các cơ hội M&A, liên doanh, liên kết nhằm tăng quy mô, tăng lợi nhuận nhờ vào việc tiết kiệm chi phí thông qua nền tảng công nghệ thông tin và quy trình sẵn có, hình thành chuỗi giá trị trong ngành phân phối và cung ứng hàng hóa.
Mục tiêu của Digiworld là ngày càng khẳng định vị thế một trong những nhà phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam. Tầm nhìn của Digiworld đến năm 2020 là phấn đấu trở thành “Công ty có doanh thu tỷ USD, được ghi nhận đóng vai trò nâng tầm Việt Nam”.
Vì vậy, việc niêm yết cổ phiếu Digiworld trên thị trường chứng khoán không chỉ nhằm tạo thanh khoản cho cổ phiếu, mà còn giúp Công ty huy động nguồn vốn triển khai các kế hoạch kinh doanh, hiện thực hóa những mục tiêu mà Công ty đặt ra. Đây cũng là cơ hội đầu tư tốt đối với các nhà đầu tư quan tâm đến các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt.