Cục Quản lý cạnh tranh (VCA-Bộ Công thương) cho biết Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ký quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ (một trong những biện pháp được áp dụng trong lĩnh vực phòng vệ thương mại) đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Đây là sản phẩm thứ tư, sau kính nổi, dầu thực vật, bột ngọt được Bộ Công thương tiến hành điều tra kể từ năm 2009 đến nay.
Quyết định điều tra được thực hiện bởi Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam của nhóm 04 công ty: Công ty cổ phần thép Hòa Phát, công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, công ty CP Gang thép Thái Nguyên, công ty CP Thép Việt Ý (gọi là “Bên yêu cầu”) đại diện cho ngành sản xuất Việt Nam.
Sau khi xem xét hồ sơ, Bộ Công Thương đã xác nhận đơn yêu cầu của Bên yêu cầu là đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp này đại diện cho ngành sản xuất thép Việt Nam đứng đơn và đã được Bộ Công Thương xác nhận trong đơn yêu cầu là “đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật”.
Theo VCA, các sản phẩm bị điều tra có mã HS: 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00.
Giai đoạn điều tra xác định thiệt hại được tính từ 1/1/2012 đến 30/9/2015.
Trong hồ sơ gởi đến VCA, các doanh nghiệp cáo buộc nếu năm 2012 chỉ có khoảng 468.000 tấn phôi thép được nhập khẩu vào Việt Nam thì dự kiến hết năm 2015, con số này khoảng 1,5 triệu tấn.
Tương tự, sản phẩm thép dài được nhập khẩu xấp xỉ 389.000 tấn vào năm 2012, nhưng năm 2015, lượng thép nhập khẩu ước tính lên tới 1,21 triệu tấn.
Nguyên đơn cũng yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ tương đương với mức thuế suất 45% đối với phôi thép nhập khẩu, và 33% đối với thép dài được sản xuất từ phôi thép nhập khẩu.
Và trong khi chờ bộ Công thương có kết luận chính thức về việc điều tra, nguyên đơn đề nghị bộ Công thương áp các mức thuế nói trên trong thời gian 200 ngày để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bản câu hỏi điều tra sẽ được gửi đến các Bên liên quan sau ngày ra quyết định điều tra. Tất cả các Bên liên quan có thể nêu quan điểm của mình về vụ việc này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ra quyết định điều tra vụ việc. Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm xem xét tất cả các thông tin, chứng cứ, quan điểm của các Bên liên quan trước khi đưa ra kết luận về vụ việc.
Theo quy định tại điều 18 của Pháp lệnh Tự vệ, thời hạn điều tra không quá 6 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định điều tra. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn điều tra có thể được gia hạn một lần không quá 2 tháng tiếp theo.