Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Điều quan trọng nhất là tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo, triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thủ tục hành chính ngày càng thống nhất, đồng bộ, đơn giản, minh bạch. Điều kiện kinh doanh đã và đang được cắt giảm. 

Theo đó, từ đầu năm 2018 đến nay, 1.700 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu và 968 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm; dự kiến hơn 3.000 dòng hàng và hơn 2.800 điều kiện kinh doanh sẽ tiếp tục được cắt giảm trong thời gian tới.

Về triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đến nay có gần 30 địa phương thành lập Trung tâm hành chính công để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương. Nhiều địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính được rút ngắn so với quy định.

Lợi ích rõ rệt nhất của nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh mang lại cho doanh nghiệp chính là cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Chẳng hạn, trong lĩnh vực hải quan, năm 2016, các doanh nghiệp tốn khoảng gần 30 triệu ngày công cho kiểm tra chuyên ngành với chi phí khoảng 14.300 tỷ đồng, thì năm 2017, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính, với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, các doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng), tiết kiệm 16 triệu giờ lưu kho đối với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu và tiết kiệm 34 triệu giờ lưu kho đối với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu.

Hay lĩnh vực an toàn thực phẩm, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã cắt giảm toàn bộ thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với 5 nhóm sản phẩm, 90% lô hàng thực phẩm không phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm), giúp tiết kiệm gần 2,9 triệu ngày công, tương đương 2.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn, thách thức mà nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh đang phải đối mặt là quyết tâm chính trị và sự vào cuộc chưa đồng đều của các bộ, ngành. Nguyên nhân sâu xa là do việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành sẽ ảnh hưởng tới lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, cơ quan quản lý trên từng lĩnh vực. Doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi, môi trường kinh doanh thông thoáng hơn đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý nhà nước mất đi quyền lợi, vai trò, nên các đơn vị tham mưu của các bộ, ngành, cơ quan không dễ dàng từ bỏ các lợi ích này.

Trong việc cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, còn một số bộ chưa quyết liệt, kết quả cải cách còn chậm. Việc cắt giảm các dòng hàng kiểm tra chuyên ngành, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng không đạt được kết quả đồng đều giữa các bộ. Các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, chịu sự kiểm tra của hai bộ, ngành trở lên chưa được kịp thời đề xuất theo hướng một cơ quan duy nhất quản lý thống nhất để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Để tạo ra sự thay đổi lớn, sắc nét về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thì điều quan trọng nhất là tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thời gian tới, những giải pháp mang tính chất lâu dài nhằm cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh như cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành… cần được các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, triển khai tích cực và có hiệu quả hơn.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả hơn các giải pháp để giảm chi phí cho doanh nghiệp như cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết các công việc liên quan tới doanh nghiệp; triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước tổ chức đối thoại định kỳ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. 

Tin bài liên quan