Điều lệ công ty trái luật, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Điều lệ công ty trái luật, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

(ĐTCK) Luật pháp đề ra các quy định để điều chỉnh hoạt động của công ty cổ phần. Nhưng bên dưới luật, còn có Điều lệ công ty.

Trong nhiều trường hợp, Điều lệ được xây dựng không đúng với tinh thần của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, gây không ít bức xúc cho cổ đông nhỏ.

Vi phạm phổ biến nhất trong Điều lệ của các công ty là quy định hạn chế quyền tham dự ĐHCĐ của cổ đông nhỏ. Điều 78, Điều 101, Luật Doanh nghiệp quy định, cổ đông phổ thông có quyền tham dự và phát biểu tại ĐHCĐ…; mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết. Pháp luật quy định rõ ràng như vậy, nhưng không ít công ty cổ phần lại đưa ra yêu sách bắt buộc cổ đông phải có tỷ lệ sở hữu số cổ phần nhất định mới được tham gia ĐHCĐ. Chẳng hạn, Điều lệ của CTCP Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu quy định, chỉ những cổ đông sở hữu từ 20.000 cổ phần trở lên (tương đương 0,1% vốn điều lệ của Công ty) mới được tham dự họp ĐHCĐ.

Hồi đầu năm nay, CTCP Chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Hải đã bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấn chỉnh về việc quy định cổ đông phải có tối thiểu 9.000 cổ phần mới được dự họp ĐHCĐ. Gần đây, CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cũng gây xôn xao dư luận với quy định, cổ đông phải sở hữu hoặc được uỷ quyền tối thiểu 15.000 cổ phần mới được dự họp ĐHCĐ. Tại Đại hội, khi cổ đông chất vấn về quy định này, Giám đốc Doveco Đinh Cao Khuê cho rằng, Điều lệ Công ty, “luật con” của Công ty đã quy định như thế.

Điều lệ công ty trái luật, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? ảnh 1

Việc hạn chế cổ đông nhỏ dự ĐHCĐ của Doveco gây bức xúc cho dư luận

Quyền dự họp ĐHCĐ là nền tảng để cổ đông nhỏ thực hiện các quyền khác của mình. Các cổ đông nhỏ bị hạn chế tham dự Đại hội là đã bị tước đi quyền lớn nhất của cổ đông là biểu quyết, góp phần định đoạt những vấn đề của Công ty mà mình tham gia góp vốn.

Cổ đông nhỏ bị hạn chế quyền tham dự ĐHCĐ, đồng nghĩa với việc mất đi quyền tiếp cận thông tin về công ty mà mình tham gia góp vốn cũng như quyền trao đổi, chất vấn ban lãnh đạo DN. Khi họp ĐHCĐ, cổ đông có quyền nói lên nguyện vọng và nhận xét của mình về hoạt động của công ty, đóng góp ý kiến xây dựng công ty; đồng thời, những người điều hành công ty sẽ có dịp nắm bắt nguyện vọng của những “ông chủ” để xây dựng kế hoạch hoạt động của công ty. Việc hạn chế quyền dự họp ĐHCĐ sẽ tạo ra sự mất công bằng giữa cổ đông nhỏ và cổ đông lớn.

Hơn thế, việc điều lệ của một số công ty vi phạm quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 79 của Luật Doanh nghiệp (quy định mức cổ phần sở hữu tổi thiểu mới được tham dự Đại hội) sẽ làm mất lòng tin của nhà đầu tư vào những quy định của pháp luật, làm xấu đi hình ảnh của thị trường chứng khoán và khiến nhà đầu tư ngán ngại việc bỏ vốn vào thị trường.

Vậy nhưng, đến nay, luật pháp vẫn chưa có chế tài cụ thể xử lý đối với những trường hợp vi phạm này. Theo một luật sư, đối với những trường hợp này, cổ đông có quyền trực tiếp khởi kiện Hội đồng quản trị (cơ quan triệu tập họp ĐHCĐ) và ban kiểm soát công ty cổ phần (cơ quan có trách nhiệm kiểm tra giám sát hoạt động của công ty sao cho đúng luật). Cổ đông cũng có quyền yêu cầu toà án xem xét huỷ bỏ các điều khoản trái luật trong điều lệ công ty.

Vi phạm phổ biến thường gặp khác trong điều lệ của các công ty cổ phần là đưa ra những điều khoản vô lý để bảo vệ quyền lợi cho ban lãnh đạo công ty, trái với quy định tại Luật Doanh nghiệp. Ví dụ, Luật quy định, việc bầu HĐQT phải do nhóm cổ đông sở hữu tối thiểu 10% vốn điều lệ đề cử, nhưng một số công ty lại lấy lý do đảm bảo tính kế thừa và ổn định của công ty, cho phép HĐQT nhiệm kỳ cũ được quyền đề cử ứng viên cho HĐQT nhiệm kỳ sau, mà không cần đến ý kiến của nhóm cổ đông sở hữu tối thiểu 10% vốn điều lệ. Như trường hợp ĐHCĐ CTCP Nhựa Y tế (Mediplast) mới đây, ngoài các ứng viên do các cổ đông đề cử thì ông Chu Ngọc Tiến đã ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới không theo đề cử của HĐQT cũ với lý do là được Điều lệ công ty cho phép.

Bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ là việc làm cần thiết, góp phần từng bước xây dựng hình ảnh đẹp về thị trường chứng khoán, từng bước lành mạnh hoá môi trường kinh doanh ở Việt Nam . Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần đưa Điều lệ Công ty vào khuôn khổ của pháp luật và mạnh tay với những vi phạm của các công ty cổ phần trong việc xây dựng điều lệ công ty.