Điều lệ công ty: Quan trọng đến đâu?

Điều lệ công ty: Quan trọng đến đâu?

(ĐTCK) Nếu như Hiến pháp là luật cơ bản và quan trọng nhất của một quốc gia, thì Điều lệ công ty được xem như là “Hiến pháp” của DN đó. Quan trọng như vậy, nhưng tại nhiều DN, việc xây dựng điều lệ lại rất hình thức.

 Bài 1: Cổ đông thiểu số và cơ chế bảo vệ

Điều lệ công ty quy định những gì?

Theo Luật Doanh nghiệp 2005 (LDN), Điều lệ công ty bao gồm những vấn đề quan trọng nhất có liên quan đến tổ chức và hoạt động của DN, trong đó nổi bật là: Quyền và nghĩa vụ của thành viên/cổ đông; Cơ cấu tổ chức quản lý; Người đại diện theo pháp luật đối với công ty TNHH, CTCP; Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ… Riêng đối với công ty đại chúng/niêm yết còn được yêu cầu áp dụng Điều lệ mẫu theo Thông tư 121/2012/TT-BTC với những tiêu chuẩn cao hơn so với các công ty thông thường.

Theo quy định, Điều lệ công ty được quyền quy định khác so với LDN trong một số trường hợp như: quy định một tỷ lệ cao hơn trong việc triệu tập họp và biểu quyết thông qua Nghị quyết ĐHCĐ/HĐTV; tỷ lệ khác nhỏ hơn (Điều 79, khoản 2) hoặc quy định những vấn đề khác mà Luật chưa quy định, xuất phát từ thực tiễn tổ chức và hoạt động kinh doanh của DN.

Là “Hiến pháp” của DN nên khi có những thay đổi nội dung Điều lệ công ty, nó phải được cơ quan có thẩm quyền cao nhất là ĐHCĐ/HĐTV thông qua với tỷ lệ thể hiện ý chí của đa số cổ đông/thành viên trong DN (ví dụ: 65% hoặc 75% hoặc cao hơn); khi có tranh chấp xảy ra, quy định tại Điều lệ công ty là căn cứ pháp lý quan trọng nhất và được viện dẫn đầu tiên để các cơ quan có liên quan giải quyết tranh chấp. Vì quan trọng, nên Điều lệ công ty và những sửa đổi, bổ sung Điều lệ phải được DN thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cũng như lưu giữ tại trụ sở chính để mọi cổ đông/thành viên đều có thể tiếp cận, trích lục…

Điều lệ công ty: Quan trọng đến đâu? ảnh 1Có nhiều trường hợp lại sao chép nguyên xi bản Điều lệ của các DN nổi tiếng trên thị trường được công bố công khai trên mạng…

 

Quan trọng nhưng dễ bị bỏ qua

Quan trọng như vậy, nhưng thực tế tại nhiều DN, việc xây dựng một bản Điều lệ lại mang tính hình thức, nhất là các công ty có quy mô vừa và nhỏ. Một thực tế phổ biến của trào lưu thành lập DN “giá 1 triệu” là: Những người sáng lập (cổ đông/thành viên sáng lập) vì để tiết kiệm chi phí nên chỉ lựa chọn thành lập DN với giá thấp, họ sẵn sàng chấp nhận lựa chọn một bản điều lệ “Mẫu” được sử dụng cho việc thành lập tất cả các loại hình DN do các tổ chức/cá nhân không có nghiệp vụ tư vấn chuyên luật cung cấp trong gói thành lập DN giá rẻ. Nhiều trường hợp lại sao chép nguyên xi bản Điều lệ của các DN nổi tiếng trên thị trường được công bố công khai trên mạng…

Hậu quả của việc này là khi công ty đi vào hoạt động, hàng loạt vấn đề nội bộ và tranh chấp đã nảy sinh mà bản thân Điều lệ công ty không có hoặc quy định không đúng với thực tế tại DN. Những sửa đổi, bổ sung sau đó khiến cho công ty không chỉ mất thời gian mà cả tiền bạc. Lợi bất cập hại của việc thành lập DN giá rẻ với bản điều lệ dùng chung này, nhiều công ty hiện đang gánh chịu.

Một thực tế khác là tại nhiều DN, dù Điều lệ được lưu giữ tại Trụ sở chính, nhưng nhiều cổ đông/thành viên không tiếp cận được thông tin để xem xét, sao chép, trích lục để bảo vệ quyền lợi của mình trước những vi phạm của công ty hoặc người quản lý và điều hành. Những quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với những vi phạm về lưu giữ tài liệu như Điều lệ công ty không được ban hành càng khiến cho việc vi phạm trở nên phổ biến hơn. Nhiều trường hợp, cổ đông muốn xem xét, phải tới cơ quan ĐKKD xin trích sao Điều lệ, nên rất mất thời gian và chi phí.

Một thực tế khác là những hướng dẫn thi hành LDN và các văn bản liên quan nhiều khi không đầy đủ, không rõ ràng, quy định tùy nghi, gây khó khăn cho DN trong việc tuân thủ luật cũng như cổ đông/thành viên bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Trường hợp tại CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng là một ví dụ điển hình. Đang trong thời gian tổ chức ĐHCĐ thường niên, thì ngày 28/5/2013, nhóm cổ đông nắm 70% cổ phần tại đây lại lựa chọn tổ chức ĐHCĐ bất thường để loại bỏ Giám đốc - người đại diện theo pháp luật đương nhiệm là bà Nguyễn Thị Tuyết Len.

Theo Điều lệ Công ty và trên Giấy chứng nhận ĐKKD của CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng quy định: ”Người đại diện pháp luật, Bà Nguyễn Thị Tuyết Len, thành viên HĐQT Công ty - Giám đốc là người đại diện theo pháp luật”. Điểm e khoản 3 Điều 13 Điều lệ quy định: “Đại hội đồng cổ đông có quyền: Bầu, bãi miễn và thay thế thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát và phê chuẩn việc Hội đồng quản trị bổ nhiệm Giám đốc điều hành”. Như vậy, theo Điều lệ này thì việc thay đổi người đại diện theo pháp luật làm thay đổi nội dung Ðiều lệ Công ty và đương nhiên thuộc thẩm quyền của ÐHCĐ. Ðiều này cũng hoàn toàn phù hợp với khoản 3 Điều 38 Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký DN quy định về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật: “Kèm theo Thông báo phải có: Quyết định bằng văn bản và bản sao Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông đối với CTCP trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty làm thay đổi nội dung Điều lệ Công ty”.

Tuy nhiên, nhóm cổ đông lớn lại lập luận rằng, do khoản 1 Điều 17 Thông tư 01/2013/TT-BKH&ĐT quy định rằng: “…trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật không làm thay đổi nội dung của Điều lệ công ty ngoài nội dung họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty quy định tại khoản 15 Điều 22 Luật DN” nên không cần thông qua ĐHCĐ mà chỉ cần quyết định của HĐQT. Lập luận này cho thấy sự mâu thuẫn bởi lẽ, nếu không cần thông qua tại ĐHCĐ, thì tại sao nhóm cổ đông lớn lại trình ra xin ý kiến ĐHCĐ bất thường ngày 28/5/2013 cả 2 quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật (?!). Mặt khác, quy định tại khoản 15, Điều 22 LDN  về nội dung cần có của Điều lệ công ty là: “Họ, tên, chữ ký…. của người đại diện theo pháp luật, của các cổ đông sáng lập, người đại diện theo uỷ quyền của cổ đông sáng lập đối với CTCP” là phục vụ cho việc cơ quan ĐKKD xác định chính xác thông tin liên quan đến người đại diện theo pháp luật, của các cổ đông sáng lập, người đại diện theo uỷ quyền của cổ đông sáng lập đối với CTCP trong Hồ sơ ĐKKD/thay đổi nội dung ĐKKD của DN gửi đến (bao gồm: Đơn/Thông báo thay đổi; Danh sách; Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân của người thay thế làm đại diện theo pháp luật của công ty; Điều lệ…). Những đối tượng này không chỉ ký nhận vào từng trang Điều lệ công ty mà còn phải ký cả vào trang cuối cùng của bản điều lệ đó. Cần lưu ý rằng, Thông tư 01/2013/TT-BKH&ĐT chỉ là hướng dẫn thi hành LDN về đăng ký kinh doanh đã được quy định tại Nghị định 43/2010 về ĐKKD. Những quy định tại Điều 17 của Thông tư 01 chỉ liên quan đến hồ sơ đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của CTCP với những loại giấy tờ cần thiết phải cung cấp cho cơ quan ĐKKD.

Bên cạnh đó, thiết nghĩ, cơ quan quản lý nhà nước trong giải thích pháp luật hoặc ban hành văn bản pháp luật cũng nên có những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn, tránh tình trạng khi DN gặp phải tình trạng tranh chấp, thì lại được giải thích theo kiểu tùy nghi, tùy lựa chọn của DN. Bởi lẽ thực tế hoạt động của DN đòi hỏi những quy định pháp lý phải rõ ràng, cụ thể, không suy diễn, không tùy nghi để hạn chế tối đa tranh chấp phát sinh.

(Bài 3: Cổ phần ưu đãi: quy định đang bị lãng quên)