Pháp luật quy định chặt chẽ về giao dịch có khả năng tư lợi
Giao dịch có khả năng tư lợi là một thuật ngữ vốn không xa lạ trong lĩnh vực pháp lý doanh nghiệp – đó là những giao dịch được thiết lập giữa các chủ thể đặc biệt, một bên là chính bản thân doanh nghiệp, bên còn lại thông thường là những người quản lý hoặc những người liên quan của người quản lý.
Trong những giao dịch này luôn tồn tại nguy cơ những người quản lý doanh nghiệp có thể lợi dụng vị trí quản lý với những quyền lực được trao cho để đưa ra những quyết định kinh doanh, nhân danh doanh nghiệp chấp thuận, ký kết những hợp đồng, giao dịch với chính họ hoặc với những người liên quan của họ nhằm thu lợi cá nhân, mà không xuất phát từ việc đặt lợi ích của doanh nghiệp lên hàng đầu.
Do đó, pháp luật doanh nghiệp buộc phải đặt ra những yêu cầu chặt chẽ cùng nhiều cơ chế đa dạng để kiểm soát loại giao dịch này.
Cơ chế thứ nhất về “cơ quan có quyền chấp thuận”: Khoản 1 Điều 67 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định hợp đồng, giao dịch giữa công ty với thành viên công ty, người có liên quan của thành viên công ty phải được Hội đồng thành viên chấp thuận, mà không hề có sự phân biệt về loại giao dịch hay giá trị của giao dịch.
Như vậy, dù là giao dịch có giá trị hàng tỷ đồng hay là một giao dịch mua bán hàng hóa thông thường với giá trị vài trăm nghìn đồng thì vẫn bắt buộc phải có sự thông qua của Hội đồng thành viên – những người chủ sở hữu của công ty.
Cơ chế thứ hai về “thành viên được quyền biểu quyết”: Hợp đồng, giao dịch tại khoản 1 Điều 67 nêu trên chỉ được chấp thuận nếu có sự tán thành của số thành viên Hội đồng thành viên đại diện ít nhất 65% tổng số vốn có quyền biểu quyết; thành viên có liên quan trong các hợp đồng, giao dịch không được tính vào việc biểu quyết (theo khoản 2 Điều 67 Luật Doanh nghiệp 2014).
Điều lệ quy định vượt luật
Tuy nhiên, trên thực tiễn đã có nhiều trường hợp cố gắng tìm cách phá vỡ các cơ chế kiểm soát này thông qua quy định tại Điều lệ. Điển hình là vụ việc Công ty TNHH A có hai thành viên là Công ty X và Công ty Y. Trong đó, Công ty X và Công ty Y lần lượt nắm giữ 90% và 10% vốn điều lệ. Với tỷ lệ vốn đa số, Công ty X đã triệu tập họp Hội đồng thành viên và thông qua việc chỉnh quy định của Điều lệ liên quan đến giao dịch có khả năng tư lợi theo hướng “thành viên có liên quan trong các hợp đồng, giao dịch vẫn được tính vào việc biểu quyết để tính tỷ lệ chấp thuận thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên”.
Cách quy định như vậy nhằm hủy bỏ hoàn toàn những ý nghĩa lập pháp mà các nhà làm luật đã đề ra. Thành viên nắm đã số vốn ngang nhiên thông qua bản Điều lệ mới, từ cơ sở này, tiếp tục thông qua giao dịch có khả năng tư lợi giữa Công ty A với chính thành viên đó với tỷ lệ biểu quyết 90% đồng ý, bất kể sự phủ quyết của thành viên còn lại. Xét về nhiều khía cạnh, giao dịch này có các điều khoản bất lợi cho Công ty A, nếu được thông qua sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của chính Công ty A cũng như chủ sở hữu còn lại.
Trên phương diện pháp luật doanh nghiệp, các hành động này của Công ty X được xem là những hành vi vi phạm pháp luật, cố tình sửa đổi cả những nội dung mà Luật Doanh nghiệp 2014 đã ấn định và không được phép thay đổi. Trong vụ việc kể trên, nếu Công ty Y khởi kiện, Tòa án đương nhiên phải xem xét và có quyền tuyên bố giao dịch trên bị vô hiệu, hủy bỏ các nghị quyết đã được thông qua trái pháp luật.
Suy cho cùng trong một xã hội mà pháp luật cần được tôn trọng và đề cao, Điều lệ của doanh nghiệp dù có được ghi nhận thế nào cũng không thể cao hơn luật. Những nội dung mà pháp luật đã quy định thì bắt buộc phải thực hiện đúng, những nội dung luật trao quyền cho Điều lệ tùy nghi quy định, thì đấy mới chính là chỗ cho doanh nghiệp vận dụng, sáng tạo. Đối với những nội dung trái pháp luật dù có được biểu quyết thông qua cũng có thể bị hủy bỏ bằng phán quyết của Tòa án.