Ông Võ Văn Thưởng trao hoa và giấy chứng nhận cho các đơn vị, cá nhân quyên góp thành lập Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19. Ảnh: Q.V
1.Ngày 5/6 có lẽ là một ngày đặc biệt với không ít người Việt Nam. Tối hôm đó, nhận tin cả nước chỉ trong một ngày đã có 254 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc kể từ ngày đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng lên, lên con số 5.420 ca, những trái tim Việt đã nhói đau. Thêm một ca bệnh, nỗi lo như dày thêm.
Bởi thế, tối hôm ấy, nhiều triệu người dân Việt đã chăm chú ngồi trước màn hình tivi, không phải để xem một chương trình giải trí, hay một bộ phim như thường khi, mà để xem tường thuật trực tiếp Lễ ra mắt Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19. Bởi một khi Quỹ được thành lập, huy động tổng lực được nguồn lực của xã hội đóng góp, chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước đang phải lo toan chống dịch, thì cơ hội tiếp cận vắc-xin của hàng chục triệu dân Việt sẽ đến gần hơn. Có vắc-xin tức là có vũ khí quan trọng nhất để chống dịch.
Ai cũng hồi hộp, rồi nghèn nghẹn dõi theo. Thấy các em nhỏ, thấy cả các cụ già cũng chìa bàn tay chia sẻ những đồng tiền tiết kiệm quý giá. Không nhiều, nhưng là tấm lòng, là nghĩa cử cao đẹp biết bao nhiêu. Thấy cộng đồng xã hội, thấy các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, nơi ủng hộ vài trăm tỷ đồng, nơi vài chục, thậm chí chỉ vài tỷ, vài trăm, vài triệu, nhưng triệu trái tim đó đều chung một ý chí: Làm sao để đất Việt chống dịch thành công.
Thế nên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xúc động lắm. Ông nói rằng, đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim. Để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng. Để một lần nữa, chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch Covid-19...
Khắp năm châu, chắc chẳng có đất nước nào “lạ” như Việt Nam. Bởi thế, dư luận quốc tế không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước sáng kiến đặc biệt đó.
Tờ Nikkei Asia ngay sau đó đã bình luận rằng, sự ra đời của Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực tiêm chủng vắc-xin cho người dân.
Hãng thông tấn BBC thì nói rằng, sự ra đời của Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 là một bước đi mang tính thực tiễn, cho thấy “sự chủ động và linh hoạt” của Chính phủ Việt Nam, từ quyết định đa dạng hóa nguồn vắc-xin, bao gồm cả đầu tư phát triển vắc-xin trong nước tới chính sách xã hội hóa để đẩy nhanh tiêm chủng. Theo BBC, đây chính là “những quyết định xoay chuyển kịp thời”.
Hàng ngàn tỷ đồng đã được huy động. Và những đồng tiền quý giá vẫn đang tiếp tục chảy về quỹ. Để giúp Việt Nam có một chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất trong lịch sử trong nay mai. Để làm sao ngay cuối năm nay, có thể đạt miễn dịch cộng đồng.
Vắc-xin đang rất quý và hiếm, bởi nguồn cung còn hạn chế. Thế nên, ngay trong đêm, Chính phủ đã phải họp rồi ban hành nghị quyết về việc mua vắc-xin Pfizer của Mỹ. Vắc-xin còn thiếu nên việc tiêm chủng buộc phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Bộ Y tế vẫn nỗ lực từng ngày để phân bổ nguồn vắc-xin quý giá ấy cho từng tỉnh, thành phố, cho từng bộ ngành, cho lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch.
Mỗi mũi tiêm có khi là sinh mệnh, là cơ hội tránh bệnh dịch toàn cầu. Nhưng khi gần 1 triệu liều vắc-xin mà Chính phủ Nhật Bản trao tặng được chuyển về Việt Nam, đã gần như ngay lập tức được đưa tới TP.HCM, nơi đang là điểm nóng của dịch bệnh cả nước. Tất cả đã sẵn sàng, để trong vài ngày tới, có thể tiêm chủng cho những người dân của Thành phố mang tên Bác, giống như cách đây chưa lâu, một số lượng lớn vắc-xin được ưu tiên cho Bắc Giang, Bắc Ninh…
Không có ích kỷ, hay những toan tính nhỏ mọn. Không có chăm chăm chỉ nghĩ cho riêng mình, dù dịch bệnh đang căng thẳng biết bao, và bất cứ ai cũng đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Đã nghe có bạn trẻ nói rằng, nếu được tiêm, sẵn sàng dành lại mũi tiêm ấy cho những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, cho những người dân đang sống trong những thành phố đang quay cuồng vì dịch bệnh.
Chợt thấy lòng rưng rưng…
2. Không giống như đợt 1, đợt 2, rồi đợt 3 của dịch bệnh. Lần này, dịch “đánh” thẳng vào trung tâm sản xuất, là các khu công nghiệp, là các nhà máy, xí nghiệp, nơi tập trung vô cùng đông công nhân. Thế nên, số ca mắc bệnh tăng nhanh chưa từng có, ở Bắc Giang, Bắc Ninh và bây giờ là TP.HCM.
Bên cạnh nỗi lo sức khỏe và nỗi lo sản xuất sụt giảm, kinh tế tăng trưởng chậm lại. Điều đó là sự thật. Lo dịch bệnh, Bắc Giang đã phải tạm đóng cửa mấy khu công nghiệp, thiệt hại mỗi ngày 2.000 tỷ đồng.
Nhưng lo đứt gãy sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã đi vào tận tâm dịch, chỉ đạo các bộ ngành cùng tháo gỡ. Dồn lực hỗ trợ cho Bắc Ninh, Bắc Giang chống dịch. Tạo mọi điều kiện để phục hồi sản xuất trở lại.
Thấy nơi nọ, nơi kia quá cẩn trọng mà có những quyết định ngăn sông cấm chợ, Thủ tướng chỉ đạo phải gỡ rối. Không được để giãn cách xã hội trên diện rộng và kéo dài. Cũng không được tùy tiện cản trở các hoạt động sản xuất - kinh doanh…
5 tháng, dù tình hình kinh tế - xã hội vẫn có nhiều điểm sáng, từ xuất nhập khẩu, thu ngân sách đến sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa… Nhưng nỗi lo vẫn còn đó, khi các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại đã rõ ràng, 6 tháng dự kiến chỉ tăng trưởng 5,8%, thấp hơn các kịch bản kinh tế đã được xây dựng. Dù xuất nhập khẩu vẫn tăng, nhưng nhập siêu đang quay trở lại. Quan trọng hơn, động lực chính của tăng trưởng là giải ngân vốn đầu tư công đang chậm lại đáng kể.
Thủ tướng sốt ruột. Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cũng sốt ruột. Không đến mức trắng đêm lo từng container hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu như năm ngoái, nhưng tất cả cùng đang chung tay để vải thiều của Bắc Giang tiêu thụ tốt hơn. Để nhiều hơn nữa các doanh nghiệp có thể sớm quay lại hoạt động. Để các công nhân có chỗ ăn nghỉ tại chỗ, vừa phòng chống dịch, vừa sẵn sàng sản xuất trong điều kiện an toàn.
Các chỉ đạo liên tiếp được đưa ra. Các cuộc họp liên tục được tổ chức. Làm sao để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Phải nhanh chóng thành lập các tổ công tác để rà soát, đốc thúc. Làm sao phải nhanh chóng xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, xây Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Chỉ vài ngày sau khi được chỉ đạo, các phần việc quan trọng này đã được gấp rút tiến hành, với quyết tâm và nỗ lực rất lớn…
Lúc này đây, thực hiện mục tiêu kép vẫn vô cùng cần thiết và quan trọng. Y tế vì kinh tế, mà kinh tế phải vì y tế. Chống dịch là điều kiện tiên quyết để phục hồi sản xuất và tăng trưởng, trong khi có tăng trưởng mới có nguồn lực để chống dịch hiệu quả.
Một lần nữa, chuyện chống dịch như chống giặc, mà chống suy giảm kinh tế cũng như chống giặc được nhắc tới. Chung một lòng, chung một quyết tâm, chung một ý chí, cả nước Việt đang tiến về phía trước…
3. Giữa những ngày tháng Sáu như đổ lửa, trái tim muôn triệu người dân Việt như dịu lại khi nghe 50 nghệ sĩ cùng góp giọng trong video clip “Sức mạnh Việt Nam” để cổ vũ nơi tuyến đầu chống dịch. Lời bài hát, của nhạc sĩ Xuân Bình, nghe sao da diết mà hùng tráng vô bờ.
Rằng “Đất nước tôi lạ lắm, có những điều không giống ở nơi đâu”. Lạ lắm, bởi ở nơi ấy, “người với người như máu chảy trong tim”. Ở nơi ấy, “có những hy sinh lặng lẽ với cuộc chiến không tiếng đạn bom”. Ở nơi ấy, “Màu áo trắng thanh cao xen cùng sắc xanh áo lính, và cả dân tộc đồng lòng khi Tổ quốc gọi tên”. Ở nơi ấy, “Việt Nam quê hương tôi khi trong tim thiêng liêng hai tiếng đồng bào”. Và ở nơi ấy, trong nguy nan, đã “yêu thương sẻ chia, với bao niềm tin”.
Chỉ có ý chí Việt Nam mới làm nên sức mạnh diệu kỳ”. Có sức mạnh ấy, thì “ngày mai lại sáng tươi và nụ cười nở trên môi”.
Đúng là đất nước tôi lạ lắm. Lạ vì có những cô gái, tuổi mới 19 đôi mươi, vừa hồn nhiên viết lên tấm áo bảo hộ “chưa có người yêu”, nhưng vẫn sẵn sàng lên đường vào tâm dịch khi Tổ quốc cần. Lại có chàng bác sĩ trẻ “cười như mùa Thu tỏa nắng”, sẵn sàng cắt trọc mái đầu trước đi đến với tâm dịch Bắc Giang…
60 ngày chống dịch là biết bao hình ảnh chạm đến những trái tim.
Là cô con gái nhỏ mới 19 tháng tuổi của nữ điều dưỡng òa khóc khi nhìn thấy mẹ trên tivi. Cô bé ấy đâu biết người mẹ của mình đang thực hiện nhiệm vụ cao cả đến nhường nào ở tâm dịch Bắc Giang. Một clip chưa đầy 30 giây, nhưng đã lấy đi biết bao nước mắt của hàng triệu người dân Việt, và lay động trái tim của cộng đồng quốc tế.
Là hình ảnh những y, bác sĩ mệt nhoài, ngất xỉu trong bộ đồ bảo vệ bí bách, sũng mồ hôi. Là tấm lưng trần bỏng rát sau những ngày nắng cháy trực chiến xét nghiệm cho người dân. Là hình ảnh những y, bác sĩ đứng nghiêm trang tưởng niệm khi biết tin cha đẻ của một cán bộ đang làm việc trong bệnh viện dã chiến vừa mất. Là giữa trưa nắng, có chiến sĩ cảnh sát đứng giơ tay chào đoàn bác sĩ vừa tới chi viện cho tâm dịch Bắc Giang. Là những băng rôn nói lời cảm ơn các y, bác sĩ đã từ khắp mọi miền đất nước về đây cùng chung tay chống dịch. Là những bữa ăn vội vã. Là những giấc ngủ chưa tròn. Là muôn người dân Việt lại một lần nữa hào hiệp, đùm bọc nhau đi qua những ngày khốn khó vì Covid-19. Những thùng đồ ăn được chuyển, những cân gạo, cái bánh mì, thùng nước được gửi trao…
Những hình ảnh đó, khiến triệu người dân Việt, ai cũng thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng và cay cay nơi khóe mắt.
Hỏi có nơi nào không, tất cả mọi người dân cùng bên nhau như thế để chung tay chiến đấu với giặc Covid-19? Có nơi nào không, người dân gọi nhau bằng hai tiếng “đồng bào”, để “người với người như máu chảy trong tim”?
Việt Nam lạ thế đó. Nên như lời bài hát “Sức mạnh Việt Nam”, “chỉ có ý chí Việt Nam mới làm nên sức mạnh diệu kỳ”. Có sức mạnh ấy, thì “ngày mai lại sáng tươi và nụ cười nở trên môi…”.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!