1.
Một ngày cuối tháng 1/2018, một hội nghị về kinh tế 2017 - 2018 diễn ra tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Và có một điều khá lạ, ấy là ông Nguyễn Đình Cung, người xưa nay khá kiệm lời khen bỗng liên tiếp thốt lên những lời rằng, “rất ngạc nhiên”, “rất khác biệt” để nói về kinh tế - xã hội Việt Nam 2017.
Những điều đáng “ngạc nhiên” ấy, với ông Cung, bắt đầu ngay từ những nỗ lực cải cách thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2017 và ngay trong những ngày đầu năm 2018.
Khi mà kế hoạch thoái vốn của một số doanh nghiệp lớn, ví như Sabeco đã thành công. Khi mà một loạt bộ, ngành đã dũng cảm cắt bỏ quyền lực của mình để bãi bỏ, cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh…
Đó là những chuyển động mà ông Cung bảo, là “rất khác biệt”, bởi nó là những chuyển động tự bên trong, không quá phụ thuộc vào áp lực bên ngoài như trước.
Cũng có nghĩa, chúng ta đã cải cách, đã đổi mới vì chính chúng ta, vì doanh nghiệp, vì sự lớn mạnh của nền kinh tế. Thế nên, niềm vui trong cải cách thành công dường như nhân đôi.
Thực ra, chẳng cứ mình ông Cung, cảm xúc ngỡ ngàng, ngạc nhiên về những điều mà Việt Nam đã làm được trong năm 2017 đã hơn một lần được nhắc tới.
Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã từng nói rằng, ông đã “vỡ òa trong cảm xúc” khi cuối năm, cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế thậm chí đã vượt mọi dự báo, đạt tới 6,81%.
Chưa kể, còn là hàng loạt kỷ lục được thiết lập, từ kim ngạch xuất nhập khẩu vượt ngưỡng 400 tỷ USD, đến thu hút nước ngoài gần 36 tỷ USD, rồi gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới, cả dự trữ ngoại hối đã lên tới con số 54,5 tỷ USD…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thậm chí còn gọi năm 2017 là năm “đặc biệt” nhất trong chặng đường Đổi mới và phát triển của đất nước. Nhiều kỳ tích đã xuất hiện, thật kỳ diệu thay, bởi đầu năm, khó khăn còn chồng chất, ít ai dám mong, tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch.
Cũng nhờ thế, nhờ một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động, luôn nỗ lực vì người dân và doanh nghiệp, mà niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước được củng cố mạnh mẽ.
Niềm tin càng mạnh hơn, khi công tác phòng, chống tham nhũng chưa bao giờ được đẩy mạnh đến thế, trong cả năm 2017 và đầu năm 2018, với nhiều đại án được đưa ra ánh sáng.
Tự hào về điều đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những ngày đầu năm mới 2018 khẳng định, nhờ công tác phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, đã bước đầu khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tình trạng mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn nhắc đi nhắc lại với những day dứt khôn nguôi
“Lò” nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm “đốt lò” để đẩy lùi tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tâm đắc nói thế. Và diệu kỳ thay, không như lo nghĩ của một bộ phận người Việt Nam, rằng tập trung quá nhiều vào công tác phòng, chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng, sẽ làm “chùn”, làm “chậm” sự phát triển, thực tế đã chứng minh điều ngược lại.
Rằng những nỗ lực đó đã làm nên những thành tựu quan trọng, đáng tự hào trong năm qua. Rằng nhờ đó, đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân.
Giờ đây, không khí phấn khởi, tin tưởng đang lan rộng khắp cả nước, trở thành nguồn động lực to lớn để chúng ta hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong tương lai.
2.
Diệu kỳ thay! Đó chính là điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói về Việt Nam khi ông tới Đà Nẵng vào tháng 11/2017 để tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC và tới Hà Nội để thăm chính thức Việt Nam.
Người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thật tâm chia sẻ rằng, tới Việt Nam lần này, ông đã nhìn thấy những điều tuyệt vời. Thấy sự kỳ diệu mà đất nước Việt Nam đã làm được. “Việt Nam đã trở thành một điều kỳ diệu của thế giới”, vị Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống đã nói như vậy.
Đúng là Việt Nam đã làm được biết bao điều kỳ diệu, trong hơn 3 thập kỷ thực hiện công cuộc Đổi mới.
Thế nên, những ngày đầu tháng 11/2017, mới thấy hàng loạt chuyên cơ chở tỷ phú, những người được coi là đã làm nên diện mạo của kinh tế thế giới - tới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit).
Một hình ảnh mà vào thời điểm Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới, không một ai dám nghĩ tới.
Thế nên, Việt Nam không chỉ có một tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng - năm qua đã đứng vào top 500 người giàu nhất thế giới, mà đã có hai - ba, thậm chí là bốn - năm tỷ phú USD, những người có thể “chơi ngang ngửa” với ông chủ, bà chủ quyền lực trên thế giới. Đâu đó, người ta đã nhắc tên nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, rồi tỷ phú thép Trần Đình Long… với một sự ngưỡng mộ.
Và thế nên, Việt Nam cũng đã “chơi ngang ngửa” với nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu. Nhiều hiệp định thương mại tự do song phương thế hệ mới (FTA) đã được ký, với EU, với Hàn Quốc, với Liên minh Kinh tế Á - Âu…
Ở APEC 2017, với sự nỗ lực của Việt Nam và các nền kinh tế thành viên, một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương không có Mỹ, chỉ có 11 đối tác, đã tiếp tục được đàm phán trở lại và chính thức đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nhiều khả năng hiệp định này sẽ được ký kết vào tháng 3 tới tại Chile, mở ra cơ hội mới cho Việt Nam trong thúc đẩy phát triển kinh tế.
Điều kỳ diệu đã đến và sắp tới sẽ còn nhiều điều kỳ diệu hơn. Bởi Việt Nam, với tiếng nói và vị thế của mình, sẽ chơi sòng phẳng hơn với Mỹ, với Nhật, với châu Âu và hàng trăm nền kinh tế khác.
Bởi Việt Nam, đang thắp sáng trong tim mỗi người một khát vọng thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, trước mắt là vào năm 2035. Để khi ấy, không còn ai bị bỏ lại phía sau.
Và để Thủ tướng không còn phải nhắc đến “nỗi buồn bực của các nhà lãnh đạo”, khi mà thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ là gần 2.400 USD nữa! Khi ấy, theo kế hoạch, thu nhập bình quân của mỗi người dân có thể lên tới 15.000 USD, tính theo sức mua tương đương năm 2011.
Chính là Thủ tướng, người đã nói tới khát vọng đưa Việt Nam trở thành con hổ mới về kinh tế. Tại sao lại không chứ?!
3.
Trong muôn vàn điều kỳ diệu mà Việt Nam đã làm được trong năm qua, nếu được hỏi đâu là điều kỳ diều tuyệt vời nhất, muôn triệu người Việt Nam sẽ đồng thanh nhắc đến kỳ tích mà Đội tuyển Bóng đá U23 đã làm được tại Vòng chung kết U23 châu Á vào những ngày cuối tháng 1/2018.
Chiến thắng lớn đến nỗi, sau mỗi trận đấu, đặc biệt là khi đón các em trở về với Tổ quốc yêu thương, hàng triệu triệu người Việt Nam, khắp trong Nam ngoài Bắc, từ vùng núi tới vùng sâu… đã cùng xuống đường, mang theo cờ đỏ sao vàng và hô vang “Việt Nam”, “Việt Nam, Hồ Chí Minh!”.
Đó thực sự là cảnh tượng vĩ đại chưa từng thấy, khiến cả thế giới ngỡ ngàng và thán phục. Khiến muôn triệu người Việt Nam rưng rưng…
Kỳ diệu thay, đi giữa “muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay” (lời bài hát Đất nước trọn niềm vui), lại thấy những cái bắt tay rất chặt của những người xa lạ. Thấy trong rừng người đó, những cú va chạm giao thông cũng chỉ khiến tất cả cùng nắm tay cười xòa.
Thấy những nụ cười, những giọt nước mắt cùng chia sẻ niềm vui chiến thắng giữa ngay cả những người chỉ vừa gặp ven đường… Đã rất lâu rồi, những trái tim người Việt Nam mới lại hòa chung một nhịp, để tất cả cùng cất lên “Việt Nam ơi!”.
Đã nghe ai đó nói rằng, phải cảm ơn U23 Việt Nam, bởi hơn cả một chiến thắng, các cầu thủ đã giúp triệu triệu người Việt Nam hiểu rằng, nhận ra, trong tim mình, vẫn vẹn nguyên tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc mà bấy lâu ẩn giấu đằng sau guồng quay cơm áo, sau những toan tính vị kỷ, thấp hèn…
Phải cảm ơn U23, bởi nhờ những chiến thắng lịch sử ấy, người Việt Nam đã lại một lần nữa bên nhau, bền chặt. Bằng sức mạnh đó, tinh thần đoàn kết đó, mấy mươi năm trước, chúng ta đã chiến thắng kẻ thù xâm lược và đã vượt qua bao khó khăn để cùng nhau làm nên điều kỳ diệu Việt Nam!
Những ngày cuối năm Đinh Dậu, đi giữa dòng người ken đặc, nghe tiếng hò reo dậy đất, thấy những khuôn mặt rạng rỡ, mới nhận ra, chúng ta đang sở hữu nguồn năng lượng tươi trẻ, tràn trề lớn đến chừng nào! Khối năng lượng khổng lồ đó, nếu được khơi dậy, sẽ thực sự có thể biến Việt Nam từ một cô gái đẹp trở thành con hổ mới về kinh tế, như khát vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại sao lại không chứ?!
Chỉ cần tất cả người Việt Nam cùng có chung một khát vọng dân tộc thịnh vượng, cùng có chung một niềm tin để thực hiện khát vọng đó. Và cùng nắm tay nhau để “tự hào hát mãi lên, Việt Nam ơi”! Nếu có niềm tin tất thắng, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, thì có lẽ, chẳng có gì là không thể!
(*) Lời bài hát Việt Nam ơi!