Điều kiện tiên quyết cho việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành

0:00 / 0:00
0:00
Việc lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ được coi là điều kiện tiên quyết để VEC có thể đảm nhận vai trò chủ đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành dài 22 km.
Đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

VEC đủ lực để “gánh” dự án

Đây là quan điểm xuyên suốt của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cơ quan chủ quản của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trong Công văn số 2013/UBQLV-CNHT vừa được gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) liên quan đến phương án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành thuộc Dự án Đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Cuối tháng 8/2024, tại Thông báo số 4000/TB-VPCP, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo về mô hình hoạt động và năng lực của VEC, việc triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phương án tài chính đầu tư dự án trong trường hợp giao VEC thực hiện.

Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính báo cáo việc xử lý tăng vốn điều lệ của VEC; căn cứ pháp lý, thẩm quyền khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ thay cho VEC.

Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để đề xuất giao VEC thực hiện đầu tư Dự án; đề xuất phương án đầu tư khác (nếu có) trong trường hợp VEC không đủ điều kiện thực hiện.

“Các cơ quan nêu trên gửi báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 5/9/2024 để tổng hợp, xây dựng báo cáo gửi Thường trực Chính phủ. Sau khi có báo cáo của Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng cho phép họp Thường trực Chính phủ để xem xét quyết định việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành”, Thông báo số 4000/TB-VPCP nêu rõ.

Được biết, tại Công văn số 2013/UBQLV-CNHT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục khẳng định, VEC đủ kinh nghiệm và năng lực để được giao làm chủ đầu tư, đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án Đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành.

“Phương án VEC thực hiện đầu tư Dự án theo hình thức huy động vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác là phương án mang tính thực tiễn và khả thi nhất”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá.

Cụ thể, ngoài việc không sử dụng vốn đầu tư công, giảm áp lực đối với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, nếu giao VEC - đơn vị đang chịu trách nhiệm quản lý khai thác, vận hành, bảo trì và thu phí toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thực hiện đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành sẽ không tạo ra xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư cũ và nhà đầu tư mới.

Về năng lực tài chính của VEC, cấp trên trực tiếp của doanh nghiệp này cho biết, trong 3 năm gần nhất, tình hình tài chính của VEC có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, tổng doanh thu trong 3 năm gần nhất của VEC đạt 20.556,76 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.469,73 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 2.015,10 tỷ đồng. VEC không phát sinh các khoản nợ quá hạn, quản trị hiệu quả dòng tiền tích lũy.

Hiện nay, tại Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, VEC phải thực hiện cân đối 7.547,57 tỷ đồng thay thế vốn đầu tư công để thực hiện các hạng mục còn lại và dự kiến cân đối bổ sung 1.855,1 tỷ đồng.

“Việc thực hiện nhiệm vụ cân đối 9.402,67 tỷ đồng vốn chủ sở hữu để thực hiện Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là nguyên nhân trọng yếu khiến VEC không đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu để thực hiện Dự án Đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành”, ông Cảnh cho biết.

Nút thắt vốn chủ sở hữu

Về phương án tài chính đầu tư Dự án trong trường hợp giao VEC thực hiện, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, tổng mức đầu tư Dự án Đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành là 14.955,03 tỷ đồng (gồm lãi vay trong thời gian xây dựng), trong đó vốn chủ sở hữu 5.555,03 tỷ đồng (37%), vốn vay thương mại 9.400 tỷ đồng (63%).

Do Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành chiếm gần hết room vốn chủ sở hữu, nên để đảm bảo khả năng huy động vốn chủ sở hữu tham gia đầu tư Dự án Đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành, VEC kiến nghị khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ.

Cụ thể, VEC kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến khoản trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả từ giai đoạn 2022-2026 sang giai đoạn 2031-2034, gồm khoản tiền 3.988,76 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh tương ứng trong giai đoạn 2024-2026; khoản lãi phát sinh với khoản tiền gốc và lãi trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả giai đoạn 2012-2023.

“Trường hợp Thủ tướng chấp thuận khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ, lũy kế dòng tiền sau thuế hòa chung 5 dự án cao tốc do VEC đầu tư luôn dương (mức dương thấp nhất năm 2026 là 669 tỷ đồng).

VEC có đủ lực để bố trí khoảng 5.555 tỷ đồng để đầu tư mở rộng Dự án theo phương án đề xuất”, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông tin.

Hiện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã cam kết thu xếp cấp tín dụng cho nhu cầu vay vốn trên cơ sở VEC đáp ứng đầy đủ các điều kiện tín dụng của Vietcombank và quy định của pháp luật.

Trường hợp Thủ tướng không chấp thuận khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ, nếu đảm nhận thêm việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành, sẽ khiến giai đoạn 2026-2033 lũy kế dòng tiền sau thuế hòa chung 5 dự án bị âm, với mức âm lớn nhất là 6.241 tỷ đồng năm 2029.

“Ngoài việc không đảm bảo khả năng trả nợ khoản vay đúng kỳ hạn đã cam kết, VEC không huy động được vốn chủ sở hữu tham gia Dự án Đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành”, lãnh đạo VEC phân tích.

Tin bài liên quan