Điều kiện, thủ tục vay vốn theo Chương trình cho vay theo Nghị định 55

Điều kiện, thủ tục vay vốn theo Chương trình cho vay theo Nghị định 55

(ĐTCK) Đối tượng của Chương trình cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ là ai? Các điều kiện, thủ tục vay vốn theo chương trình này?

Trả lời:

- Nghị định 55 của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân, cư dân nông thôn.

Các lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn gồm:

(i) Cho vay các chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ;

(ii) Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn;

(iii) Cho vay để sản xuất, giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp;

(iv) Cho vay phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn;

(v) Cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới;

(vi) Cho vay các nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn;

(vii) Cho vay theo các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.

- Đối tượng khách hàng vay theo Nghị định 55 bao gồm:

+ Cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;

+ Hộ kinh doanh hoạt động trên địa bàn nông thôn;

+ Chủ trang trại;

+ Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn nông thôn hoặc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;

+ Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn, ngoại trừ các đối tượng sau: Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp khai khoáng, các cơ sở sản xuất thủy điện, nhiệt điện và các doanh nghiệp không thuộc đối tượng quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều này nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất;

+ Doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.

- Các chính sách cho vay theo Nghị định 55 gồm:

 + Quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng đối với từng đối tượng để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất nông nghiệp,...;

+ Quy định chính sách tín dụng riêng nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nội dung chính sách hỗ trợ tập trung vào quy định mức vay không có tài sản bảo đảm (đến 70-80% giá trị phương án, dự án sản xuất, kinh doanh);

+ Quy định về cơ chế xử lý khoản nợ (khoanh nợ, xóa nợ) khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng;

+ Chính sách khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp thông qua việc quy định tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng;

- Điều kiện, thủ tục vay vốn: Được thực hiện theo quy định chung về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng (hiện nay là Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2017 của NHNN).

Tin bài liên quan