Ông Đinh Ngọc Sơn, Giám đốc Tư vấn quản trị doanh nghiệp, CTCP Chứng khoán FPT:
Luật không quy định cụ thể về thời hạn tạm ứng cổ tức cho năm tài chính hiện tại (2016). Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2, Điều 132, Luật Doanh nghiệp 2014, cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau:
a) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
b) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.
c) Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
Đồng thời, theo Khoản 2, Điều 149, Luật Doanh nghiệp 2014 và điều lệ công ty thì HĐQT có thể quyết định thời gian và tỷ lệ tạm ứng cổ tức cho năm 2016 dựa trên:
- Mức cổ tức dự kiến 2016 đã được ĐHCĐ thông qua.
- Tình hình sản xuất - kinh doanh hiện tại và kết quả kinh doanh dự kiến trong năm 2016.
Trong trường hợp cụ thể này, doanh nghiệp có lợi nhuận bán niên không cao nhưng lợi nhuận chưa chia còn nhiều, HĐQT có thể thực hiện tạm ứng cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại, tuy nhiên vẫn phải căn cứ trên mức cổ tức dự kiến đã được ĐHCĐ thông qua và tình hình sản xuất - kinh doanh của công ty. HĐQT cần lưu ý, phải cân đối được nguồn tiền chi trả và các nghĩa vụ tài chính khác sau khi tạm ứng cổ tức.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên xây dựng một chính sách cổ tức lâu dài phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Trên định hướng dài hạn đó, tùy từng năm và điều kiện cụ thể, có thể điều chỉnh mức chi trả cổ tức cho phù hợp với tình hình thực tế.