Điều khoản “lạ”, hợp đồng thế chấp mất hiệu lực

(ĐTCK) Vì một điều khoản trong hợp đồng thế chấp, ngân hàng phải đáo tụng đình nhiều năm mà vẫn không xử lý được tài sản đảm bảo.

TAND TP. Hà Nội vừa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank và Công ty TNHH Toàn Cầu.

Đáng nói, vụ án bị hủy và xét xử nhiều lần vì tranh cãi xử lý tài sản đảm bảo. Đặc biệt, Giám đốc Công ty Toàn Cầu là ông Phạm Quốc T. bị bắt và đang chấp hành hình phạt tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bản án sơ thẩm thể hiện, năm 2008, Eximbank và Công ty Toàn Cầu ký hợp đồng tín dụng hạn mức 70 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh. Tháng 5/2008, Công ty có đơn xin vay vốn, Ngân hàng đã giải ngân 5 tỷ đồng để thanh toán tiền mua hàng kẽm thỏi. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của bên thứ ba thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đình A.

Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Phạm Quốc T. bị bắt. Do khách hàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Eximbank đã chuyển sang nợ quá hạn. Bên thứ ba thế chấp tài sản đã trả cho ngân hàng số tiền 51 triệu đồng nợ gốc. Đến nay, ngân hàng khởi kiện ra tòa án, buộc Công ty Toàn Cầu phải trả nợ gốc là 4,9 tỷ đồng và lãi trong hạn và lãi quá hạn, tổng cộng là 15,6 tỷ đồng.

Khi vụ án lừa đảo vỡ lở, Ngân hàng mới hay biết những thông tin góp vốn của doanh nghiệp này đều là "ảo".

Ông Phạm Quốc T. cho biết, khi Công ty hoạt động, có một số thành viên xin rút khỏi Công ty. Vì là loại hình công ty TNHH, cần phải có tối thiểu 2 thành viên, nên năm 2008, ông nhờ người đứng tên trên giấy phép. Việc này ông trao đổi bằng miệng, không có văn bản. Một mình ông đi làm thủ tục đăng ký và tự ký vào chữ ký thành viên khác. 

Lời khai này trùng với lời trình bày của đại diện pháp luật công ty. Ông này cho biết, từ khi công ty thành lập, ông không tham gia vào hoạt động công ty, không góp vốn. Biên bản họp HĐTV do người khác ký tên.

Trong khi đó, hợp đồng thế chấp tài sản cũng có điều khoản đặc biệt, nhưng không được các bên thực hiện đúng như cam kết.

Cụ thể, hợp đồng được ký kết ngày 12/5/2008 có nội dung “các điều kiện chi tiết về việc vay và cho vay số tiền trên sẽ được ghi cụ thể trong các giấy tờ về nghiệp vụ ngân hàng mà các bên sẽ ký tại trụ sở ngân hàng”.

Song bên thế chấp không được thông báo về hợp đồng tín dụng và các khế ước. Trong khi tài sản đảm bảo cho khoản vay 5 tỷ đồng là tài sản hình thành từ vốn vay. Bên thế chấp không đồng ý việc ngân hàng phát mại tài sản, đồng thời có đơn yêu cầu độc lập, đề nghị tòa buộc ngân hàng phải trả lại số tiền 51 triệu đồng và trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Do rắc rối về phần xử lý tài sản đảm bảo, vụ án bị hủy và xét xử lại lần 3. Các quyết định của tòa án đều không chấp nhận cho Ngân hàng xử lý tài sản trên. Do đó, Eximbank tiếp tục kháng cáo.

Tòa phúc thẩm cho rằng, nội dung hợp đồng thế chấp thể hiện các bên đã thỏa thuận với nhau về điều kiện của việc bảo lãnh là chủ tài sản phải được biết điều kiện chi tiết khoản vay và phải được ký trên các giấy tờ vay. Tại hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ, chỉ có hai bên ký kết là Eximbank và Công ty Toàn Cầu, không có chữ ký của bên bảo lãnh.

Hai bên cũng thừa nhận không thông báo cho chủ tài sản. Hợp đồng tín dụng không dẫn chiếu đến hợp đồng thế chấp, không xác định rõ tài sản nên không phù hợp với Điều 51, Luật Các tổ chức tín dụng.

Mặt khác, bản án hình sự có hiệu lực pháp luật cũng đã xác định rõ khoản vay trên là do Công ty Toàn Cầu sử dụng hợp đồng kinh tế khống. Đây là quan hệ dân sự trái pháp luật nên lỗi và trách nhiệm khoản vay thuộc về ngân hàng và công ty. Do hành vi trái pháp luật và hợp đồng không đúng quy định nên không làm phát sinh trách nhiệm bảo lãnh của bên thứ ba.

Tòa án phúc thẩm tiếp tục giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm. Đồng thời, buộc Ngân hàng phải trả lại số tiền 51 triệu đồng cho chủ tài sản.

Tin bài liên quan