Điều hành tỷ giá cũng cần nghệ thuật

Điều hành tỷ giá cũng cần nghệ thuật

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang rất linh hoạt trong điều hành tỷ giá, nhất là mỗi khi thị trường có dấu hiệu đầu cơ ngoại tệ manh nha xuất hiện. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, chính sách tỷ giá phải linh hoạt hơn để hỗ trợ tăng trưởng và xuất khẩu.

Chặn dấu hiệu đầu cơ

Giữa tháng 10/2017 vừa qua, Sở giao dịch NHNN 3 ngày liên tiếp giảm giá USD mua vào. Đây là lần đầu tiên, đơn vị này giảm giá mua USD tính từ khi cơ chế tỷ giá mới được áp dụng. Trước đó, gần 10 tháng đầu năm, Sở giao dịch đã 3 lần điều chỉnh tăng giá mua vào.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, từ đầu năm đến nay, tỷ giá ổn định, nguồn ngoại tệ trong hệ thống dồi dào. Chính vì vậy, NHNN tăng giá mua vào để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Thực tế, từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua về ít nhất 6 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức kỷ lục là 45 tỷ USD.

Tuy nhiên, nguồn tin này cũng cho hay, những tháng gần đây, trạng thái ngoại tệ của nhiều nhà băng tăng lên và luôn ở mức khá lớn. Dấu hiệu đầu cơ ngoại tệ của các tổ chức tín dụng cũng xuất hiện. Việc NHNN giảm giá mua vào USD đã phát tín hiệu cho thị trường rằng, nhà điều hành sẵn sàng tạo cung với giá thấp hơn trần để bình ổn khi thị trường có biến động lớn.

Ngoài ngăn chặn đầu cơ, theo phán đoán của các chuyên gia kinh tế, việc giảm giá mua vào USD có thể là động thái “phòng ngừa” của NHNN với khả năng tỷ giá nhích lên cuối năm nay và đầu năm sau. Vì khi đó, NHNN sẽ có nhiều “dư địa” hơn trong việc điều chỉnh tăng tỷ giá.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) xác nhận, việc giảm giá mua vào USD là động thái chủ động điều hành của NHNN, vừa phòng ngừa đầu cơ, vừa giảm sức ép cho tỷ giá trong những tháng cuối năm. 

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD trên thị trường biến động hầu như không đáng kể. Diễn biến bất ngờ nhất là tín dụng ngoại tệ từ đầu năm đến nay tăng vọt (tăng khoảng 13% trong 9 tháng đầu năm). Tuy nhiên, đại diện NHNN cho hay, tín dụng ngoại tệ chủ yếu là cho vay ngắn hạn với doanh nghiệp xuất khẩu, nguồn trả nợ vững vàng, nên không đáng lo thanh khoản cuối năm.

Hơn nữa, số liệu thống kê của NHNN cho thấy, năm nay, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng rất tốt. Ngoài nguồn thu từ kiều hối, giải ngân vốn FDI và ODA, xuất khẩu, thì người dân và các tổ chức kinh tế bán ra một lượng lớn ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng, khiến nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào. 

Có nên thay đổi chính sách tỷ giá?

Bắt đầu từ đầu năm 2016, chính sách tỷ giá đã được điều hành theo cơ chế mới, neo vào giỏ tiền tệ, thay vì mỗi USD. Diễn biến tỷ giá nhờ thế cũng ít giật cục hơn, bám sát thị trường hơn. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng, chính sách tỷ giá vẫn còn cứng nhắc, chủ yếu neo vào USD và cần phải thay đổi.

“Theo quan điểm của cá nhân tôi, chính sách tỷ giá từ năm 2016 đến nay, nếu nhìn từ mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng là chưa hiệu quả, chưa thúc đẩy cạnh tranh hàng hoá trong nước, hỗ trợ xuất khẩu. Nói cách khác, chính sách tỷ giá hiện nay chưa phải là chính sách tốt nhất cho Việt Nam”, ông Phạm Thế Anh (Trường đại học Kinh tế quốc dân) nhận xét.  

ảnh 1

Theo chuyên gia này, tỷ giá thực hiện tăng khá mạnh trong khi tốc độ tăng năng suất của Việt Nam không theo kịp, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Hơn nữa, việc duy trì chính sách tỷ giá ổn định cũng không chống được lạm phát, minh chứng là trước đây, dù tỷ giá ổn định thì lạm phát vẫn tăng.

Ngoài ra, nhược điểm nữa là cơ chế tỷ giá hiện nay khiến các cú sốc của kinh tế toàn cầu bị “truyền dẫn” vào nền kinh tế trong nước, mà không thể làm tốt vai trò “vùng đệm”, nhằm giảm các tác động xấu từ bên ngoài.

Chính vì vậy, theo TS. Phạm Thế Anh, cần chuẩn bị lộ trình cho một cơ chế tỷ giá mới: thả nổi có quản lý. Theo đó, NHNN phải hiện đại hóa và tăng thanh khoản cho thị trường ngoại hối; neo thật vào giỏ tiền tệ (thay vì vẫn chủ yếu neo vào USD như hiện nay); dần bỏ tỷ giá trung tâm, xác lập tỷ giá theo cung cầu ngoại tệ của thị trường...

Tuy vậy, phản bác ý kiến này, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, tỷ giá là vấn đề phức tạp, nếu chỉ dựa vào cán cân thương mại hay mức tăng của tỷ giá thực mà đánh giá hiệu quả của chính sách tỷ giá là chưa chuẩn xác.

Bên cạnh đó, việc thả nổi tỷ giá tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trên thực tế, trong tất cả các nước tuyên bố thả nổi tỷ giá, chỉ có khoảng 20% quốc gia là thả nổi thật. Đa số các quốc gia đều rất sợ thả nổi tỷ giá, bởi khi đó, nguy cơ bị tấn công tiền tệ rất cao, khủng hoảng kinh tế châu Á trước đây là ví dụ điển hình.   

Hiện tại, chính sách tỷ giá của NHNN được đa số các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng tán thành việc cần nghiên cứu thêm để có những điều chỉnh cần thiết. Bởi với tỷ giá, điều hành không chỉ dựa vào khoa học, mà còn cần cả một... nghệ thuật.

Tin bài liên quan