Thời cơ và thách thức
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo đảm sự ổn định, an toàn hoạt động hệ thống.
Việc điều hành CSTT của NHNN đã góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, tạo cơ sở vững chắc để kiểm soát lạm phát bình quân dưới mục tiêu 4%, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% - một điểm sáng thành công của Việt Nam trong năm 2017.
Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”; Bloomberg cũng đánh giá Việt Nam đồng là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á.
Khởi đầu năm 2018, kinh tế thế giới tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng khả quan, xu hướng phục hồi tiếp tục được dẫn dắt từ nền kinh tế Mỹ và khu vực các nước mới nổi và đang phát triển. Giá hàng hóa cơ bản, trong đó giá dầu, giá lương thực thực phẩm tiếp tục xu hướng gia tăng, dù tốc độ có chậm lại so với năm 2017.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi, lạm phát và giá hàng hóa cơ bản có xu hướng tăng, ngân hàng trung ương (NHTW) các nước phát triển thực hiện CSTT theo hướng thận trọng hơn, từng bước thắt chặt hoặc dỡ bỏ các biện pháp kích thích tiền tệ quy mô lớn được áp dụng trong những năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trên bình diện cả năm 2018, các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi tích cực, tuy nhiên rủi ro vẫn hiện hữu do tiến trình đàm phán Brexit, tính bất định trong môi trường kinh tế từ phản ứng chính sách khó lường của một số nước, căng thẳng địa chính trị, bảo hộ thương mại (đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc) ảnh hưởng bất lợi đến chu chuyển thương mại toàn cầu và động lực cạnh tranh; giá cả thế giới có xu hướng tăng tạo áp lực lên lạm phát; thị trường tài chính thế giới được dự báo có những diễn biến phức tạp, tình trạng “bong bóng” giá một số loại hình tài sản tài chính cao hơn cả những thời điểm khủng hoảng tài chính trước đây.
Kinh tế trong nước có các yếu tố thuận lợi nhưng cũng đan xen nhiều thách thức. Năm 2018, Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát CPI bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5-6,7%.
Các thành quả đạt được trong năm 2017 và nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đã và đang được thị trường phản ứng tích cực, tăng trưởng kinh tế tiếp tục đà hồi phục vững chắc, luồng vốn vào tiếp tục thuận lợi.
Lạm phát được kiểm soát ổn định liên tục từ năm 2012 đến nay giúp neo vững kỳ vọng lạm phát, củng cố niềm tin của nền kinh tế và giới đầu tư vào đồng Việt Nam.
Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn gặp không ít khó khăn. Xu hướng bảo hộ thương mại của các nước và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là các yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam thông qua các kênh thương mại và đầu tư, hoạt động xuất khẩu, lợi thế về lao động gặp khó khăn do chịu cạnh tranh mạnh hơn từ các nước và xu hướng thay đổi cơ bản về quan hệ sản xuất do cuộc cách mạng 4.0 mang lại.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, lạm phát trong nước bị tác động bởi xu hướng tiếp tục gia tăng giá hàng hóa thế giới và lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, tiêu dùng tăng do tổng cầu của nền kinh tế khởi sắc, thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh có thể kích thích hiệu ứng chi tiêu do giá tài sản tăng và kỳ vọng lạc quan về triển vọng kinh tế dưới tác động của hiệp định thương mại tự do (FTA).
Bên cạnh đó, trên thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu, CSTT thận trọng của các NHTW cộng hưởng với diễn biến phức tạp của đồng USD sẽ có thể tác động không thuận lợi đến điều hành CSTT. Để xử lý và hóa giải các áp lực và rủi ro đó đòi hỏi cần theo dõi sát diễn biến lạm phát và tiếp tục có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tài khóa - tiền tệ - quản lý giá để kiểm soát lạm phát 4% theo mục tiêu đặt ra, từ đó có nền tảng vững chắc để duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô.
Đảm bảo hoàn thành mục tiêu
Cụ thể hóa mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước; từ đầu năm 2018, NHNN đặt ra mục tiêu điều hành CSTT trong năm 2018 chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; bảo đảm thanh khoản của các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối.
Với định hướng điều hành CSTT nêu trên, dự kiến trong năm 2018, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, để đạt được các mục tiêu CSTT nêu trên, trong năm 2018, NHNN tiếp tục phối hợp điều hành đồng bộ các công cụ, giải pháp CSTT nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; cụ thể:
Thứ nhất, điều hành CSTT nhằm ổn định lạm phát phù hợp với mục tiêu 4% trong năm 2018 trong điều kiện giá hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá dầu mỏ biến động và có rủi ro tăng; lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý vẫn đang được triển khai; dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào trong nước để tham gia các thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước lớn; tiêu dùng nội địa và thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt có thể dẫn đến áp lực cầu kéo lên lạm phát,… là bài toán phức tạp đặt ra cho năm 2018, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa CSTT, chính sách tài khóa và chính sách quản lý giá của Nhà nước.
Thứ hai, dòng vốn vào tiếp tục xu hướng tăng trưởng nhờ hoạt động thu hút vốn FDI, FII mạnh mẽ, cộng hưởng với việc bán vốn nhà nước đang diễn ra thuận lợi…, một mặt giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối nhưng mặt khác gây áp lực cho NHNN trong việc trung hòa lượng tiền mặt đưa ra lưu thông do mua ngoại tệ nhằm đảm bảo các mục tiêu CSTT, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo định hướng, năm 2018, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng khoảng 17%
Thứ ba, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến lạm phát và thị trường tiền tệ. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, NHNN điều hành các công cụ CSTT hỗ trợ TCTD có điều kiện để thực hiện các giải pháp phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khả quan, cầu vốn của nền kinh tế tiếp tục gia tăng, đặc biệt nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (nhất là vốn trung dài hạn) phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng cũng đặt ra thách thức cho các TCTD trong việc quản trị, cân đối vốn và tác động đến sự vận hành hiệu quả, bền vững của thị trường tiền tệ.
Trong điều kiện như vậy, để đạt được mục tiêu ổn định và giảm mặt bằng lãi suất hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, đòi hỏi phải có các giải pháp mang tính dài hạn, căn bản để hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp; cụ thể cần tiếp tục đẩy nhanh triển khai các chính sách, giải pháp phát triển thị trường trái phiếu, chứng khoán - kênh dẫn vốn trung, dài hạn trong nền kinh tế, giảm dần sự lệ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng (đặc biệt là tín dụng trung dài hạn); tiếp tục triển khai quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, và tăng cường xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.
Đồng thời, bản thân nội lực các doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại hoạt động, cải thiện khả năng tài chính, năng lực cạnh tranh để nâng cao mức độ tín nhiệm cho doanh nghiệp, qua đó nâng cao được khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Thứ tư, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước và mục tiêu CSTT, ổn định thị trường ngoại tệ, từ đó tạo điều kiện để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi thị trường thuận lợi. Phối hợp đồng bộ linh hoạt các công cụ CSTT, tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ CSTT để duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức hợp lý, góp phần hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, nâng cao vị thế và giá trị VND.
Thứ năm, với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2018 khoảng 17%, NHNN tiếp tục thực thi các giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo hướng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng gắn với triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách.
Đồng thời, NHNN thực hiện kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, qua đó đảm bảo hoạt động của các tổ chức tín dụng phát triển bền vững, lành mạnh. Tiếp tục kiên trì thực hiện lộ trình hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, kiểm soát nhu cầu vay vốn ngoại tệ.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp với chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi CSTT. Chính sách tài khóa và tiền tệ là hai chính sách vĩ mô quan trọng trong tổ hợp chính sách của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Theo đó, trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường tài chính tiền tệ, kế hoạch phát hành và giải ngân trái phiếu chính phủ của Kho bạc Nhà nước, NHNN chủ động, kịp thời có các giải pháp trong điều hành CSTT đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý, góp phần thực hiện tốt các chính sách kinh tế vĩ mô theo mục tiêu tổng thể Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Thứ bảy, NHNN tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phân tích, dự báo, nghiên cứu để phục vụ công tác điều hành CSTT nhằm ứng phó với những biến động bất lợi từ môi trường bên ngoài, như quá trình bình thường hóa CSTT của các nước phát triển, biến động giá cả hàng hóa thế giới, chính sách điều chỉnh thuế của Chính phủ Mỹ, các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và một số quốc gia khác, sự gia tăng hội nhập thương mại từ việc triển khai các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (Hiệp định CPTPP vừa được ký kết ngày 8/3/2018)...
Thứ tám, việc điều hành CSTT liên quan mật thiết đến việc điều tiết, định hướng kỳ vọng thị trường về chính sách cũng như các công cụ chính sách, do đó công tác truyền thông là một trong những biện pháp hỗ trợ tích cực CSTT của các NHTW trên thế giới nói chung và NHNN nói riêng.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục phát huy công tác định hướng chính sách, cơ chế truyền thông hiệu quả để tạo nên một kênh tiếp cận thông tin chính thống cho các chủ thể tham gia thị trường, tạo sự đồng thuận trong nền kinh tế đối với chính sách vĩ mô của Chính phủ nói chung và điều hành CSTT của NHNN nói riêng.