Mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ kinh tế tăng trưởng

Mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ kinh tế tăng trưởng

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, thích ứng với diễn biến vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bối cảnh quốc tế và trong nước những tháng đầu năm 2024 có những thuận lợi nhưng cũng đặt ra rất nhiều khó khăn và thách thức đối với công tác điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, trong đó có việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Bức tranh vĩ mô trong và ngoài nước

Trên thế giới, tình trạng bất ổn an ninh, chính trị tiếp tục leo thang tại một số quốc gia, khu vực, nhất là xung đột tại Ukraine, Trung Đông, dải Gaza, biển Đỏ… đe dọa an ninh khu vực và quốc tế, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu và gây rủi ro đối với hoạt động kinh tế, thương mại của các nước.

Mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh tăng lên mức 3,2% trong tháng 4/2024, tăng 0,1% so với dự báo hồi tháng 1/2024, tuy nhiên quá trình phục hồi diễn ra không đồng đều. Tăng trưởng tại các nước phát triển được dự báo ở mức 1,7%, cao hơn mức 1,6% của năm 2023, trong khi đó tăng trưởng tại các nước mới nổi và đang phát triển dự báo ở mức 4,2%, chậm lại so với mức 4,3% của năm 2023. Nhiều tổ chức quốc tế khác như WB, UN, OECD đều dự báo tăng trưởng kinh tế giới năm 2024 thấp hơn năm 2023. Giá hàng hóa cơ bản biến động phức tạp trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang; trong đó, giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tháng 3 - 4/2024 tăng liên tục sau 7 tháng giảm liên tiếp, giá dầu WTI tăng khoảng 12% so với cuối năm 2023.

Bối cảnh này càng tạo thêm áp lực khiến lạm phát mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn dai dẳng tại nhiều nước và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Tại Mỹ, xu hướng lạm phát giảm chậm hơn dự kiến dẫn đến kỳ vọng Fed giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn và sẽ chỉ có 1 - 2 lần cắt giảm lãi suất thay vì 4 lần trong năm 2024. Lãi suất USD duy trì ở mức cao khiến đồng USD quốc tế tăng mạnh (chỉ số USD-Index cuối tháng 4/2024 tăng gần 5% so với cuối năm 2023), tạo áp lực mất giá lên đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, vốn đang trong tiến trình phục hồi yếu sau đại dịch. Một số ngân hàng trung ương tại châu Á (như Indonesia, Nhật Bản…) phải điều chỉnh tăng lãi suất để hạn chế biến động dòng vốn và tỷ giá trong ngắn hạn. Thiên tai, biến đổi khí hậu… tiếp tục tác động nặng nề tới nhiều khu vực và quốc gia trên toàn cầu.

Trong nước, những diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực tạo ra nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế trong nước, cộng hưởng với những vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý triệt để. Trước tình hình đó, bám sát các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và xác định năm 2024 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng, ngày 15/1/2024, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2024. Trong đó, NHNN đề ra mục tiêu “điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 bình quân khoảng 4 - 4,5%, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng”.

Tiếp tục định hướng dòng vốn tập trung vào sản xuất - kinh doanh

Tiếp tục định hướng dòng vốn tập trung vào sản xuất - kinh doanh

Theo đó, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ những tháng đầu năm 2024 cụ thể như sau:

Năm nhóm giải pháp điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm

Thứ nhất, điều hành linh hoạt, chủ động nghiệp vụ thị trường mở nhằm ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Từ đầu năm 2024 đến nay, NHNN duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá trên nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày với khối lượng, kỳ hạn phù hợp để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá ở mức 4,0 - 4,25%/năm. Đồng thời, NHNN tiếp tục thực hiện phát hành tín phiếu NHNN để hỗ trợ thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Hiện các giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng hoạt động thông suốt, lãi suất liên ngân hàng ngày 16/5/2024 kỳ hạn qua đêm là 3,94%/năm, 1 tuần là 4,21%/năm, 2 tuần là 4,54%/năm, 1 tháng là 4,51%/năm.

Thứ hai, tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay để đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Kết quả, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại tiếp tục xu hướng giảm khoảng 0,4 - 1,0%/năm so với cuối năm 2023, sau khi đã giảm hơn 2,5%/năm trong năm 2023.

Thứ ba, trong bối cảnh tỷ giá có áp lực tăng khi tâm lý thị trường chịu tác động tiêu cực từ kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất cao lâu hơn, áp lực đồng USD quốc tế tăng giá mạnh và nhu cầu USD tăng để phục vụ nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất trong nước, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài, kết hợp đồng bộ với phát hành tín phiếu NHNN để điều tiết lượng tiền VND dư thừa, góp phần giảm bớt mức chênh lệch lãi suất âm giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng, hạn chế áp lực gia tăng lên tỷ giá. Bên cạnh đó, từ ngày 19/4/2024, NHNN đã thực hiện bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng, qua đó hỗ trợ thanh khoản nhằm phục vụ các nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, bình ổn tâm lý thị trường, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, từ đầu năm 2024 đến đầu tháng 5, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 4,9% so với cuối năm 2023, tương đồng với xu hướng chung của thế giới, ở mức trung bình và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư, điều hành tăng trưởng tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 khoảng 6 - 6,5% và lạm phát khoảng 4 - 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, đồng thời có các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2024 tăng thấp so với các năm gần đây, chủ yếu do yếu tố thời vụ vào các tháng đầu năm, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, rủi ro nợ xấu tăng. Trong bối cảnh đó, NHNN khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng, tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành và Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì nhằm đề xuất, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp và người dân phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ năm, tích cực triển khai công tác truyền thông nhằm neo giữ kỳ vọng, ổn định tâm lý thị trường trong những thời điểm thị trường có biến động, từ đó nâng cao hiệu quả công tác điều hành chính sách tiền tệ. Đồng thời, phối hợp hài hòa, chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác; thường xuyên trao đổi thông tin, dự báo tình hình trong nước và quốc tế với các bộ, cơ quan liên quan để kịp thời đề xuất các giải pháp điều hành phù hợp, đảm bảo mục tiêu xuyên suốt, nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chủ động, thích ứng với các diễn biến kinh tế vĩ mô

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nhờ các giải pháp kịp thời, hiệu quả của NHNN và Chính phủ cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng trong việc giảm lãi suất cho vay, kinh tế trong nước đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực. GDP quý I/2024 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, là mức tăng cao nhất của quý I từ năm 2020 đến nay và cao hơn so với kịch bản điều hành của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2024.

Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu Quốc hội đề ra, bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 3,93% so với cùng kỳ năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 2,81%; kỳ vọng lạm phát được neo vững; thị trường tiền tệ, ngoại tệ duy trì ổn định và hoạt động thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, góp phần hỗ trợ các hoạt động kinh tế, thương mại. Tính chung 4 tháng, nền kinh tế xuất siêu 8,4 tỷ USD; vốn FDI đăng ký và giải ngân tiếp tục tăng so với cùng kỳ, trong đó vốn FDI giải ngân đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,4% - là mức tăng cao nhất của 4 tháng trong 5 năm qua.

Những kết quả tích cực kể trên cho thấy các giải pháp kịp thời của Chính phủ và NHNN đã phát huy hiệu quả, góp phần hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, nâng cao sức chống đỡ trước những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong nước và quốc tế đối với Việt Nam.

Trong những tháng còn lại của năm 2024, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo và tạo thách thức, áp lực lớn lên công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

Điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, bám sát mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ triển khai quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, đảm bảo an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tin bài liên quan