Hình mẫu phác họa về chiếc xe tự hành của Apple. Ảnh: Freepik

Hình mẫu phác họa về chiếc xe tự hành của Apple. Ảnh: Freepik

Điều gì khiến tham vọng xe điện của Apple đổ bể?

0:00 / 0:00
0:00
Dù là công ty lớn thứ hai thế giới, Apple vẫn không thể hiện thực hóa giấc mộng xe điện, bất chấp việc hãng đã đầu tư 10 tỷ USD trong suốt 10 năm ròng rã.

Ý tưởng về một chiếc xe tự hành hoàn toàn

Theo Bloomberg, vào đầu năm 2020, nguyên mẫu về mẫu ô tô điện đầu tiên của Apple đã được định hình. Đó là chiếc xe có tông màu trắng làm chủ đạo với các cạnh được bo tròn, phần trần được làm hoàn toàn bằng kính. Khi đó, ban lãnh đạo của Apple tự tin sẽ ra mắt chiếc xe vào năm 2025.

Trong phiên bản thương mại hóa, các kỹ sư của Apple dự kiến còn đưa vào trong chiếc xe một màn hình TV cỡ lớn, hệ thống âm thanh hiện đại và cửa sổ tự điều chỉnh màu sắc. Thậm chí, không gian nội thất bên trong xe còn được định hướng thiết kế tương tự các mẫu phi cơ cá nhân.

Không dừng lại ở đó, ban lãnh đạo của công ty yêu cầu chiếc xe phải có khả năng tự hành cấp độ 5. Đây là mức độ cao nhất, chiếc xe khi này sẽ vận hành tự động trong mọi tình huống và điều kiện mà không cần con người can thiệp. Với cấp độ này, chiếc xe sẽ không có tay lái, chân ga và chân phanh.

Tuy nhiên, việc hiện thực hóa một tham vọng lớn như vậy là điều không dễ dàng. Ông Jeff Williams, Giám đốc vận hành của Apple, thừa nhận rằng mẫu xe còn phải tinh chỉnh rất nhiều. Một số nhân viên quản lý của dự án đã đề xuất giảm mục tiêu xe tự hành xuống cấp độ 3. Mức độ này yêu cầu người lái vẫn phải trực tiếp điều khiển xe theo cách truyền thống trong một số trường hợp. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Apple đã từ chối đề nghị này và kiên quyết muốn chiếc xe có khả năng tự hành hoàn toàn.

Bản thiết kế gần đây nhất của mẫu xe điện Apple có tên gọi là I Beam. Sản phẩm có hình dạng như một chiếc kén với các phần mặt kính cong, phần cửa xe được làm theo dạng cánh mòng biển. Tuy nhiên, đây cũng là bản thiết kế cuối cùng được rò rỉ. Sau 10 năm với 10 tỷ USD “rót” vào nghiên cứu và phát triển, thương hiệu “táo cắn dở” đã chấp nhận từ bỏ việc phát triển ô tô điện vào ngày 27/2/2024.

Những vấn đề mà tiền không thể giải quyết

Steve Jobs là người đầu tiên đưa ra ý tưởng sản xuất ô tô tại Apple. Sau cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008, khi các công ty xe hơi của Mỹ đang trên bờ vực phá sản, “táo khuyết” còn có ý định mua lại cả General Motors. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã nhanh chóng bị loại bỏ, do hãng muốn tập trung nhiều hơn vào iPhone.

Đến năm 2014, để tìm kiếm nguồn doanh thu hàng trăm tỷ USD mới, CEO Tim Cook lại bắt đầu “ngắm nghía” thị trường ô tô. Vào thời điểm này, Apple đã cân nhắc việc mua lại Tesla. Tuy nhiên, thương vụ này cũng đã sớm đổ bể, do ông Luca Maestri, Giám đốc tài chính của Apple, lo ngại tỷ suất lợi nhuận của ngành ô tô quá thấp và không đáp ứng được kỳ vọng của công ty.

Ngoài Tesla, “táo khuyết” còn trực tiếp làm việc với Mercedes. Tương tự các thương vụ trước, kế hoạch hợp tác này cũng không thành công. Nguyên nhân đến từ việc ban lãnh đạo Apple tự tin rằng, công ty có thể sản xuất được các mẫu xe điện mà không cần sự trợ giúp từ phía bên ngoài.

“Nhà táo” cũng đã ngỏ ý với BMW, McLaren, Canoo… nhưng kết quả thu được vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Dù là một công ty hàng đầu thế giới nhưng Apple vẫn luôn đơn độc trong cuộc đua xe điện. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tham vọng của công ty tiêu tan sau 10 năm ròng rã.

Không chỉ vậy, một lý do khác khiến Apple thất bại đến từ việc nội bộ công ty không có sự đồng lòng. Trong nỗ lực sản xuất xe điện, Apple đã lập ra một nhóm riêng vào năm 2014 để thực hiện dự án với tên gọi là Project Titan. Ông Dan Riccio, người đứng đầu các đội ngũ làm phần cứng cho iPhone, iPad, iPod… đã tiếp tục được giao trọng trách dẫn dắt đội ngũ kỹ sư của Apple sản xuất xe điện.

Tuy nhiên, Dan Riccio đã gặp phải khó khăn lớn trong việc huy động nhân sự, khi đa phần các kỹ sư giỏi của công ty đang tập trung làm việc cho các dự án “làm ra tiền” như iPhone hoặc Apple Watch. Khó khăn vẫn chưa dừng lại, Project Titan còn phải trải qua nhiều sóng gió, bởi sự bất đồng nội bộ.

Giám đốc tài chính của công ty luôn nghi ngờ về sự thành công của dự án xe điện. Trong khi đó, ông Craig Federighi, Giám đốc kỹ thuật phần mềm của Apple, lại coi đây là một kế hoạch phù phiếm. Giám đốc thiết kế của Apple khi đó là Jony Ive lại nghi ngờ về khả năng tự hành của chiếc xe. Phía Giám đốc marketing lại cảm thấy không hài lòng, vì chiếc xe có thiết kế không giống một mẫu ô tô truyền thống.

Cuối cùng, dự án Project Titan đã bị hủy bỏ vào đầu năm nay. Đa phần nhân sự của mảng xe điện đã được điều chuyển sang bộ phận trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, “mối lương duyên” giữa Apple và xe hơi vẫn chưa chấm dứt, khi hãng vẫn còn ứng dụng CarPlay. Theo một số thông tin rò rỉ, phần mềm này sẽ có sự nâng cấp lớn cả về giao diện và tính năng. Phiên bản mới của CarPlay sẽ được Apple công bố trong sự kiện WWDC 2024 được tổ chức vào tháng 6 tới đây.

Tin bài liên quan