Mỹ, Trung Quốc, Anh và Ukraine là những nguồn tiềm năng cho các đợt thanh lý như vậy, cũng như các chủ nợ sẽ nhận được Bitcoin từ sàn giao dịch tiền điện tử Mt. Gox đã sụp đổ. Theo phân tích, đó là một phần của khoản dư thừa 33 tỷ USD của nguồn cung Bitcoin.
Công ty nghiên cứu Kaiko ước tính chính phủ Mỹ nắm giữ khoảng 203.220 Bitcoin, tiếp theo là 190.000 của Trung Quốc, 61.200 của Anh và 46.350 của Ukraine. Các chính phủ tịch thu Bitcoin trong các vụ án hình sự, trong khi Ukraine được cho là đã nhận được các khoản quyên góp để giúp tài trợ cho quốc gia này sau khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra.
Lực bán có khả năng tăng đột biến
Sàn giao dịch tiền điện tử Mt Gox đã ngừng hoạt động sẽ phân phối 142.000 Bitcoin cho các chủ nợ trước thời hạn vào tháng 10.
Mt. Gox là một sàn giao dịch tiền mã hóa đã phá sản vào năm 2014 có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản. Đây từng là sàn giao dịch lớn nhất thế giới khi xử lý tới hơn 70% tổng lượng giao dịch Bitcoin toàn cầu. Tuy nhiên, sàn giao dịch này đã phải tuyên bố phá sản do gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến bảo mật và quản lý. Trải qua 10 năm, vào ngày 05/07/2024, Mt. Gox chính thức thông báo hoàn trả Bitcoin cho chủ nợ. Sàn sẽ gửi qua tài khoản của họ trên các sàn giao dịch đã được chọn lọc trước và họ có thể bán ngay nếu muốn.
Một phiên tòa phục hồi dân sự đã cấp cho các chủ nợ tùy chọn nhận số tiền nợ của họ bằng tiền điện tử, thay vì giá thị trường tiền tệ pháp định của Bitcoin vào tháng 4/2014, khi sàn giao dịch này nộp đơn xin phá sản.
Các nhà phân tích lo ngại rằng đợt phân phối sắp tới có thể khiến nhiều chủ nợ bán Bitcoin mà họ nhận được trên các sàn giao dịch sau khi họ sở hữu.
“Nguồn cung dư thừa đã là chủ đề trên thị trường tiền điện tử trong suốt mùa hè…có một số người nắm giữ nổi bật có thể là nguồn áp lực bán tiềm năng trong những tháng tới”, các nhà phân tích Adam Morgan McCarthy và Dessislava Aubert của Kaiko cho biết.
Mặt khác, sàn giao dịch tiền điện tử FTX sụp đổ cũng có thể tác động đến thị trường tiền điện tử. Vào ngày 28/8, FTX cho biết sau khi bán hết tài sản còn lại, họ sẽ có tới 16,3 tỷ USD để trang trải các khoản nợ cho các chủ nợ hiện ở mức khoảng 11 tỷ USD.
Tổng giám đốc điều hành John Ray III cho biết: "Chúng tôi rất vui khi được đề xuất một kế hoạch phá sản theo Chương 11, trong đó xem xét việc hoàn trả 100% số tiền yêu cầu phá sản, cộng với tiền lãi cho các chủ nợ không phải là chính phủ”.
Trái ngược với khoản thanh toán bằng tiền điện tử của Mt Gox, các chủ nợ của FTX có khả năng nhận được từ 14 - 16 tỷ USD bằng tiền pháp định, tùy thuộc vào sự chấp thuận của tòa án phá sản. Giám đốc thông tin của DeFiance Capital, Arthur Cheong cho rằng, một phần trong số các khoản tiền này có thể quay trở lại thị trường tiền điện tử.
"Dự kiến ít nhất 3-5 tỷ USD thanh khoản từ tiền điện tử sẽ được đưa trở lại thị trường", ông nhận định
Thanh khoản suy yếu
Nỗi lo ngại về lực bán tăng mạnh đi kèm với tình trạng thanh khoản trên thị trường Bitcoin suy yếu có thể khuếch đại sự biến động giá để phản ứng với các giao dịch lớn. Bitcoin đã giảm khoảng 8% trong tháng 8 trong khi các chỉ số cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu đã tăng khoảng 2%.
Sean Farrell, người đứng đầu chiến lược tài sản kỹ thuật số tại Fundstrat Global Advisors cho biết: “Khối lượng giao dịch Bitcoin trên thị trường giao ngay vẫn ở mức thấp, góp phần vào hành động giá hỗn loạn gần đây”.
Bitcoin đã gặp khó khăn vào tháng 8 mặc dù dòng tiền ròng chảy vào các quỹ ETF Bitcoin giao ngay của Mỹ và kỳ vọng ngày càng tăng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tuần tới.
Bối cảnh ETF
Bối cảnh giao dịch cũng trở nên khó khăn hơn đối với các ETF Bitcoin của Mỹ. Theo các chiến lược gia của JPMorgan, điều đó dựa một phần vào tỷ lệ Hui-Heubel, được cho là cung cấp thông tin chi tiết về tính thanh khoản bằng cách đo số lượng giao dịch cần thiết để giá thay đổi.
"Thật đáng kinh ngạc khi số liệu này đã xấu đi đối với tất cả các ETF Bitcoin giao ngay kể từ tháng 3, chỉ ra sự suy giảm chung về tính thanh khoản của ETF Bitcoin giao ngay trong sáu tháng qua", các nhà phân tích của JPMorgan cho biết.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, tổng khối lượng giao dịch hàng ngày của các ETF Bitcoin của Mỹ đã giảm xuống dưới 2 tỷ USD từ mức đỉnh điểm hơn 10 tỷ USD vào tháng 3.
Hoạt động thanh lý Bitcoin tăng
Đà sụt giảm gần đây của giá Bitcoin đã thúc đẩy việc thanh lý đáng kể các vị thế mua trên các sàn giao dịch tiền điện tử. Biến động đã dẫn đến việc thanh lý hơn 32 triệu USD trong các vị thế Bitcoin trong 24 giờ qua, phần lớn là hơn 21 triệu USD các vị thế mua.
Theo dữ liệu của CoinGlass, thị trường tiền điện tử nói chung đã chứng kiến hơn 86 triệu USD trong các vị thế mua trong 24 giờ qua bị thanh lý. Điều này góp phần vào hơn 131 triệu USD tổng số tiền thanh lý trên các sàn giao dịch tiền điện tử lớn.
Thanh lý có xu hướng xảy ra trong những biến động giá bất ổn, chẳng hạn như sụt giảm giá bất ngờ. Khi giá tăng mạnh, nhiều nhà giao dịch có thể buộc phải thanh lý các vị thế bán khống do giá trị tài sản tăng đột biến. Điều này có thể làm gia tăng sự biến động chung của thị trường, gây ra hiệu ứng dây chuyền và có khả năng gây ra sự gia tăng đáng kể trong biến động giá.