Điều gì cản trở sự phục hồi kinh tế của Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
Việc tuân thủ chưa hiệu quả các quy tắc báo cáo doanh nghiệp ở cả khu vực tư nhân và khu vực công đã gây khó khăn cho việc điều chỉnh của thị trường đối với các điều kiện đang thay đổi ở Việt Nam, cản trở sự phục hồi kinh tế.
Điều gì cản trở sự phục hồi kinh tế của Việt Nam?

Tăng trưởng kinh tế chậm lại

Kết quả kinh tế của Việt Nam năm 2022 vượt kỳ vọng, nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh và tiêu dùng nội địa phục hồi sau những năm khó khăn vì Covid-19. Tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ trong và ngoài nước đã giúp tăng trưởng kinh tế đạt 8%, chỉ đứng sau Malaysia ở Đông Á và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, sự phục hồi đã mất đà vào đầu năm nay. Nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam yếu đi, khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho các ngân hàng thương mại vay tiền đã tăng từ mức gần 0% vào tháng 4/2022 lên 5% vào tháng 6/2023 - mức cao nhất trong 15 năm. Bất chấp việc tăng lãi suất, lạm phát vẫn ở mức cao trên toàn thế giới, ngay cả khi giá năng lượng giảm.

Trong khi người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn, thì nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giảm mạnh từ cuối năm 2022. Xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu năm 2023 giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Nhu cầu bên ngoài yếu đi kèm với khó khăn trong nước. Tăng trưởng cầu nội địa chậm lại khi lãi suất tăng lên để ổn định thị trường ngoại tệ. Sự sụt giảm mạnh của thị trường bất động sản làm tăng áp lực lên các nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp phải gánh khoản nợ quá lớn trong thời kỳ đại dịch.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hành động nhanh chóng trong những tháng cuối năm 2022 để xoa dịu thị trường tài chính, nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục thua lỗ, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 là 3,72%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây dự báo Việt Nam chỉ tăng trưởng 4,7% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 5,8% mà IMF dự báo vào tháng 4/2023.

Sự suy giảm cầu trong và ngoài nước trong năm nay là kết quả của các chính sách tiền tệ được áp dụng trong đại dịch, cùng với ảnh hưởng của xung đột ở Nga - Ukraine và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Các ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất và bơm tiền mặt tràn ngập thị trường trong thời kỳ đại dịch để ngăn chặn các vụ phá sản hàng loạt trong thời gian phong tỏa và giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp và hộ gia đình đã đảo các khoản nợ với lãi suất thấp hơn và vay các khoản vay mới để vượt qua khó khăn cho đến khi thu nhập trở lại bình thường. Chính sách này đã phát huy tác dụng, giữ cho nhiều doanh nghiệp lẽ ra đã phải đóng cửa, vẫn tồn tại được.

Tác động tiêu cực của việc nới lỏng tiền tệ là tạo ra bong bóng tài sản trên thị trường bất động sản, chứng khoán. Chỉ số S&P 500 (chỉ số chứng khoán dựa trên vốn hóa của 500 công ty đại chúng lớn nhất) ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi giá trị kể từ khi bắt đầu đại dịch vào tháng 3/2020, lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 2021. Giá nhà ở Mỹ đã tăng 42% từ tháng 12/2019 đến 6/2022 dù thu nhập của các hộ gia đình giảm sút.

Những bong bóng tài sản này không thể duy trì khi đối mặt với lãi suất tăng và thanh khoản chặt chẽ hơn. Các công ty đã vay quá nhiều trong thời kỳ đại dịch và các nhà đầu tư đã đầu cơ vào các tài sản rủi ro đều gặp khó khăn về tài chính.

Do sự thiếu minh bạch về tài chính doanh nghiệp

Bong bóng tài sản là một phần bình thường của chu kỳ kinh doanh. Vấn đề đối với nền kinh tế vĩ mô là giá tài sản giảm có tác động tiêu cực đến bảng cân đối kế toán của các tổ chức tài chính, khiến họ phải cắt giảm cho vay đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Sự thiếu minh bạch về tài chính doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến thị trường thứ cấp đối với trái phiếu và các khoản vay không phát triển được ở Việt Nam.

Các ngân hàng trung ương có thể giảm bớt quá trình điều chỉnh bằng cách cung cấp tín dụng bổ sung cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đối với các tài sản tốt. Tuy nhiên, không thể thực hiện quy trình này nếu khó định giá tài sản của ngân hàng, bởi vì tài khoản tài chính của những đơn vị đi vay lớn thường là không chính xác.

Sự thiếu minh bạch về tài chính doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến thị trường thứ cấp đối với trái phiếu và các khoản vay không phát triển được ở Việt Nam. Rất khó để ấn định giá cho các tài sản tài chính nếu nhà đầu tư không thể chắc chắn về khả năng tồn tại và ổn định của người đi vay.

Khu vực công cũng không tránh khỏi những vấn đề này. Trong thời kỳ đại dịch, các doanh nghiệp nhà nước lớn đã cung cấp một số dịch vụ công quan trọng bằng cách giữ ổn định giá nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Những biện pháp bình ổn giá này tương đương các khoản trợ cấp công quy mô lớn, nhưng không được ghi nhận như vậy trong tài khoản quốc gia. Thay vào đó, chúng xuất hiện dưới dạng lỗ trong dòng tiền của các doanh nghiệp nhà nước.

Thâm hụt ngân sách của Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ vượt quá 3,4% GDP trong thời kỳ đại dịch, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực. Các khoản vay trong ngân sách được giữ ở mức thấp, nhưng làm ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp nhà nước lớn đang phải đối mặt với áp lực tài chính.

Nếu các doanh nghiệp nhà nước lớn tiêu quá nhiều tiền, thì họ không thể thực hiện các dự án đầu tư thiết yếu. Điều này có thể có tác động tiêu cực đến tăng trưởng, vì các doanh nghiệp này hoạt động trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Những ngân hàng thương mại nhà nước cần phải chữa bảng cân đối kế toán của mình, sẽ không muốn tham gia các dự án của những doanh nghiệp như vậy.

Thiếu minh bạch là một giải pháp ngắn hạn thường dẫn đến chi phí dài hạn nặng nề. Nợ có thể ẩn trong bảng cân đối kế toán một thời gian, nhưng việc này không thể làm các khoản nợ biến mất. Kế toán chính xác và đầy đủ hơn, trong cả khu vực công và tư nhân, sẽ tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn thứ cấp rất cần thiết cho việc tăng nguồn cung tài chính dài hạn trong nước.

Tin bài liên quan