Khi triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 theo yêu cầu của ngành Y tế các cơ sở cần thực hiện theo đúng hướng dẫn chuyên môn, đảm bảo tiêm chủng đúng đối tượng, đúng thời hạn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vừa có quyết định điều chuyển 20.000 liều vắc-xin trong tổng số 43.700 liều vắc-xin AstraZeneca phòng Covid-19 cấp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đợt 2 cho 9 địa phương khác.
Ngoài 5.000 liều cấp cho Lào Cai, 15.000 liều còn lại được cấp cho 8 tỉnh khu vực Tây Nam bộ. Trong đó, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng, mỗi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 3 tỉnh này nhận 2.000 liều. 5 tỉnh còn lại gồm: Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, mỗi tỉnh nhận 1.800 liều.
Bộ Y tế yêu cầu Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện điều chuyển vắc-xin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đến Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc và miền Nam để cung ứng cho các địa phương, đơn vị theo danh sách.
Khi triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 theo yêu cầu của ngành Y tế, các cơ sở cần thực hiện theo đúng hướng dẫn chuyên môn, đảm bảo tiêm chủng đúng đối tượng, đúng thời hạn.
Trong quá trình đi kiểm tra công tác chống dịch Covid-19 tại khu vực Tây Nam bộ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long rất lo ngại vì số lượng người nhập cảnh qua đây Cần Thơ tăng chóng mặt. Theo đó, riêng trong tháng 4 đã tăng gấp đôi so với tháng 2.
Đặc biệt, tỷ lệ ca bệnh dương tính từ người nhập cảnh tại Cần Thơ rất cao, tăng 10-13 lần so với tháng 1/2021; trong khi đó, kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân Covid-19 về từ nước láng giềng cho thấy có đến gần 86 % bệnh nhân mang biến thể phát hiện tại Anh và 14,3% mang biến thể Nam Phi.
Với nguy cơ bùng phát dịch thường trực, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP. Cần Thơ rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống dịch.
Theo yêu cầu của người đứng đầu ngành Y tế, Cần Thơ cần tiến hành khoanh vùng và xét nghiệm trên diện rộng nhưng phong toả trên diện hẹp, để làm được điều này thì năng lực chuyên môn và hậu cần phải chuẩn bị sẵn. Cần Thơ phải xác định không chỉ làm tốt chống dịch ở địa phương mình, mà còn phải hỗ trợ các tỉnh khác trong khu vực.
Thành phố cũng cần tập trung nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm. Sở dĩ như vậy là do dịch Covid-19 lây nhiễm thầm lặng, khi phát hiện thì đã lan rộng. Do đó càng phát hiện sớm, càng cách ly khoanh vùng sớm, càng giảm thiểu được thiệt hại của dịch bệnh với kinh tế xã hội.
“Cần giám sát, sàng lọc, xét nghiệm và phát hiện sớm ca bệnh nghi nghờ tại các khu vực trọng yếu của các cơ sở y tế, vì ca bệnh hay được phát hiện ở bệnh viện”, Bộ trưởng Bộ Y tế đặc biệt yêu cầu.
Ngoài ra, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế, Cần Thơ phải chuẩn bị kịch bản về cơ sở cách ly. Bài học đắt giá trong phòng chống dịch là nếu chúng ta cách ly cùng 1 thời điểm nhiều người, trong 1 khu vực thì nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly là không tránh khỏi.
“Chuẩn bị cách ly tập trung từ tuyến phường, xã nhưng phải đảm bảo đúng quy định. Phải hành động nhanh, quyết liệt và kiểm soát tốt tình hình dịch tại địa phương để kiểm soát tốt lây nhiễm trong cộng đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP Cần Thơ và các địa phương kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 và coi như đang có dịch; đồng thời coi công tác phòng chống dịch Covid-19 là một nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm kiểm soát và khống chế nếu dịch xảy ra.
Tính đến 16 giờ ngày 26/04/2021, cả nước đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho 259.736 người là cán bộ, nhân viên y tế tại 42 tỉnh, TP.