Khu công nghiệp Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế

Khu công nghiệp Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế

Điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Phú Bài - Thừa Thiên Huế giai đoạn IV

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố về các nội dung điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV.

Theo đó, Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV sẽ được điều chỉnh quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch từ 515,3 ha thành 497,55 ha nhằm phù hợp với quy mô Khu công nghiệp Phú Bài đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế tại Văn bản số 962/TTg-KTN ngày 19/6/2014.

Điều chỉnh phạm vi ranh giới lập quy hoạch nhằm phù hợp với hiện trạng sử dụng đất theo hướng giảm khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng, tránh ảnh hưởng tác động tới dòng chảy của sông Phú Bài và kết nối giao thông khu vực giai đoạn IV với Tỉnh lộ 15, đường tránh Quốc lộ 1A. Định hướng trong tương lai khi tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan hoàn thành, hướng kết nối ra Tỉnh lộ 15 sẽ tiếp cận đường cao tốc nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh.

Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng để đảm bảo giữ lại khu vực nghĩa địa tập trung có quy mô và các công trình tâm linh, tạo được sự đồng thuận của người dân trong khu vực quy hoạch, tăng khả năng thu hút đầu tư cho Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV.

Vị trí Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV tại xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế có phạm vi ranh giới như sau: Phía Bắc giáp đường tránh phía Tây thành phố Huế; Phía Nam giáp đồi núi, hồ Khe Lời, đường dân sinh và sông Ông Giá; Phía Ðông giáp khu dân cư xã Thuỷ Phù; Phía Tây giáp đồi núi và Tỉnh lộ 15. Quy mô lao động dự kiến khoảng 40.000 người.

Về tính chất, Khu công nghiệp Phú Bài là Khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế, với vị trí tiếp giáp với tuyến đường tránh Quốc lộ 1 và có vị trí thuận lợi trên tuyến đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan nối 3 tỉnh, thành phố miền Trung là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đã Nẵng. Do đó, với việc đưa vào vận hành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào năm 2021, sẽ tạo ra các động lực để phát triển kinh tế miền Trung.

Trong đó, Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ giải quyết các nhu cầu đầu tư xây dựng cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng về quy mô sử dụng đất, hướng đến hình thành khu công nghiệp hiện đại, xanh, sạch và phát triển bền vững của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.

Về định hướng phát triển, Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV là khu công nghiệp tổng hợp xanh, sạch, công nghệ tiên tiến, bố trí các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, bao gồm, các ngành nghề sau: Điện và Điện tử; Công nghệ sinh học; Thực phẩm, tiêu dùng nhanh; Kho vận; Cơ khí chính xác, chế tạo máy; Dược phẩm; thiết bị và sản phẩm y tế; Vật liệu mới; Tài chính, ngân hàng, phần mềm dữ liệu...

Thêm vào đó, một số dịch vụ phục vụ hoạt động khu công nghiệp (văn phòng, hội nghị, căn tin,...); một số ngành công nghiệp khác sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại.

Định hướng các khu chức năng của Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV, thị xã Hương Thủy được chia thành 2 phân khu chức năng, làm cơ sở quản lý, lập quy hoạch chi tiết hoặc phân khu theo từng giai đoạn phát triển.

Cụ thể, Khu công nghiệp phía Bắc (đợt 1), bao gồm các chức năng chính: Nhà máy xí nghiệp sản xuất, kho bãi, khu hành chính công cộng, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh công viên ven sông Phú Bài, sông Phú Bài và hành lang bảo vệ sông;

Khu công nghiệp phía Nam (đợt 2), bao gồm các chức năng chính: Nhà máy xí nghiệp sản xuất, khu hành chính công cộng, dịch vụ, cây xanh công viên tập trung, khu hạ tầng đầu mối kỹ thuật, kho bãi… 

Không gian kiến trúc, cảnh quan khu công nghiệp được tạo lập và gắn kết hài hòa với nhiều cây xanh, mặt nước nhằm tạo ra môi trường làm việc tốt cho người lao động, bao gồm khu vực hành chính, dịch vụ công cộng; khu vực nhà máy, nhà xưởng sản xuất; khu vực nhà kho, bến bãi; khu vực cây xanh cảnh quan, công viên tập trung.

Tin bài liên quan