Đối với dự án Cảng hàng không Quảng Trị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh uỷ, ý kiến của các chuyên gia để nghiên cứu điều chỉnh phù hợp nhất các nội dung liên quan trước khi trình hội đồng thẩm định liên ngành Trung ương và Bộ Giao thông Vận tải thẩm định hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án…
Ngày 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa nghe báo cáo ý tưởng điều chỉnh Quy hoạch chung Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị và Cảng hàng không Quảng Trị.
Điều chỉnh Khu kinh tế Đông Nam theo hướng phát triển mới
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tỉnh Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 11/10/2016 với tổng diện tích đất tự nhiên là 23.792 ha bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 17 xã, thị trấn phía Đông Nam của tỉnh Quảng Trị, thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh.
Sau 5 năm thực hiện, tỉnh Quảng Trị đã thu hút đầu tư và triển khai nhiều dự án động lực quan trọng như: Trung tâm Điện khí LG Hải Lăng (1.500MW), Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 (1.200MW), Nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Quảng Trị (340MW), Cảng hàng không Quảng Trị, Khu bến cảng Mỹ Thủy, Khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú, Kho cảng Xăng dầu Hải Hà, Kho cảng Xăng dầu Việt Lào, Trung tâm dịch vụ hậu cần và logistics; Đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế, Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây..., đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh nói chung và Khu kinh tế Đông Nam nói riêng.
Hiện nay, trong Khu kinh tế đã triển khai một số quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng như: Khu công nghiệp đa ngành; khu phi thuế quan; khu dịch vụ, hậu cần cảng; khu đô thị; khu dịch vụ - du lịch; khu phức hợp năng lượng... với tổng diện tích 11.660ha/23.792 ha, chiếm tỷ lệ khoảng 49% diện tích khu kinh tế.
Ngoài ra, có một số quy hoạch do các Sở, ngành và địa phương cấp huyện, xã triển khai như quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch chi tiết... Việc triển khai thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong Khu kinh tế đã làm cơ sở thu hút đầu tư và triển khai các dự án đầu tư quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần tăng thu ngân sách và thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại nền kinh tế.
Theo Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, sau khi rà soát thực trạng sử dụng đất, tình hình thu hút đầu tư cũng như định hướng xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam trong tình hình mới đã phát sinh nhiều yếu tố mới có tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị và định hướng phát triển Khu kinh tế mà đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế đã phê duyệt chưa có.
Đồng thời đã nảy sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập trong việc triển khai thu hút đầu tư dự án vào Khu kinh tế nên đã gặp nhiều khó khăn vướng mắc, không thể thực hiện được. Vì vậy, cần phải điều chỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển mới.
Theo đại diện Công ty Sakae Corporate Advisory Pte Ltd và Công ty Meinhardt Planners (Singapore) Pte Ltd (đơn vị tư vấn) trình bày ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tỉnh Quảng Trị và định hướng phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050”.
Quy hoạch được duyệt gồm 4 phân khu chức năng: Khu trọng tâm phát triển các dự án động lực (11469ha); Khu phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ven biển và đô thị (2221ha); Khu Phát triển đầu mối hạ tầng cấp vùng (trọng tâm là cảng hàng không sân bay Quảng Trị) (3400ha); Khu Phát triển nông nghiệp công nghệ cao và dự trữ phát triển mở rộng vùng động lực (6702ha).
Ý tưởng đề xuất phân chia lại thành 4 khu chức năng gồm Khu sân bay Quảng Trị (3936 ha); Khu du lịch sinh thái (6778 ha); Khu Công nghiệp – Năng lượng (7537 ha); Khu Nông nghiệp & Hỗn hợp (7106 ha).
Định hướng điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đề xuất thay đổi định hướng sân bay và hình thành đô thị Sân bay gần TP. Đông Hà, Quốc lộ 1A và hành lang kinh tế Đông Tây. Hình thành các đảo du lịch sinh thái tạo sức mạnh tổng hợp với phát triển du lịch ven biển và sân bay. Xác định các chiến lược phòng chống lũ lụt (ao giữ nước-hồ nhỏ, kênh mương) khi cần thiết. Chuyển đổi các khu dự trữ sang công nghiệp để mở rộng công nghiệp và tạo ra các thị trấn dân cư nơi các khu dân cư hiện tại và các khu dân cư mới có thể phát triển một cách có kiểm soát…
Sau khi nghe các đơn vị tư vấn báo cáo dự án và phương án điều chỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị Lê Quang Tùng đề nghị đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ để thông qua quy hoạch tỉnh, đồng thời lồng ghép quy hoạch tỉnh với các quy hoạch tổng thể để có tính thuyết phục cao hơn.
Đôn thúc triển khai các dự án về cảng biển
Trước đó, làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị (ngày 7/9) đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải (GTVT) do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang làm trưởng đoàn về triển khai thực hiện các dự án liên quan đến cảng biển trên địa bàn tỉnh này.
Đoàn công tác của Bộ GTVT khảo sát hiện trường địa điểm quy hoạch khu cảng chuyên dùng Triệu Lăng, huyện Triệu Phong |
Cụ thể, đoàn công tác của Bộ GTVT đã đi khảo sát hiện trường các dự án đầu tư thuộc Cảng biển Quảng Trị gồm: Khu bến cảng Mỹ Thủy, cảng chuyên dùng Triệu Lăng, cảng chuyên dùng Nam Cửa Việt, khu bến Vịnh Mốc và nghe các đơn vị liên quan báo cáo về tiến độ các dự án.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579 năm 2021, Cảng biển Quảng Trị là cảng biển loại II, thuộc nhóm cảng biển số 2 gồm các khu bến Cửa Việt, khu bến Mỹ Thủy và các khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão. Tại buổi làm việc, các nhà đầu tư và UBND tỉnh báo cáo tiến độ triển khai và công tác phối hợp triển khai các dự án cảng biển tại Quảng Trị, đặc biệt là khu bến cảng Mỹ Thủy.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, cho hay UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ tỉnh sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển cảng biển để thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa phương; cần có chính sách hỗ trợ tỉnh trong việc nạo vét luồng Cảng Cửa Việt thường xuyên bị bồi lấp nặng; tính toán đưa vào quy hoạch để hình thành khu neo đậu tránh trú bão Vịnh Mốc, không chỉ phục vụ tàu thuyền trong tỉnh mà còn cho các địa phương lân cận.
Thảo luận tại buổi làm việc, đoàn công tác đề nghị UBND tỉnh thống nhất định hướng quy hoạch cảng biển Quảng Trị giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; tích hợp đồng bộ quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; quản lý chặt chẽ lộ trình quy hoạch; thu hồi các dự án chậm triển khai.
Về khu bến cảng Mỹ Thủy gồm nhiều bến cảng phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được xã hội hóa đầu tư toàn bộ kết cấu hạ tầng bao gồm cả kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng (luồng, vùng đón trả hoa tiêu, đê kè chắn sóng, chắn cát).
Vì vậy, quá trình đầu tư cần yêu cầu nhà đầu tư cam kết đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng công cộng theo đúng định hướng quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, mặt nước, đường bờ, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án và thuận lợi trong việc điều động tàu vào/ra cảng, đảm bảo an toàn hàng hải.