Điều chỉnh kế hoạch kinh doanh: Bên tăng vọt, bên giảm sâu

Điều chỉnh kế hoạch kinh doanh: Bên tăng vọt, bên giảm sâu

(ĐTCK) Sắp hết năm 2018, nhưng không ít doanh nghiệp đã và đang điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, trong đó chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận thay đổi rất mạnh.

Đại hội đồng cổ đông bất thường Công ty cổ phần Chăn nuôi Phú Sơn (PSL) vừa thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2018 từ lỗ sang lãi. Cụ thể, Công ty điều chỉnh mục tiêu doanh thu từ 131 tỷ đồng lên 152 tỷ đồng, trong khi sản lượng lợn giống, lợn thịt giữ nguyên. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế điều chỉnh tăng vọt lên lãi 6 tỷ đồng so với kế hoạch lỗ 6 tỷ đồng ban đầu.

Đáng chú ý, PSL sẽ chuyển một phần quỹ đầu tư phát triển sang lợi nhuận chưa phân phối (cuối năm 2017 là 114 tỷ đồng) để chi tạm ứng cổ tức năm 2018 bằng tiền, với mức 50% vốn điều lệ. Giữa năm 2018, PSL đã tạm ứng cổ tức bằng tiền 15%, dù năm 2017 lỗ lũy kế 21,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PSL tiếp tục không có giao dịch, giá bất động ở mức 38.500 đồng/cổ phiếu trong 6 phiên liên tiếp. Trong phiên cuối tuần qua, có nhà đầu tư bán ra cổ phiếu PSL với giá 38.000 đồng/cổ phiếu, nhưng mức giá đặt mua cao nhất chỉ là 33.400 đồng/cổ phiếu. Trong vòng 6 tháng qua, cổ phiếu này dao động trong khoảng 30.000 - 38.500 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản rất thấp. Được biết, cổ đông lớn nhất của PSL là Tổng công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai, tỷ lệ sở hữu 73,56%.

Cổ phiếu C47 của Công ty cổ phần Xây dựng C47 có diễn biến tích cực hơn so với PSL về thanh khoản, nhưng giá vẫn “lình xình” sau khi Đại hội đồng cổ đông bất thường cuối tháng 11/2018 thông qua việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm nay từ 21,5 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng và Hội đồng quản trị cam kết thực hiện được kế hoạch này. Phần lớn lợi nhuận dự kiến đạt được đến từ thanh lý tài sản, các khoản đầu tư của Công ty.

Với Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC), sự bứt tốc về kế hoạch lợi nhuận năm 2018 của Công ty không khiến giới đầu tư ngạc nhiên, bởi trước đó, PNC công bố chuyển nhượng thành công tài sản có giá trị nhất là phần vốn tại CGV Việt Nam (2 đợt chuyển nhượng).

Theo đó, PNC điều chỉnh giảm mục tiêu doanh thu từ 800 tỷ đồng xuống 714 tỷ đồng, nhưng mục tiêu lợi nhuận tăng 8 lần, lên 162,3 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn thu từ đợt thoái vốn gần như sẽ được Công ty dùng để thanh toán nợ và trả cổ tức năm 2018 bằng tiền mặt, tỷ lệ 20%.

Trên sàn, giá cổ phiếu PNC đang ở mức cao nhất trong vòng 6 tháng, 16.800 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất là gần 12.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh).

Ngược lại, không ít doanh nghiệp khác điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2018. Chẳng hạn, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre (DBT) quyết định giảm mục tiêu doanh thu từ 750 tỷ đồng xuống 700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế từ 41,3 tỷ đồng xuống 26,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính là do biến động tỷ giá và giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao. Trong khi đó, giá bán đầu ra giảm vì Công ty phải giảm giá hàng thầu nhằm đảm bảo tính cạnh tranh cho hàng hóa, còn nhóm sản phẩm mới lại không triển khai được theo đúng tiến độ. Nội dung này đã được Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 6/12 biểu quyết thông qua.

Trong ngày 6/12, giá cổ phiếu DBT đứng giá tại mức 12.800 đồng/cổ phiếu, phiên sau đó giảm còn 12.300 đồng/cổ phiếu. Trong vòng 6 tháng, giá cổ phiếu này cao nhất là 13.500 đồng/cổ phiếu, thấp nhất là 11.500 đồng/cổ phiếu.

Hay Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC), ngày 5/12/2018 có nghị quyết về việc giảm mục tiêu lợi nhuận năm 2018 từ 58 tỷ đồng xuống 48,9 tỷ đồng. Nguyên nhân là Công ty chủ động chưa bán 19 căn nhà chia lô tại dự án Hoàn Cầu do nhìn nhận dự án có vị trí tốt, giá trị thặng dư sẽ tăng theo thời gian. Gần đây, giá cổ phiếu PHC dao động nhẹ dưới ngưỡng 14.000 đồng/cổ phiếu.

Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Cencon Việt Nam (CEN) cũng điều chỉnh giảm sâu kế hoạch kinh doanh năm 2018. Trong đó, chỉ tiêu doanh thu giảm từ 160 tỷ đồng xuống 90 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm từ 19 tỷ đồng xuống 3,6 tỷ đồng, nhưng cổ tức dự kiến tăng từ 5% lên 15%.

Ngoài ra, CEN thay đổi kế hoạch tăng vốn điều lệ, kế hoạch cũ là tăng vốn từ hơn 13 tỷ đồng lên 299 tỷ đồng, nhưng kế hoạch mới là tăng lên mức 43,7 tỷ đồng, thông qua phát hành hơn 3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ chào bán là 1:2.34, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong vòng 4 tháng qua, giá cổ phiếu CEN liên tục có diễn biến giảm, từ hơn 200.000 đồng/cổ phiếu xuống 15.000 đồng/cổ phiếu vào phiên 6/12, phiên 7/12 nhích lên 15.200 đồng/cổ phiếu. 

Tin bài liên quan