Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc

0:00 / 0:00
0:00
Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc có mục tiêu xây dựng tuyến kết nối Lai Châu và tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Bộ GTVT vừa có tờ trình đề nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ (sau khi chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được phê duyệt).

Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án từ 5.339,591 tỷ đồng lên 6.046,658 tỷ đồng, trong đó tăng vốn đối ứng từ 988,577 tỷ đồng lên 1.643,692 tỷ đồng (tăng 655,115 tỷ đồng); tăng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc từ 101,683 tỷ đồng lên 153,635 tỷ đồng (tăng 51,953 tỷ đồng).

Các nội dung khác giữ nguyên như Quyết định số 949/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

Được biết, trên cơ sở Quyết định số 949, ngày 17/9/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định phê duyệt đầu tư số 2034/QĐ-BGTVT, trong đó xác định chi phí giải phóng mặt bằng là 311,991 tỷ đồng.

Theo kết quả cập nhật đến nay, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.020,341 tỷ đồng (tăng 708,350 tỷ đồng), gồm: chi phí đền bù, hỗ trợ di dời người dân, chi phí chương trình phục hồi thu nhập và chi phí tổ chức thực hiện… là 685,636 tỷ đồng; chi phí hỗ trợ xây dựng khu tái định cư là 62,946 tỷ đồng; chi phí di dời công trình hạ tầng kỹ thuật là 256,263 tỷ đồng; trồng rừng thay thế là 15,496 tỷ đồng.

Trước đó, để hỗ trợ cho Bộ GTVT chuẩn bị dự án, ADB đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ GTVT để chuẩn bị Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi trình ADB và phía Việt Nam phê duyệt, làm cơ sở đàm phán, ký kết Hiệp định vay cho Dự án khoảng 1,8 triệu USD.

Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật do ADB lựa chọn đã thiết kế tuyến đường cơ bản bám theo tim tuyến đường cũ, tim tuyến được xác định trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000, không tiến hành đo đạc bình đồ và trắc ngang chi tiết.

Theo số liệu kết quả khảo sát của Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật vào giai đoạn đầu năm 2018, khối lượng đền bù bao gồm diện tích đất cần thu hồi là 73,6 ha, bao gồm đất thổ cư, đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và lâu năm; có 957 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 30 hộ gia đình sẽ phải di dời và tái định cư tái định cư. Phương án tái định cư được lựa chọn là tự tái định cư trong các khu tái định cư có sẵn của địa phương.

Trên cơ sở đó, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật đã tính toán, xác định kinh phí bồi thường, hỗ trợ và TĐC của Dự án là khoảng 362 tỷ đồng (đã bao gồm dự phòng và trượt giá).

Để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi (do Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật của ADB thực hiện) cho phù hợp với quy định của Việt Nam, Bộ GTVT đã bố trí vốn đối ứng là 23,5 tỷ đồng để thuê tư vấn trong nước thực hiện.

Tư vấn đã thực hiện điều tra, thu thập; khảo sát địa hình; khảo sát tuyến, nút giao; khảo sát địa chất công trình; khảo sát mỏ vật liệu, bãi đổ thải, khảo sát giao thông… Trong đó sử dụng lại số liệu nghiên cứu của Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật bao gồm: các lỗ khoan địa chất, khảo sát đường cứu nạn, khảo sát thủy văn, số liệu điều tra giải phóng mặt bằng.

Do vậy, số liệu về khối lượng giải phóng mặt bằng đã được Tư vấn trong nước sử dụng nguyên số liệu của Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng tổng mức đầu tư của Dự án, theo đó kinh phí giải phóng mặt bằng là 311,991 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng và trượt giá).

Do giai đoạn lập dự án đầu tư (thiết kế cơ sở), Tư vấn trong nước đã tận dụng hoàn toàn số liệu giải phóng mặt bằng của Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật mà không thực hiện rà soát, chuẩn xác lại số liệu, đơn vị quản lý dự án cũng chưa rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi trình Bộ GTVT phê duyệt dẫn đến có sự sai khác lớn về khối lượng giải phóng mặt bằng, làm tăng kinh phí giải phóng mặt bằng thêm 708,350 tỷ đồng.

Tại thời điểm đó, việc chuẩn bị dự án cần khẩn trương thực hiện để đảm bảo thời gian ký được Hiệp định vay vốn ADF (vốn ODA cuối cùng) của ADB trước ngày 31/12/2018 nhằm tận dụng nguồn vốn vay rẻ ADF của ADB trước khi Việt Nam tốt nghiệp ADF vào ngày 01/01/2019. Do đó, việc tận dụng lại số liệu về giải phóng mặt bằng của Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật (khảo sát, ước tính sơ bộ) để đưa vào hồ sơ hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi, không lường trước được sự phức tạp của địa hình miền núi nên đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật có sự chênh lệch lớn khối lượng giải phóng mặt bằng và tăng kinh phí giải phóng mặt bằng.

Hiện Bộ GTVT đã cân đối vốn đối ứng 655,115 tỷ đồng để bổ sung cho chi phí giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT.

Do Dự án có chiếm dụng rừng nhưng do được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương từ ngày 1/8/2018 (trước khi ban hành Nghị định số 156/2018/NĐ-CP) nên không thực hiện chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Hiện nay, khi Dự án thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương có Dự án đi qua (gồm Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái) hoàn thiện hồ sơ chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, làm cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến trong tháng 7/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Thủ tướng Chính phủ nội dung này.

Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc bao gồm việc xây dựng tuyến kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Điểm đầu (Km0+000) tại nút giao IC14 của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Thời gian thực hiện Dự án là từ ngày 5/6/2019 đến ngày 31/12/2024; địa điểm thực hiện dự án: các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái.

Tin bài liên quan