Cụ thể, khái toán tổng chi phí giải phóng mặt bằng của Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản vào khoảng 4.031 tỷ đồng, tăng 1.195 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư; Dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông - Vận tải làm cơ quan chủ quản là khoảng 3.668 tỷ đồng, tăng 1.488 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư; Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản là 3.208 tỷ đồng, tăng 989 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư.
Như vậy, chi phí giải phóng mặt bằng của Dự án đã tăng vượt tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 59/2022/QH15.
Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện Dự án, việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư phải được báo cáo Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương theo quy định. Song cho đến nay, chỉ có Dự án thành phần 3 đủ cơ sở để xác định chính xác chi phí giải phóng mặt bằng tăng thêm.
Đối với các Dự án thành phần 1 và 2, hiện các cơ quan chức năng của Đồng Nai vẫn chưa có cơ sở để xác định chính xác chi phí này, do chưa phê duyệt đơn giá đền bù (mới chỉ cung cấp khái toán), vì vậy chưa đủ cơ sở báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.
Lý do khiến Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I bị đội chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn là do ban đầu, đơn vị tư vấn xác định giá đền bù, giải phóng mặt bằng như tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua. Nhưng khi địa phương phê duyệt được đơn giá đền bù, thì giá đất đã thay đổi, chi phí bồi thường tăng lên.
Ngoài việc phải mất thêm thời gian điều chỉnh Dự án, việc để phát sinh kinh phí giải phóng mặt bằng rất lớn tại Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I như trên còn khiến các cơ quan chức năng rất chật vật trong việc tìm nguồn bổ sung, nhất là khi toàn bộ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ hết.
Cần phải nói thêm, hiện tượng các dự án hạ tầng giao thông bị đội vốn với số lượng lớn đang có xu hướng gia tăng.
Có thể điểm danh một loạt dự án hạ tầng giao thông phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do chi phí tăng vượt quá các khoản dự phòng được duyệt, như Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I; Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn I; Dự án Đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang và Bến Tre; Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột…
Tại những dự án sử dụng vốn ngân sách nói trên, các đơn vị chủ đầu tư đang phải trả giá đắt về tiến độ cũng như chi phí do phương án đầu tư được neo vào những thông số thiếu chuẩn xác về khối lượng, đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng.
Thực tế cho thấy, công tác tư vấn trong quản lý đầu tư xây dựng bộc lộ nhiều tồn tại trong việc quản lý chi phí (xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình...) và quá trình thực hiện, làm phát sinh chi phí, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư dự án. Mặc dù Bộ Giao thông - Vận tải và các địa phương đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng và triển khai các giải pháp khắc phục, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải mạnh tay chấn chỉnh công tác lựa chọn và quản lý hợp đồng tư vấn, đồng thời đảm bảo chất lượng hồ sơ thiết kế, quản lý chi phí đáp ứng yêu cầu chất lượng, hiệu quả dự án, tuân thủ quy định của pháp luật; tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.
Nhiệm vụ trước mắt là phải tổng kiểm tra năng lực của các tổ chức tư vấn, thiết kế, giám sát đảm bảo đúng quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ thiết kế, đảm bảo đầy đủ số liệu khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn; giám sát chặt chẽ việc khảo sát phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát, kiểm soát chất lượng hồ sơ, nghiệm thu đúng quy định.
Bên cạnh đó, phải chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác thiết kế, lập sơ bộ tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình; tăng cường kiểm soát chất lượng hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở.
Quan trọng nhất là phải có chế tài nghiêm khắc xử lý những đơn vị tư vấn khảo sát, tư vấn lập dự án còn yếu kém, cần thiết có thể cấm tham gia đấu thầu đối với đơn vị tư vấn, tước giấy phép hành nghề đối với kỹ sư chủ nhiệm đề án, bởi tư vấn chính là khâu quan trọng bậc nhất trong đầu tư xây dựng giao thông.