Giảm mạnh kế hoạch vì không thể đạt mục tiêu
Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (OGC) vừa công bố thông tin về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018.
Theo đó, các chỉ tiêu kinh doanh chính được điều chỉnh giảm khá mạnh so với kế hoạch năm được thống nhất tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018. Cụ thể, tổng doanh thu giảm 15%, từ 1.393 tỷ đồng xuống 1.172 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm giảm tới 220%, từ 186 tỷ xuống 58 tỷ đồng.
Trước đó, 6 tháng đầu năm, OGC ghi nhận mức lỗ hơn 9,4 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận năm 2018 được đưa ra dựa trên dự tính tái cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng thoái vốn tại những đơn vị hoạt động không hiệu quả như Công ty cổ phần PVR Hà Nội (PVR), Công ty Cổ phần Fafim Việt Nam (Fafim), Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Dương (OCS) và Công ty cổ phần Phát triển tài nguyên thiên nhiên Đại Dương (ONRC)...
Như vậy, việc điều chỉnh giảm mạnh kế hoạch rất có thể do OGC không thuận lợi trong quá trình thoái vốn đầu tư.
Đáng chú ý, trước ngày công bố điều chỉnh kế hoạch năm, OGC nhận được thông báo thụ lý vụ kiện kinh doanh thương mại của Tòa án nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) về việc Doanh nghiệp Tư nhân Hà Bảo yêu cầu Tòa án hủy toàn bộ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của OGC.
Đây cũng là sự việc gây xôn xao tại Đại hội đồng cổ đông của OGC hồi giữa tháng 8 vừa qua. Tại Đại hội, đại diện OGC công bố 2 văn bản mới của cơ quan chức năng với nội dung, toàn bộ 68 triệu cổ phiếu OGC của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo và 3,3 triệu cổ phiếu OGC của ông Hà Văn Thắm đã được kê biên phục vụ cho việc thực hiện bản án của tòa án.
Đại diện OGC cho biết, Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo và người đại diện của ông Hà Văn Thắm không còn quyền cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông và các giao dịch liên quan khác.
Do đó, mặc dù cố gắng lên tiếng, song ý kiến từ phía Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo không nhận được sự chấp thuận từ phía cổ đông OGC và Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm, ông Lê Quang Thụ.
Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 4 - Icon4 (CC4) cũng điều chỉnh giảm mạnh các mục tiêu đã đề ra trước đó. Chẳng hạn, chỉ tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế từ mức 800 tỷ đồng và 8,2 tỷ đồng ban đầu đã giảm xuống 520 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 35% và 81%.
Đáng nói, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Icon4 đạt 206,3 tỷ đồng, lợi nhuận thu về là 1,53 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch cũ thì con số này còn cách khá xa, nhưng sau khi điều chỉnh, bỗng chốc Icon4 đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm?!
Theo lãnh đạo Icon4, việc điều chỉnh giảm kế hoạch năm được thực hiện trên cơ sở rà soát tình hình 6 tháng đầu năm và nhận thấy thực trạng Công ty không thực hiện được kế hoạch đã đề ra trước đó. Do vậy, Ban lãnh đạo Icon4 xin điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh để giữ ổn định và có điều kiện để tái cơ cấu, nâng cao năng lực tài chính, năng lực thi công và đấu thầu.
Được biết, trong thời gian tới, Icon4 có khả năng sẽ đổi chủ. Cuối tháng 8 vừa qua, Icon4 cho biết, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Thăng Long (Taseco) muốn tăng sở hữu lên mức tối đa 75% không thông qua chào mua công khai. Hiện Icon4 đang trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.
Ở lĩnh vực ngân hàng, hồi tháng 8, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank (LPB) đã điều chỉnh giảm nhiều chỉ tiêu kinh doanh như lợi nhuận trước thuế năm 2018 giảm từ 1.800 tỷ đồng xuống 1.200 tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 giảm từ 170.000 tỷ đồng xuống 160.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng thị trường 1 từ 123.500 tỷ đồng xuống 117.557 tỷ đồng; tỷ lệ chi trả cổ tức giảm từ 12% xuống 10%.
Nguyên nhân là do chỉ tiêu tín dụng năm 2018 mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt cho LienVietPostBank là 14%, thấp hơn kế hoạch xây dựng đầu năm là 19,7%, nên các chỉ tiêu khác cũng được điều chỉnh giảm tương ứng.
Ngoài các doanh nghiệp trên, một số doanh nghiệp khác cũng đã điều chỉnh giảm kế hoạch năm, chẳng hạn Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (AFX) doanh thu giảm 12% xuống 1.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm hơn 60% xuống 6 tỷ đồng...
Những trường hợp lội ngược dòng kế hoạch
Bên cạnh những doanh nghiệp thụt lùi kế hoạch vào quý cuối, có một số doanh nghiệp chủ động tăng kế hoạch kinh doanh theo đà tăng của kết quả lợi nhuận giai đoạn đầu năm.
Mới đây, Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) vừa có tờ trình Đại hội đồng cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2018.
PNC cho biết, căn cứ tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty, trong 8 tháng đầu năm 2018, trên cơ sở ưu tiên hiệu quả hoạt động, an toàn tài chính và duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững khoảng 25%/năm thông qua việc sắp xếp, sàng lọc các nhà sách hoạt động kém hiệu quả, di dời một số hạng mục đầu tư vào các năm sau...,
PNC xin được điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận tăng từ 20 tỷ đồng lên 144,6 tỷ đồng (năm 2017 lỗ 66,5 tỷ), tức tăng gấp 7,23 lần, trong khi kế hoạch doanh thu giảm 7% xuống 741 tỷ đồng.
Với mục tiêu này, nếu đạt được, PNC sẽ xóa hết lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán trong năm nay, qua đó giúp cổ phiếu Công ty thoát khỏi diện bị kiểm soát hiện tại. Cùng với đó, mức cổ tức chi trong năm 2018 là 20% sẽ được chi trả bằng tiền mặt trong quý IV/2018. Đây là tin vui đối với các cổ đông của PNC, bởi lần chia cổ tức gần đây nhất là năm 2011 với tỷ lệ 5%.
Trên thực tế, cơ sở của việc giảm doanh thu nhưng tăng lợi nhuận chủ yếu đến từ việc PNC đã hoàn tất thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty Trách nhiệm hữu hạn CJ CGV Việt Nam sau 2 đợt, với tổng giá trị khoảng 261 tỷ đồng.
Tuy vậy, trường hợp của PNC được xem là "hàng hiếm" do có yếu tố đột biến. Một số doanh nghiệp đạt được kết quả ngoài mong đợi có xu hướng tăng thêm cổ tức cho cổ đông, ít có doanh nghiệp xin tăng kế hoạch kinh doanh đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên phê duyệt.
Lý do là bởi tại nhiều doanh nghiệp, kế hoạch kinh doanh thường đi kèm với mức thưởng cho Ban điều hành và Hội đồng quản trị. Tỷ lệ vượt kế hoạch tỷ lệ thuận với mức thưởng cho Ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Hiện tại, thị trường ghi nhận nhiều doanh nghiệp vượt kế hoạch cả năm sau 9 tháng như Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank), Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú (APC), Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (DPM)...
Về phía nhà đầu tư, khi doanh nghiệp điều chỉnh tăng kế hoạch dễ đạt được sự đồng thuận, bởi việc tăng này đi kèm với khả năng giá trị doanh nghiệp tăng lên, các khoản cổ tức, thị giá có thể sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi về những doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch giảm. Thông thường, tại mỗi kỳ họp Đại hội đồng cổ đông, mức lương thưởng của Ban lãnh đạo trình Đại hội thường được căn cứ theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm mới.
Nhưng khi doanh nghiệp điều chỉnh giảm mục tiêu doanh thu, lợi nhuận thì kế hoạch chi trả thù lao cho Ban lãnh đạo lại bị lờ đi. Đây là điểm mà nhiều nhà đầu tư cho rằng, một Ban lãnh đạo đàng hoàng sẽ phải có ứng xử cân bằng hơn, vượt kế hoạch thì xứng đáng nhận thưởng, nhưng hụt kế hoạch thì cũng cần có sự điều chỉnh lương, thưởng để chia sẻ với “nỗi buồn” của các cổ đông.
Việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vào thời điểm cuối năm dường như đã trở thành điệp khúc không thể tránh khỏi trên thị trường chứng khoán. Trong quý IV/2018, chắc chắn sẽ còn nhiều doanh nghiệp công bố thông tin này, thậm chí nhiều năm trước, có một số doanh nghiệp công bố thay đổi ngay sát thềm năm mới.
Theo các nhà đầu tư, việc hoàn thành kế hoạch năm hay không đã ít nhiều được dự đoán khi có kết quả kinh doanh 9 tháng. Bởi vậy, việc điều chỉnh kế hoạch năm vào những ngày cuối năm không có nhiều ý nghĩa đối với thị trường, mà chỉ mang tính "danh dự" cho Ban lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy vậy, nếu thường xuyên điều chỉnh kế hoạch kinh doanh thì chất lượng doanh nghiệp khó mà… tin được.