Điện tử hoá thanh toán biên mậu

(ĐTCK-online)Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đánh dấu một bước phát triển mới trong thanh toán biên mậu Việt - Trung bằng việc cho ra đời dịch vụ thanh toán biên mậu điện tử, một tiến bộ được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước mà còn giúp kiểm soát các luồng tiền qua biên giới.

Tuần qua, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank) đã ký thoả thuận thanh toán biên mậu với Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Theo đó, các bên sẽ hợp tác cung cấp dịch vụ thanh toán biên mậu qua hệ thống thanh toán trực tuyến Internet banking tại cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái (Quảng Ninh).

Ngoài Incombank, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Móng Cái (Quảng Ninh) cũng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác Trung Quốc và dự kiến sẽ bắt đầu triển khai dịch vụ thanh toán biên mậu trực tuyến từ tháng 9 năm nay cũng tại hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Theo quy trình thanh toán trước đây, một doanh nghiệp của Việt Nam hoặc Trung Quốc muốn chuyển tiền thanh toán cho đối tác phải hoàn thành bộ chứng từ giấy do ngân hàng cung cấp. Bộ chứng từ sau đó được nhân viên ngân hàng chuyển sang ngân hàng đối tác nước bên kia một cách thủ công và rất mất thời gian bởi các thủ tục hải quan tại cửa khẩu. Thêm vào đó, các ngân hàng thường xử lý chứng từ vào cuối ngày, do vậy ngày kế tiếp tiền mới về tài khoản của khách hàng.

Nhưng với hình thức thanh toán qua mạng, các chứng từ đều được điện tử hoá, và thời gian cho một giao dịch đã được rút ngắn. Theo Incombank, trong trường hợp các chứng từ đầy đủ thì thời gian giao dịch chỉ mất khoảng 10 - 15 phút.

Theo ông Cao Xuân Bình, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Lương thực và công nghiệp thực phẩm Hồ Chí Minh (Foodinco), Công ty hàng năm xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Móng Cái với giá trị lên tới 100 - 120 tỷ đồng, với dịch vụ thanh toán qua Internet, thời gian thanh toán đã giảm đáng kể từ 3 - 4 giờ, thậm chí cả ngày xuống còn dưới 1 giờ.

Đại diện khách hàng phía Trung Quốc, ông Trần Trác Quần, Trưởng phòng Năng lượng Công ty MaoMing Guban cho rằng, việc triển khai phương thức thanh toán mới là một bước tiến đáng kể trong giao dịch biên mậu hai nước. Ông cho biết, trước đây việc thanh toán chậm trễ do các thủ tục rườm rà của các ngân hàng đã từng dẫn tới hiểu lầm của các đối tác Việt Nam .

Theo một chuyên viên của Incombank - Chi nhánh Móng Cái, việc điện tử hoá hệ thống thanh toán biên mậu còn giúp ngăn ngừa các hành vi gian lận trong nội bộ hệ thống ngân hàng. Trong quá trình lập và xử lý hồ sơ thanh toán bằng giấy giữa ngân hàng hai nước có thể xuất hiện kẽ hở cho nhân viên ngân hàng thay đổi, làm sai lệch nội dung chứng từ nhằm trục lợi.

Theo Bộ Công Thương, năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 10 tỷ USD, trong đó buôn bán hai chiều thông qua cửa khẩu Móng Cái đạt hơn 2 tỷ USD. Dự kiến, tới năm 2010 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung quốc có thể lên tới 15 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó tổng giám đốc Incombank cho biết, với dịch vụ thanh toán biên mậu qua Internet, mục tiêu của Ngân hàng không chỉ là cung cấp các tiện ích tới khách hàng mà còn hỗ trợ thực hiện các chính sách của Nhà nước như quản lý ngoại hối, chống rửa tiền thông qua việc thay thế các chợ kinh doanh tiền tệ ở khu vực biên giới bằng các hình thức thanh toán, chuyển khoản qua ngân hàng.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong hơn 10 năm qua, thanh toán biên mậu qua hệ thống ngân hàng đã góp phần tích cực giúp NHNN quản lý các luồng tiền qua biên giới và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, qua đó giảm nguy cơ lưu thông tiền giả. Hiện nay, tổng giá trị các hợp đồng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại cửa khẩu Móng Cái được thực hiện qua hệ thống thanh toán ngân hàng ước đạt hơn 1 tỷ USD mỗi năm, chiếm khoảng 70% tổng giao dịch. “Với sự ra đời của hệ thống thanh toán biên mậu trực tuyến, lượng giao dịch thông qua ngân hàng có thể đạt tới 85 - 90%”, ông Thạch dự đoán.