Mỗi lần giá điện tăng, các nhà tiêu thụ lớn như xi măng, sắt thép đều đứng ngồi không yên - Ảnh: Hoài Nam

Mỗi lần giá điện tăng, các nhà tiêu thụ lớn như xi măng, sắt thép đều đứng ngồi không yên - Ảnh: Hoài Nam

Điện tăng giá, doanh nghiệp vật liệu lo vỡ kế hoạch

(ĐTCK) Chính phủ đã đồng ý tăng giá điện lên 7,5% từ hôm nay (16/3). Trước thông tin này, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, nhiều doanh nghiệp vật liệu đều tỏ thái độ lo lắng, nhưng không quá “choáng”.

Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, trong nền kinh tế thị trường, giá cả nguyên nhiên liệu có thể thay đổi, VICEM chấp nhận thay đổi theo thị trường, chỉ mong không thay đổi đột ngột để có biện pháp, tính toán, lập kế hoạch điều hành sản xuất - kinh doanh, nhằm đảm bảo được mục tiêu đề ra. Năm nay, VICEM có kế hoạch sản xuất và tiêu thụ khoảng 22 triệu tấn sản phẩm, trung bình mỗi tấn xi măng tiêu tốn khoảng 90 KWh điện. Mức tiêu hao điện này thuộc chi phí sản xuất trực tiếp, chưa kể đến sản xuất gián tiếp.

“Chúng tôi chưa tính toán cụ thể chính xác đợt tăng giá điện lần này khiến chi phí tăng thêm bao nhiêu. Tuy nhiên, giảm tiêu hao điện năng là biện pháp từ trước đến nay VICEM vẫn làm. Có 2 cách để giảm tiêu hao điện năng là quản lý vận hành tối ưu, cách này VICEM làm tương đối tốt. Cách nữa là đầu tư thiết bị để có hiệu suất tiết kiệm. Tính ra mỗi năm tiết kiệm được 1 - 2% điện năng”, ông Khải cho biết.

Hiện VICEM đang đầu tư dự án tận dụng nhiệt khí thải lò nung tại Xi măng Hà Tiên II và các nhà máy khác để giảm tiêu hao điện năng. Tuy nhiên, dù có tiết kiệm được 2% mức tiêu hao điện năng, thì với mức tăng 7,5%, doanh nghiệp vẫn phải chi một khoản lớn cho tiền điện.

Trong khi đó, ông Bùi Trần Đông, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Mỏ - Việt Bắc (đại diện thương hiệu xi măng Vinacomin - nhãn hàng hợp nhất của 3 nhà máy xi măng La Hiên, Tân Quang, Quán Triều) cho biết, với sản lượng 1,8 triệu tấn/năm, tính toán sơ bộ cho thấy, doanh nghiệp phải chi thêm từ 15 - 20 tỷ đồng tiền điện/năm. Thời gian tới, doanh nghiệp có thể phải tính toán tăng giá bán xi măng để bù đắp, nhưng chưa thể tăng vào thời điểm này. Thời điểm tăng giá và mức tăng bao nhiêu, sẽ phải tính toán kỹ.

“Việc tăng giá điện, chúng tôi đã nghe thông tin, choáng thì không choáng, nhưng lo. Nếu giãn các đợt tăng giá điện ra theo lộ trình được thông báo trước, chứ không tăng một lúc 7,5% như hiện nay thì doanh nghiệp bớt khó khăn hơn”, ông Đông cho biết.

Tại thị trường phía Nam, Xi măng FICO cũng đã chuẩn bị đầu tư dự án tận dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện với công suất 6,3 MW. Theo tính toán, có thể giảm được 30% tổng sản lượng điện tiêu thụ từ lưới điện quốc gia.

Ông Hoàng Cảnh Nguyễn, Tổng giám đốc Xi măng FICO cho biết, về lâu dài, dự án tận dụng nhiệt khí thải lò nung sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, tiêu hao điện năng trên lưới điện quốc gia ít, giúp giảm chi phí đầu vào. Tuy nhiên, hiện dự án chưa đi vào hoạt động, lại phải chi thêm tiền điện, nên doanh nghiệp gặp khó khăn. Theo tính toán, việc tăng giá điện lần này làm doanh nghiệp này phải chi thêm khoảng gần 10 tỷ đồng tiền điện mỗi năm.

Năm 2015, xi măng dự kiến sản xuất và tiêu thụ 71 - 73 triệu tấn sản phẩm (clinker và xi măng). Nếu tính bình quân mỗi tấn sản phẩm tiêu thụ khoảng 80 KWh điện, thì với việc tăng giá điện 7,5%, sơ bộ toàn ngành phải chi thêm số tiền trên 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xi măng dù lo lắng, nhưng vẫn tạm chấp nhận được, trong khi doanh nghiệp ngành thép lại đứng ngồi không yên.

Bình quân, mỗi tấn phôi thép tiêu hao khoảng 600 KWh điện. Ngay cả thép Pomina có dây chuyền hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, có mức tiêu thụ điện năng thấp nhất Việt Nam, ở mức 355 KWh/tấn, thì việc tăng giá điện lần này cũng là gánh nặng với doanh nghiệp.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt cho biết, có tăng cũng nên tăng làm nhiều đợt trong năm, một lần tăng 7,5% gây khó cho doanh nghiệp. Còn ông Đặng Anh Tuấn, Giám đốc CTCP Thép Vạn Lợi chia sẻ: “Tăng giá điện hơn 7% thì quả là cơn ác mộng đối với toàn bộ ngành thép nói chung và công ty tôi nói riêng”.

Trong bài toán tăng giá điện, Tôn Đông Á tính ra con số phải chi thêm mỗi tháng cho tiền điện là khoảng 7 tỷ đồng và đại diện doanh nghiệp này cho rằng, tăng giá điện lúc này tạo thêm gánh nặng lớn cho DN và cả ngành tôn thép.                 

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan