Theo Quyết định 13 ban hành đầu tháng 4/2020 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, giá bán điện mặt trời ưu đãi cố định (FIT) mới cho hệ thống điện mặt trời mái nhà giảm xuống còn 8,38 cent/kWh (tương đương 1.943 VND/kWh), giá của dự án điện mặt trời mặt đất là 7,09 cent/kWh (tương đương 1.644 VND/kwh) và dự án điện mặt trời nổi là 7,69 cent/kWh (tương đương 1.783 VND/kwh), đều thấp hơn so với mức giá 9,35 US cent/kWh tại Quyết định 11 ban hành tháng 4/2017. Thời hạn hiệu lực từ 22/5 - 31/12/2020.
Theo phân tích của các chuyên gia năng lượng, trong các điều kiện thuận lợi nhất về đấu nối, những dự án điện mặt trời với suất đầu tư ước tính trên 1.000 USD/kWh phải nằm ở vùng có bức xạ cao mới có thể đạt mức chi phí hoàn vốn ở mức 6,1-6,8 US cent/kWh, còn các dự án tại vùng bức xa thấp hơn thì sẽ khó có thể hoàn được vốn ở mức chi phí này.
Ðể đạt mức chi phí hoàn vốn và có lợi nhuận thì tỷ suất đầu tư phải giảm xuống còn khoảng 800 USD/kW.
Trong khi đó, suất đầu tư của dự án điện mặt trời nổi theo tính toán cao hơn điện mặt trời trên mặt đất khoảng 16%, trong khi giá FIT mới chỉ cao hơn 8,5%.
Do đó, cơ chế giá này được nhận định là chưa thực sự hỗ trợ cho loại hình điện mặt trời nổi với nhiều ưu điểm hơn so với dự án trên mặt đất.
Từ góc nhìn của nhà đầu tư, ông Huỳnh Ðình Hiệp, cán bộ phân tích cấp cao Quỹ đầu tư Dragon Capital cho rằng, giá điện mặt trời theo giá FIT nếu so với giá điện bán lẻ thì cao hơn, nhưng tính toán giá ở mức cao nhất thì vẫn thấp hơn đáng kể so với tổn thất của truyền tải.
Giá điện mặt trời có thể thấp hơn nữa khi Bộ Công thương tiếp tục trình dự thảo cơ chế giá FIT mới sau khi biểu giá theo Quyết định 13 hết hiệu lực.
Mức giá ngày càng giảm trong điều kiện giá điện trung bình của Việt Nam đã giảm thấp sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của nhà đầu tư.
Theo chuyên gia của Dragon Capital, khó khăn lớn nhất đối với phần lớn nhà đầu tư dự án điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung chủ yếu liên quan tới vấn đề vốn.
Hiện nay, hơn 90% dự án điện mặt trời đang triển khai tại Việt Nam đều vay vốn tại ngân hàng trong nước với lãi suất từ 9,5-11%/năm. Việc chi phí lãi vay cao sẽ bào mòn lợi nhuận của nhà đầu tư.
“Về nguyên lý, chi phí phát triển dự án và cấu phần của đầu tư dự án là cố định nên khi chi phí càng cao, công phát sinh dòng tiền thì phải dùng tiền đó để trả lãi và vốn vay, cùng với các chi phí khác sẽ làm giảm lợi nhuận của nhà đầu tư”, ông Hiệp lý giải.
Ðánh giá việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, chuyên gia của Dragon Capital cho rằng, đối với nhà đầu tư tài chính, ngoài yếu tố môi trường xã hội, thì cần tính tới lợi nhuận và chi phí cơ hội của dự án đầu tư, nếu lãi vay cao và rủi ro đầu tư cao thì sẽ không còn hấp dẫn.
Cũng theo vị này, nếu có thể khắc phục các vướng mắc về hợp đồng mua bán điện, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong vấn đề về truyền tải, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và giải quyết tranh chấp… thì sẽ giúp nhà đầu tư tiếp cận được dòng vốn rẻ từ các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới, qua đó giải quyết được vấn đề vốn.
“Chính phủ cần sớm cải thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để giúp khơi thông dòng vốn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận dòng vốn rẻ từ nước ngoài để vừa giảm chi phí vay và giá thành, vừa đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư”, ông Hiệp nói.
Nhìn nhận mức giá FIT 2 tại Quyết định 13 tuy tạo điều kiện hỗ trợ cho hàng chục dự án điện mặt trời chưa kịp hưởng mức giá FIT1, song thời hạn áp dụng quá ngắn trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp khiến nhiều dự án khó có thể đáp ứng về tiến độ thi công, đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP.HCM cho rằng, cần gia hạn thêm thời gian áp dụng mức giá FIT2 cho điện mặt trời áp mái, đồng thời cần có chính sách dài hạn hơn với thời hạn cần được công bố sớm trước khi thời hạn áp dụng giá FIT2 hết hiệu lực.