Lãnh đạo Bộ Tài chính, NHNN cùng các đơn vị liên quan cùng bấm nút, khai trương hệ thống       giao dịch trái phiếu chính phủ phiên bản 3

Lãnh đạo Bộ Tài chính, NHNN cùng các đơn vị liên quan cùng bấm nút, khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu chính phủ phiên bản 3

Diện mạo mới của thị trường trái phiếu Việt Nam

(ĐTCK) 654.493 tỷ đồng là số tiền Ngân sách Nhà nước huy động được qua 5 năm hoạt động của thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt (24/9/2009 - 24/9/2014). 

Cùng với đó, thanh khoản trên thị trường thứ cấp liên tục được cải thiện, thu hút sự tham gia ngày càng nhiều hơn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Diện mạo mới của thị trường trái phiếu chuyên nghiệp đã được định hình, với sự nỗ lực và hợp sức của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, UBCK, HNX và các cơ quan liên quan. ĐTCK ghi nhận một số ý kiến tại Lễ kỷ niệm 5 năm thị trường này.

“Cuối năm 2014, quy mô thị trường TPCP ước đạt 43 tỷ USD”

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà

5 năm qua, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đã phát huy được vị thế, vai trò trong khu vực thị trường tài chính và thị trường vốn. Nếu như năm 2009, quy mô của thị trường TPCP ở mức 17 tỷ USD, thì ước cuối năm 2014 đạt khoảng 43 tỷ USD.

Để tiếp tục thúc đẩy thị trường trái phiếu (TTTP) phát triển năng động, hiệu quả hơn trong giai đoạn tới, về dài hạn cần tiếp tục phát triển đồng bộ thị trường TPCP và trái phiếu doanh nghiệp. Muốn đạt mục tiêu này, ngoài việc cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp lý ở cấp nghị định, thông tư, cần hoàn chỉnh các quy tắc, chuẩn mực liên quan đến hoạt động của thị trường, trong đó có vai trò quan trọng của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA); đi liền với tiếp tục tái cơ cấu hoạt động của TTTP, nhất là về phát triển hàng hóa, sản phẩm mới, cần mở rộng cơ sở NĐT, trọng tâm là các NĐT tổ chức như các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện…

Ngoài ra, cũng cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng về giao dịch, thanh toán, lưu ký, bù trừ. Nằm trong nỗ lực này, việc Sở GDCK Hà Nội vừa triển khai Phiên bản 3 hệ thống giao dịch TPCP, cho phép cung cấp thông tin trực tuyến, thậm chí có thể cho phép giao dịch trực tuyến, tạo điều kiện cho NĐT nước ngoài tiếp cận, tham gia TTTP Việt Nam thuận lợi hơn.  Liên quan đến nỗ lực phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký tờ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về thành lập tổ chức định mức tín nhiệm. Hy vọng Nghị định sẽ được ban hành vào cuối tháng 9 này hoặc đầu tháng 10 tới.

Bộ Tài chính cam kết với các NĐT rằng sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong hoạch định, thực thi các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đồng thời tăng cường chia sẻ thông tin, đối thoại với NĐT. Qua đó hỗ trợ NĐT kịp thời cập nhật cơ chế mới, để có thông tin tin cậy trong quá trình hoạch định kế hoạch đầu tư, nhằm giảm thiểu rủi ro, từ đó góp phần phát triển TTTP nhanh và bền vững hơn.

“Việc chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP sang NHNN đang được triển khai khẩn trương”

 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước  Nguyễn Thị Hồng

Thị trường TPCP trong 5 năm qua đã có những bước phát triển đáng kể cả về quy mô và chất lượng. Đến nay, tổng giá trị danh mục TPCP đang lưu hành đạt xấp xỉ 680.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2009 và tương đương 18% GDP. Trên thị trường TPCP hiện khá đa dạng sản phẩm, tạo nhiều sự lựa chọn cho NĐT, góp phần xây dựng đường cong lãi suất chuẩn. Thị trường TPCP đóng vai trò ngày càng quan trọng trong huy động và phân bổ vốn trong nền kinh tế.

Sắp tới, để hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường TPCP năng động, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong gia tăng tính đồng bộ khi ban hành, thực thi chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Qua đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát hiệu quả lạm phát, tăng trưởng GDP hợp lý, để tiếp tục cải thiện lòng tin với NĐT trong và ngoài nước. Từ đó góp phần tăng sức hấp dẫn cho TTTP, ngày càng thu hút nhiều NĐT tham gia hơn.

Để đạt mục tiêu trên, NHNN tiếp tục điều hành thị trường tiền tệ theo hướng linh hoạt, hợp lý, để hỗ trợ tốt thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, trên cơ sở đó có điều kiện thuận lợi tham gia hiệu quả hơn trên TTTP.

Việc chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP từ Ngân hàng BIDV sang NHNN đang được triển khai theo hướng ổn định, đảm bảo tính hiệu quả cao của hệ thống. Hiện các nhóm chuyên gia của các bên liên quan đang rà soát các bước cần thiết, để đề xuất phương án triển khai tối ưu.

Bộ Tài chính và NHNN cũng cần tăng cường phối hợp để thúc đẩy đa dạng hóa cơ sở NĐT, trong đó thu hút hiệu quả hơn NĐT nước ngoài tham gia thị trường thông qua cơ chế ưu đãi về thuế, phí, công cụ phòng ngừa rủi ro.

Về phía các tổ chức tín dụng, NHNN đề nghị các tổ chức này tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực tài chính, cân đối nguồn vốn để vừa đáp ứng tốt khả năng thanh khoản, vừa linh hoạt thu xếp nguồn vốn tham gia TTTP.

“NĐT nước ngoài đang gia tăng tham gia vào TTTP Việt Nam”

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng
 

Sau 5 năm hoạt động, thị trường TPCP đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trở thành kênh huy động quan trọng cho đầu tư phát triển, cung cấp công cụ chỉ báo để phục vụ điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là trong việc phối hợp điều hành chính sách tài chính - tiền tệ của Chính phủ, đồng thời góp phần củng cố hình ảnh và độ tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

Hệ thống NĐT đang có những tiến triển tích cực. Mặc dù khối ngân hàng thương mại vẫn đóng vai trò chính, với tỷ trọng nắm giữ danh mục TPCP khoảng 86%, nhưng thị trường đã ghi nhận sự tham gia ngày càng tích cực của các công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ và NĐT nước ngoài. Từ năm 2009 - 2010, NĐT nước ngoài tham gia vào thị trường khá dè dặt, với tỷ trọng tham gia thị trường sơ cấp là 4% năm 2009 và tỷ trọng giao dịch trên thị trường thứ cấp là 18,5% năm 2010. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, khi kinh tế Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu ổn định và hồi phục, các NĐT nước ngoài đã bắt đầu tham gia trở lại với tỷ trọng giao dịch trên thị trường thứ cấp ổn định ở mức từ 20-30%, giá trị trúng thầu và mức độ tham gia đấu thầu trên thị trường sơ cấp là 12%.

Để phát huy tốt hơn vai trò của thị trường TPCP đối với phát triển bền vững kinh tế Việt Nam, Bộ Tài chính cùng các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan trình Chính phủ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ về phát hành, quản lý sử dụng, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn TPCP cùng với cơ chế chính sách liên quan để tạo điều kiện cho thị trường TPCP phát triển và phát huy hiện quả. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu cơ bản trong Lộ trình phát triển TTTP Việt Nam đến năm 2020, nhằm đồng bộ hóa phát triển bền vững TTTP, phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế và thị trường tài chính, tiền tệ. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và NHNN trong phát triển thị trường TPCP, sử dụng TPCP làm công cụ trong phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.

Đi liền với xây dựng và phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường gắn với quyền lợi và nghĩa vụ trên thị trường thứ cấp, góp phần phát triển hiệu quả thị trường TPCP, cần mở rộng cơ sở NĐT, tạo điều kiện tham gia thị trường đối với các công ty bảo hiểm, công ty tài chính, quỹ hưu trí… Khuyến khích sự tham gia của NĐT nước ngoài thông qua điều chỉnh hợp lý chính sách thuế và phí.

Cũng cần hiện đại hóa hạ tầng công nghệ về giao dịch, thanh toán bù trừ, cung cấp thông tin, thực hiện chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP về NHNN, tăng cường sự kết nối với hệ thống thông tin quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho NĐT nước ngoài, từng bước hội nhập vào TTTP khu vực và thế giới.

Tin bài liên quan