Công nhân làm việc trong dây chuyền lắp ráp ô tô của General Motors (bang Michigan, Mỹ). Ảnh: AFP

Công nhân làm việc trong dây chuyền lắp ráp ô tô của General Motors (bang Michigan, Mỹ). Ảnh: AFP

Diện mạo bức tranh FDI toàn cầu đang thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
Dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu có dấu hiệu hồi phục sau nhiều năm mờ nhạt. Các mảnh ghép trong bức tranh FDI đang được sắp xếp lại, nhưng khó có thể xảy ra “cuộc di cư hàng loạt” khỏi Trung Quốc.

Tự sắp xếp lại

Các mảnh ghép trong bức tranh FDI đang bắt đầu tự sắp xếp lại, khác hẳn so với trước đây. Đầu tư vào lĩnh vực sản xuất - chế tạo cho thấy những dấu hiệu hồi phục đầy hứa hẹn, trong khi các hoạt động đầu tư theo xu hướng (“friendshoring” và “nearshoring”) ở các thị trường mới đang trở thành xu hướng mạnh mẽ hơn. Friendshoring là đầu tư vào hoạt động sản xuất chế tạo và tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia thân thiện, còn nearshoring tập trung vào dịch chuyển sản xuất về gần để giảm bớt sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhìn lại bức tranh năm 2023, theo số liệu mới công bố của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dòng chảy FDI toàn cầu đã tăng khiêm tốn 3% so với năm trước, lên khoảng 1.370 tỷ USD. Đáng nói là, nếu loại một số nền kinh tế dẫn dắt châu Âu ra khỏi thống kê, thì FDI toàn cầu năm 2023 giảm 18%, bởi dòng vốn FDI vào EU đã đảo chiều ngoạn mục, từ âm 150 tỷ USD vào năm 2022 lên dương 141 tỷ USD vào năm 2023. Trái lại, vốn FDI chảy vào các nước đang phát triển giảm 9%, còn 841 tỷ USD, trong khi khu vực Bắc Mỹ không ghi nhận tăng trưởng.

Covid-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột thương mại và thậm chí cả xung đột vũ trang đã dẫn đến sự thay đổi sâu sắc trong dòng chảy FDI. Trước khi bị gián đoạn do đại dịch, các dự án FDI tập trung vào dịch vụ và thâm dụng tri thức đã kéo giảm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chế tạo trong dài hạn.

Các yếu tố trên kết hợp lại là lời giải thích cho FDI năm 2023 khá trầm lắng. Tuy vậy, số liệu của UNCTAD vẫn hé lộ một số mảng sáng trong bức tranh FDI. Bằng chứng là, các dự án đầu tư mới giảm 6% về số lượng trong năm 2023, nhưng tăng 6% về giá trị, một phần nhờ những cải thiện đáng khích lệ trong lĩnh vực sản xuất - chế tạo.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và môi trường pháp lý còn hạn chế, khảo sát của Kearney vẫn cho thấy những dấu hiệu lạc quan hơn của nhà đầu tư trong 3 năm tới. Cụ thể, có đến 88% số doanh nghiệp được hỏi dự kiến tăng cam kết đầu tư FDI và 89% cho rằng, FDI quan trọng hơn đối với lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong 3 năm tới.

Ông Richard Bolwijn, Giám đốc đầu tư tại UNCTAD đánh giá: “Mặc dù vẫn chưa trở lại mức trước đó, nhưng sự phục hồi của FDI trong lĩnh vực sản xuất - chế tạo trong năm 2023 là một dấu hiệu đáng khích lệ”.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là một trong những xung lực chính thúc đẩy đầu tư theo hướng friendshoring và nearshoring trong năm 2024, theo kết quả khảo sát Chỉ số niềm tin đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDICI) 2024 do Công ty tư vấn đầu tư toàn cầu Kearney (Mỹ) thực hiện. Một phần dòng friendshoring đang chảy vào các nước lân cận Trung Quốc với lợi thế về chi phí thấp hơn, như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Campuchia. Trong khi đó, xu hướng “nearshoring” đang nhắm đến các quốc gia dễ tiếp cận các thị trường phát triển lớn. Chẳng hạn, Samsung (Hàn Quốc) đã dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam; Apple cũng bắt đầu làm điều tương tự.

Với rất ít dấu hiệu đạt được một giải pháp cho các xung đột địa chính trị đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, khoảng 85% nhà đầu tư cho rằng, sự gia tăng căng thẳng địa chính trị sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ, còn 36% khẳng định tác động gây ra sẽ đáng kể, đưa họ đi đến quyết định đầu tư theo xu hướng nearshoring/friendshoring, theo khảo sát của Kearney. Ngoài ra, có đến 96% CEO được hỏi cân nhắc hoặc đã ra quyết định hồi hương.

UNCTAD cũng nhận thấy một xu hướng tương tự. “Ngay khi căng thẳng thương mại xuất hiện, chúng tôi thấy các công ty tái phân bổ sản xuất giữa các nhà máy hiện có và cân bằng năng lực giữa các nhà máy nếu cần”, ông Bolwijn cho biết.

Tuy nhiên, thị trường FDI sẽ không chứng kiến một “cuộc di cư hàng loạt” khỏi Trung Quốc, bởi theo ông Bolwijn, có một lượng vốn đầu tư khổng lồ vào tài sản ở các quốc gia hiện được coi là có rủi ro cao hơn và nhà đầu tư “cần có thời gian để bán những tài sản đó cũng như xây dựng năng lực thay thế mà không phải gánh chịu những khoản lỗ lớn”.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và môi trường pháp lý còn hạn chế, khảo sát của Kearney vẫn cho thấy những dấu hiệu lạc quan hơn trong 3 năm tới. Theo đó, có đến 88% số doanh nghiệp được hỏi dự kiến tăng cam kết đầu tư FDI.

Phần lớn doanh nghiệp được Kearney khảo sát cho biết, họ có “thiện cảm” đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Khoảng 72% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đang sử dụng AI ở mức đáng kể hoặc vừa phải trong hoạt động kinh doanh của mình và dự đoán sẽ sử dụng các công cụ mới cho dịch vụ khách hàng và chatbot, tự động hóa các quy trình thủ công và nâng cao chuỗi cung ứng.

Khẩu vị ưa thích của nhà đầu tư là các thị trường phát triển. Sức mạnh của Mỹ - nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất G7 - cộng với tâm lý người tiêu dùng phục hồi, sẽ giúp họ tiếp tục dẫn đầu về thu hút đầu tư FDI trong năm thứ 12 liên tiếp, trong khi Trung Quốc nhảy vọt từ vị trí thứ 7 lên thứ 3 nhờ nới lỏng kiểm soát vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Tại các thị trường mới nổi, Brazil, Mexico và Argentina có mặt trong nhóm 7 quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất thế giới. Ba quốc gia này cùng với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines đã xuất hiện trong Top 15.

Niềm tin đang trở lại

Lạc quan về nền kinh tế toàn cầu đang thúc đẩy triển vọng tích cực cho FDI năm 2024. Mức độ lạc quan của các công ty trả lời khảo sát của Kearney đã tăng 1 điểm phần trăm, lên 64%, trong khi mức độ bi quan ròng giảm từ 35% xuống 29%.

Ông Bolwijn dự đoán, dòng chảy FDI sẽ tăng khiêm tốn trong năm 2024. Tuy vậy, UNCTAD vẫn lo ngại về áp lực suy giảm của các dự án mới cũng như vấn đề tài chính cho dự án quốc tế và mua bán - sáp nhập (M&A) dựa trên độ nhạy cảm của nợ với lãi suất. Cho nên, “khi lãi suất bắt đầu ổn định, chúng tôi có thể thấy áp lực đó sẽ giảm bớt”, UNCTAD nhận định.

Dòng vốn FDI thường liên quan mật thiết với các dự án đầu tư mới và một phần được phản ánh qua hoạt động M&A. Thị trường M&A toàn cầu đã ghi nhận dấu hiệu tích cực trong quý I/2024, với mức tăng trưởng 38% so với cùng kỳ năm trước và giá trị giao dịch lên tới 613 tỷ USD, theo báo cáo chuyên đề được GlobalData công bố cách đây ít ngày. Trong đó, lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông (TMT) dẫn đầu hoạt động M&A trong quý I/2024, với 2.163 giao dịch, giá trị đạt 186 tỷ USD.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì ở mức 3,1% năm 2024, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục chống lạm phát và giảm hỗ trợ tài chính để giảm gánh nặng nợ tăng cao. Rủi ro suy thoái vẫn hiện hữu, bao gồm xung đột leo thang ở Trung Đông, lạm phát dai dẳng, phân mảnh thương mại và thiên tai thường xuyên hơn. Với hàng loạt thách thức đó, các nhà đầu tư đang tìm kiếm các cơ chế có hiệu quả quản lý cao hơn và dễ dàng di chuyển vốn khi họ đưa ra quyết định đầu tư toàn cầu.

Một môi trường chính trị ổn định cũng rất quan trọng khi thu hút FDI, nhưng điều này vẫn còn thiếu ở cả các nền kinh tế mới nổi và phát triển. Điều đó có nghĩa là, các chính phủ sẽ phải hành động cùng nhau để thiết lập và duy trì các điều kiện thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư tiến lên phía trước, bất kể tiến về khu vực và lĩnh vực nào.

Tin bài liên quan