Trước đó, vào tháng 8/2013, Ninh Thuận đã đồng ý về chủ trương để LandVille Việt Nam khảo sát, nghiên cứu đánh giá tiềm năng gió để lập dự án đầu tư, sau đó lại đồng ý về nguyên tắc việc LandVille Energy thay thế Landville Việt Nam thực hiện việc này. Ninh Thuận cũng đã yêu cầu LandVille trong vòng 6 tháng phải hoàn tất hồ sơ đăng ký đầu tư dự án và bổ sung quy hoạch theo quy định của pháp luật đầu tư.
“Tuy nhiên, đến nay, Công ty chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục nêu trên là chậm trễ thời hạn theo yêu cầu của UBND tỉnh, đủ điều kiện hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với dự án”, văn bản do ông Trần Xuân Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ký nêu rõ.
Trước đó, cuối tháng 2/2014, LandVille đã có văn bản xin gia hạn thời gian bổ sung quy hoạch và làm thủ tục đăng ký đầu tư dự án. Tuy nhiên, Ninh Thuận có vẻ rất cương quyết trước sự chậm trễ này và yêu cầu LandVille khẩn trương hoàn tất và nộp đầy đủ hồ sơ bổ sung quy hoạch, hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án, thời gian chậm nhất là tháng 6/2014.
Cùng với các hồ sơ trên, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu nhà đầu tư có văn bản xác lập tiến độ chi tiết, khối lượng công việc cụ thể cho từng hạng mục dự án, cam kết thực hiện đúng tiến độ được xác lập, đảm bảo đưa dự án vào hoạt động chậm nhất quý I/2016. Ninh Thuận cũng yêu cầu LandVille phải thực hiện ký quỹ đầu tư khi nộp hồ sơ đăng ký đầu tư.
“Quá thời hạn trên, nếu Công ty vẫn chưa hoàn tất các công việc này, coi như không còn nhu cầu đầu tư, UBND tỉnh sẽ hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với Dự án. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm và các chi phí liên quan trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ dự án đầu tư”, UBND tỉnh Ninh Thuận cảnh báo.
LandVille Việt Nam, công ty con của Tập đoàn LandVille Inc. (Hàn Quốc), vào tháng 12/2011, tại Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận, đã cam kết đầu tư đầu tư dự án điện gió kết hợp điện mặt trời tại Ninh Thuận.
Năm ngoái, LandVille Việt Nam cũng đã xin chủ trương đầu tư một dự án trồng rừng, sản xuất ván ghép thanh và viên nén gỗ, vốn đầu tư khoảng 50-60 triệu USD ở Hà Tĩnh, và cho biết, tại Việt Nam, Công ty đã đầu tư các dự án Khu dân cư cao tầng LandVille tại TP.HCM, vốn đầu tư 450 triệu USD; Marina Tower tại Dĩ An, Bình Dương, vốn đầu tư 300 triệu USD. Riêng Dự án điện gió kết hợp điện mặt trời LandVille Ninh Thuận 1 và 2 dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Ninh Thuận là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển điện gió. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tìm kiếm cơ hội và cam kết đầu tư tại đây. Impsa (Argentina) là ví dụ điển hình. Tập đoàn này đã cam kết đầu tư và được Ninh Thuận chấp thuận chủ trương để khảo sát, lập thủ tục đầu tư Dự án Nhà máy Phong điện, cũng như nhà máy sản xuất cánh quạt tua-bin gió và trụ gió, với vốn đầu tư có thể lên tới 3 tỷ USD. Nhưng do chậm làm thủ tục, năm ngoái, Impsa cũng bị UBND tỉnh nhắc nhở, cảnh báo.
Một dự án lớn khác, Dự án Nhà máy Phước Nam - Enfinity - Ninh Thuận của nhà đầu tư Enfinity (Bỉ), vốn đầu tư 266 triệu USD, cũng bị chậm tiến độ.