Điện Gia Lai (GEG) vận hành thương mại 3 nhà máy điện gió, dự kiến đóng góp 900 tỷ đồng doanh thu

Điện Gia Lai (GEG) vận hành thương mại 3 nhà máy điện gió, dự kiến đóng góp 900 tỷ đồng doanh thu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC, mã CK: GEG - HOSE) vừa đưa vào vận hành thương mại (COD) 3 nhà máy điện gió đầu tiên với tổng công suất gần 130 MW theo đúng kế hoạch để hưởng giá ưu đãi FiT1 trong 20 năm.

GEG cho biết, 3 dự án này mỗi năm dự kiến đóng góp khoảng 416 triệu kWh sản lượng điện - cung cấp cho gần 64.000 hộ gia đình, 889 tỷ đồng doanh thu, chiếm 42% tổng doanh thu, nhiều hơn 2,2 lần so với thủy điện và tương đương điện mặt trời của Công ty.

Giảm phát thải CO2 hàng năm khoảng 360.057 tấn, đưa tổng giảm thải toàn bộ Danh mục Năng lượng tái tạo GEC đang vận hành lên con số gần 800.000 tấn/năm.

Việc COD 3 dự án điện gió kịp thời hạn là cột mốc quan trọng trong chiến lược hiện thực hóa đa dạng các loại hình Nnăng lượng tái tạo với tổng công suất 1.700+ MWp vào năm 2025.

Nhà máy Điện gió trên bờ Ia Bang 1 (IAB1) 50 MW được hưởng giá bán điện 8,5 cents/kWh ~ 1.955 đồng/kWh trong vòng 20 năm. IAB1 được phân bố trên tổng diện tích 477 ha do Công ty cổ phần Điện Gió Ia Bang - Công ty con của GEC làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.955 tỷ đồng với 12 Turbine gió - công suất 4,2 MW/turbine; cùng dịch vụ O&M trong suốt 10 năm được cung cấp bởi Vestas - một trong những nhà cung cấp Turbine có tiếng của thế giới.

Với tốc độ gió trung bình 6,7 m/s, Nhà máy IAB1 hàng năm dự kiến đóng góp sản lượng điện 163 triệu kWh vào lưới điện quốc gia, phục vụ gần 25.000 hộ gia đình, Doanh thu tương đương 319 tỷ đồng và góp phần giảm thải 141.411 tấn CO2.

Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, thiết kế kỹ thuật, phương án chi tiết cũng như thực hiện các đánh giá Môi trường và Xã hội (E&S) phù hợp với quy định của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế IFC, Dự án hoàn thành xây dựng trong vòng 1 năm.

Vietcombank đồng hành cùng IAB1 là nhà tài trợ tín dụng với lãi suất hợp lý trong vòng 14 năm.

Nhà máy Điện Gió gần bờ Tân Phú Đông 2 (TPĐ2) 50 MW được hưởng giá bán điện 9,8 cents/kWh ~2.254 đồng/kWh trong vòng 20 năm. Đây là Dự án Điện Gió đầu tiên và duy nhất của Tỉnh Tiền Giang, có sức gió lên đến 6,7 m/s - phù hợp phát triển Điện Gió ngoài khơi. Do phải thi công ở mực nước sâu và xa bờ nên TPĐ2 được lên kế hoạch từ năm 2018 từ đo gió, khảo sát, nghiên cứu tiền khả thi, lựa chọn địa điểm đến đánh giá E&S theo tiêu chuẩn quốc tế IFC. TPĐ2 có tổng mức đầu tư 2.242 tỷ đồng, được tài trợ tín dụng bởi Ngân hàng Vietcombank.

Dự kiến hàng năm, Dự án cung cấp 161 triệu kWh sản lượng điện cho khoảng 25.000 hộgia đình; đóng góp doanh thu xấp xỉ 363 tỷ đồng và giảm phát thải gần 140.000 tấn CO2. Vestas cũng được chọn là đơn vị cung cấp 12 Turbine và dịch vu O&M cho Dự án trong vòng 10 năm. Chỉ hơn 10 tháng thi công bởi Tổng thầu PC1, TPĐ2 đã hoàn tất đóng điện Trạm Biến Áp, Ngăn Xuất Tuyến, chạy thử, vượt các vòng kiểm tra của EVN và chính thức COD.

Nhà máy Điện Gió gần bờ V.P.L 1 (VPL1) cũng được hưởng giá bán điện 9,8 cents/kWh trong 20 năm. Dự án được tiến hành đo gió từ tháng 5/2019, nghiên cứu tiền khả thi, lựa chọn địa điểm và tiến hành lắp đặt tại Khu vực biển Bình Đại, Bến Tre, nơi có sức gió 6,8 m/s. VPL1 dự kiến đóng góp 92 triệu kWh sản lượng điện cho 14.097 hộ dân, Doanh thu khoảng 207 tỷ đồng và giảm phát thải gần 80.000 tấn CO2 hàng năm.

Với kết quả kinh doanh ổn định hàng năm nhờ vào danh mục đa dạng về năng lượng tái tạo cũng như tiềm năng tăng trưởng với sự đóng góp của 3 nhà máy Điện Gió trong các tháng cuối năm 2021, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã khuyến nghị Mua vào cổ phiếu GEG.

VDSC dự báo 3 nhà máy điện gió sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của GEC trong trung hạn khi vận hành hết công suất; Doanh thu và Lợi nhuận sau thuế năm 2022 dự phóng tăng hơn gấp 3 lần.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã đưa ra Báo cáo định giá lần đầu cho cổ phiếu GEG cũng với khuyến nghị Mua vào. Theo đó, VCSC dự kiến Lợi nhuận sau thuế sau Lợi ích Cổ đông thiểu số năm 2022 sẽ tăng trưởng 69% so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng CAGR của EPS đạt 24% trong 2020-2025.

Giai đoạn 15/7/2021 - 26/10/2021, cổ phiếu GEC đã ghi nhận mức tăng ấn tượng 42% (bao gồm mức điều chỉnh giảm 1.450 đồng trong đợt chốt danh sách chào bán ra công chúng và chi trả cổ tức) cao hơn mức tăng 31% của ngành, từ mức 14.660 đồng lên 20.750 đồng. Thanh khoản trung bình ngày đạt trên 1 triệu cổ phiếu, tương ứng 19 tỷ đồng. Khối ngoại liên tục mua ròng trong tháng 10/2021 với khoảng 2,3 triệu cổ phiếu tổng giá trị trên 45 tỷ đồng.

Tin bài liên quan