Dự án do CTCP Năng lượng Điện gió Tiền Giang (TGE) làm chủ đầu tư với tổng công suất 50 MW. Theo báo cáo tài chính quý IV/2020 của GEG, Điện gió Tiền Giang đang là công ty con với 52,16% vốn điều lệ thuộc sở hữu của GEG.
Dự án sẽ được triển khai theo phương án xây dựng đường dây truyền tải chung cho cụm dự án 150 MW.
Ngoài ra, HĐQT Công ty ủy quyền cho Tổng giám đốc Nguyễn Thái Hà quyết định, ký kết và triển khai các thủ tục cần thiết và giấy tờ liên quan khác (bao gồm bảo lãnh công ty mẹ cho TGE) để đảm bảo dự án vận hành thương mại theo đúng tiến độ.
Trong năm 2021, GEG cho biết sẽ khởi động hàng loạt hoạt động liên quan đến phát triển và mở rộng danh mục điện gió.
Công ty đã khởi công Nhà máy Điện Gió Ia Bang 1, nhận quyết định chủ đầu tư dự án Điện Gió gần bờ Tân Phú Đông 1 và Tân Phú Đông 2 với tổng công suất 150 MW. Mức đầu tư của hai dự án này lên tới hơn 6.700 tỷ đồng.
Coteccons đã ký Biên Bản ghi nhớ hợp tác với GEC, cam kết về tiến độ hoàn thành, hiệu quả xây dựng và vận hành thương mại của 2 Dự án theo lộ trình trong năm 2021 và 2022.
Dự kiến đến cuối năm 2021, GEC sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ Điện gió.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020, GEC ghi nhận doanh thu thuần 1.493 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ hoạt động bán điện vẫn là chủ lực khi chiếm tỷ trọng lớn nhất với 84% đạt 1.249 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Cơ cấu doanh thu thuần có sự chuyển dịch tích cực trong mục tiêu đa dạng hóa nguồn thu khi tỷ trọng của doanh thu bán hàng tăng từ 4% lên 13%, đạt gần 200 tỷ đồng, đến từ việc cung cấp các thiết bị năng lượng, tấm pin...
Phần còn lại là doanh thu cung cấp các dịch vụ kỹ thuật trong ngành năng lượng tái tạo và xây lắp với tỷ trọng 3%.
Tổng sản lượng điện thương phẩm trong năm 2020 của GEG đạt 720 triệu kWh, tăng 22% so với cùng kỳ, trong đó điện mặt trời vẫn chiếm ưu thế với 55% tương đương 400 triệu kWh từ 5 Nhà máy Điện Mặt trời và hệ thống Điện Mặt trời Áp mái công suất 300 MWp.
Điện mặt trời vẫn tiếp tục duy trì đà tăng so với tỷ trọng 52% của cùng kỳ năm ngoái. Thủy điện cũng ghi nhận sản lượng tăng 17%, vượt kế hoạch đề ra nhờ đóng góp vượt trội trong quý IV xấp xỉ với lũy kế 3 quý đầu năm 2020.
Lợi nhuận trước thuế và sau thuế 2020 của GEG lần lượt đạt 309 và 296 tỷ đồng.
Cuối năm 2020, tổng tài sản của GEC đạt 7.768 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu kỳ. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh 29% đạt 135 tỷ đồng, đảm bảo các chỉ số thanh toán trong ngắn hạn.
Tổng nợ vay cuối năm 2020 giảm nhẹ so với đầu năm ghi nhận 3.800 tỷ đồng. Hệ số Nợ vay trên tổng tài sản và Nợ vay trên vốn Chủ sở hữu vẫn duy trì ở mức an toàn lần lượt là 0,49 lần và 1,1 lần, tương đương trung bình Ngành và giảm mạnh so với cùng kỳ là 0,58 lần và 1,5 lần.
GEC vừa hoàn thành việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 với tỷ lệ 8% và phát hành chào bán cho Cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1.
Tổng số lượng chứng khoán sau khi thay đổi niêm yết là 271.175.188 cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ 2.712 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu kỳ.
Trên thị trường, đóng cửa phiên 17/7, cổ phiếu GEG tăng 4,4% lên mức 17.700 đồng/cổ phiếu.